Tiếng Việt | English

17/01/2018 - 17:17

Bất bình đẳng giới làm gia tăng sự lây lan của virus HIV

Chiến lược quốc gia chưa công nhận đầy đủ sự liên quan giữa bất bình đẳng giới và HIV, bất bình đẳng giới góp phần làm lây lan HIV và giảm khả năng ứng phó với đại dịch của phụ nữ và trẻ em gái...


Tư vấn điều trị ARV sớm tại cộng đồng. (Ảnh: Dương Ngọc/TTXVN)

Ngày 17/01, Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) phối hợp với Cơ quan Liên hợp quốc về Bình đẳng giới và Trao quyền cho phụ nữ (UN Women) tổ chức Hội thảo "Đánh giá giới trong ứng phó với HIV ở Việt Nam và chặng đường sắp tới."

Báo cáo của Cục Phòng, chống HIV/AIDS cho thấy tại Việt Nam, lũy tích đến tháng 9/2017, số người nhiễm HIV còn sống là 208.371 người; 90.493 bệnh nhân AIDS còn sống và hơn 90.000 người tử vong do HIV/AIDS.

Chín tháng năm 2017, cả nước phát hiện 6.883 trường hợp nhiễm HIV; 3.484 bệnh nhân AIDS và 1.260 trường hợp tử vong. So với cùng kỳ năm 2016, số nhiễm HIV mới giảm 14%, số bệnh nhân AIDS giảm 39%, số tử vong giảm 35%.

Như vậy, nhìn chung, dịch HIV vẫn đang có xu hướng giảm ở ba tiêu chí là số người nhiễm mới HIV, số người chuyển sang giai đoạn AIDS và số người tử vong do AIDS. Lây truyền qua đường tình dục vẫn là con đường lây truyền phổ biến nhất hiện nay.

Vấn đề bất bình đẳng giới đã được đề cập trong khung hướng dẫn ứng phó với HIV, bao gồm Luật Phòng, chống HIV/AIDS (năm 2006), Chiến lược quốc gia về phòng, chống HIV/AIDS đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Khung pháp lý này là điểm khởi đầu tốt để giải quyết các khía cạnh giới của đại dịch với mục tiêu, hoạt động và chỉ tiêu có thể được sửa đổi, hoàn thiện...

Tuy nhiên, hiện nay, Chiến lược quốc gia chưa công nhận đầy đủ sự liên quan giữa bất bình đẳng giới và HIV. Bất bình đẳng giới góp phần làm lây lan HIV và giảm khả năng ứng phó với đại dịch của phụ nữ và trẻ em gái...

Mặc dù chương trình ứng phó với HIV của Việt Nam đã đạt được tiến bộ trong cả bốn lĩnh vực (gồm dự phòng; điều trị, chăm sóc và hỗ trợ; kỳ thị và phân biệt đối xử; thách thức bất bình đẳng giới) nhưng vẫn cần thực hiện thêm nhiều hành động để đảm bảo phụ nữ ở các nhóm khác nhau được trợ giúp đầy đủ. Việc tiếp cận bao cao su nam vẫn chưa phổ cập. Các thông điệp truyền thông vẫn chung chung, chưa phù hợp với phụ nữ, trẻ em gái. Phụ nữ sống chung với HIV bị kỳ thị và phân biệt đối xử nặng nề sẽ dẫn đến việc trì hoãn khám chữa bệnh...

Cơ quan Liên hợp quốc về Bình đẳng giới và Trao quyền cho phụ nữ kiến nghị để giải quyết các khía cạnh giới của HIV, Việt Nam cần một chương trình dự phòng mạnh cung cấp thông tin cần thiết để phụ nữ và trẻ em gái tự bảo vệ bản thân; hệ thống điều trị, chăm sóc, hỗ trợ với giá phải chăng, dễ tiếp cận; chấm dứt kỳ thị và phân biệt đối xử với phụ nữ trong gia đình, cộng đồng; đảm bảo các quyền của phụ nữ...

Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS Phan Thị Thu Hương nhấn mạnh thời gian tới, Bộ Y tế tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động truyền thông về phòng chống HIV/AIDS, đặc biệt là cho phụ nữ, trẻ em; huy động sự tham gia của các phương tiện truyền thông để nâng cao nhận thức cộng đồng, chống phân biệt đối xử với người nhiễm HIV, trong đó có phụ nữ, trẻ em. Đồng thời, ngành Y tế tiếp tục tăng cường tiếp cận của phụ nữ với các dụng cụ giảm tác hại miễn phí (bao cao su); đào tạo nhân viên tư vấn để giải quyết các vấn đề cụ thể mà phụ nữ và trẻ em gái đang gặp xung quanh việc xét nghiệm, chẩn đoán, bảo mật thông tin...

Tại hội thảo, các đại biểu tập trung thảo luận về những nội dung như: Kết quả đánh giá giới trong ứng phó với HIV ở Việt Nam; đại dịch HIV ở Việt Nam; gánh nặng về HIV ở phụ nữ và trẻ em gái.../.

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết