Tiếng Việt | English

21/06/2022 - 08:32

Bến Lức gỡ “nút thắt” trong giải phóng mặt bằng nhờ dân vận khéo

Giải phóng mặt bằng (GPMB) được xác định là một trong những khâu khó nhất trong quá trình triển khai, thực hiện các dự án phát triển KT-XH. Vì vậy, công tác tuyên truyền, vận động GPMB đã và đang được các cấp ủy Đảng quan tâm chỉ đạo quyết liệt nhằm gỡ “nút thắt” trong quá trình triển khai dự án.

Vị trí đất thực hiện Dự án Đường tỉnh 830E và Dự án tạo quỹ đất sạch để bố trí tái định cư Đường tỉnh 830E và phát triển khu đô thị xã Thanh Phú. Đây là các dự án trọng điểm của tỉnh trên địa bàn huyện Bến Lức

Vị trí đất thực hiện Dự án Đường tỉnh 830E và Dự án tạo quỹ đất sạch để bố trí tái định cư Đường tỉnh 830E và phát triển khu đô thị xã Thanh Phú. Đây là các dự án trọng điểm của tỉnh trên địa bàn huyện Bến Lức

Tại huyện Bến Lức, hiện hầu hết công trình, dự án phải thực hiện GPMB đều gặp những khó khăn, vướng mắc về nguồn gốc đất đai, giá đất, đơn giá tài sản, vật kiến trúc, cây cối để tính bồi thường. Nhận thức và ý thức của một bộ phận người dân trong việc thực hiện chủ trương thu hồi đất và chính sách bồi thường GPMB chưa cao,... Do đó, trên tinh thần Kết luận số 720-KL/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, công tác bồi thường, GPMB và hỗ trợ tái định cư được đưa vào Chương trình đột phá của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2020-2025.

Ngay từ năm đầu của nhiệm kỳ, Huyện ủy, UBND huyện chỉ đạo thực hiện quyết liệt. Kết quả, năm 2021 đã tiến hành chi trả bồi thường, hỗ trợ và tái định cư 12 dự án cho 251 trường hợp bị ảnh hưởng với tổng kinh phí hơn 937 tỉ đồng, tổng diện tích 123ha. Trong 4 tháng đầu năm 2022, huyện tiếp tục chi trả bồi thường, hỗ trợ và tái định cư 10 dự án cho 25 trường hợp bị ảnh hưởng với tổng kinh phí 46,5 tỉ đồng. Để làm được điều này, Ban Thường vụ Huyện ủy ban hành Chương trình số 10-CTr/HU, ngày 15/12/2021, xác định chỉ tiêu, nhiệm vụ cụ thể từ nay đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030, trong đó xác định từ nay đến năm 2025 phấn đấu tạo quỹ đất sạch 1.000ha và đến năm 2030 thêm 1.500ha, riêng năm 2022 tối thiểu 200ha.

Song song đó, Huyện ủy Bến Lức thành lập Tổ công tác vận động quần chúng huyện và giao Trưởng ban Dân vận Huyện ủy làm Tổ trưởng, phối hợp các ban, ngành, đoàn thể của huyện, chính quyền địa phương, MTTQ và các xã, thị trấn phụ trách từng dự án, đi sâu tuyên truyền, vận động từng hộ dân. Điều này góp phần cho Dự án Kè chống sạt lở bờ sông, bảo vệ thị trấn Bến Lức, có tổng diện tích 1,75ha, chiều dài toàn tuyến 2,1km đã phê duyệt được phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư (đợt 1) cho 43 hộ dân tại thị trấn Bến Lức với tổng kinh phí khoảng 45 tỉ đồng, 14 hộ dân tại xã Thanh Phú với tổng diện tích thu hồi 6.141,7m2 đất, tổng kinh phí 17,3 tỉ đồng. Đáng chú ý là đến thời điểm hiện nay, 3 hộ dân chưa đồng thuận với mức giá bồi thường trong dự án cũng đã đồng ý nhận 6,8 tỉ đồng và bàn giao 3.207,9m2 đất để dự án được triển khai.

Dự án Đường tỉnh 830E và Dự án tạo quỹ đất sạch để bố trí tái định cư Đường tỉnh 830E và phát triển khu đô thị xã Thanh Phú cũng là những công trình trọng điểm đang được huyện quyết liệt thực hiện. Hiện nay, UBND huyện ban hành 1.644 thông báo thu hồi đất cho các trường hợp bị ảnh hưởng bởi các dự án trên. Với sự kiên trì, bền bỉ trong tuyên truyền, vận động, thuyết phục bằng cả lời nói và việc làm, đến nay, cơ bản người dân bị ảnh hưởng bởi các dự án đều đồng thuận giao mặt bằng khi các dự án triển khai.

Việc gỡ những “nút thắt” trong GPMB ở huyện Bến Lức là nhờ công tác dân vận. Dân vận khéo thì công tác GPMB được thực hiện nhanh, nếu vận dụng linh hoạt và có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị thì các vấn đề khó khăn đều có thể từng bước được giải quyết thấu đáo, không để phát sinh thành điểm “nóng”../

Việt Hằng 

Chia sẻ bài viết