Những hàng khách cuối lên phà Việt Dan 1 - trước khi Bến phà Vàm Cống tạm dừng hoạt động. (Ảnh: Công Mạo/TTXVN)
Sáng 30/6, Tổng cục Đường bộ Việt nam (Bộ Giao thông Vận tải) tổ chức lễ công bố Quyết định tạm dừng hoạt động của Bến phà Vàm Cống (thuộc Cụm phà Vàm Cống) và tri ân những nỗ lực, cố gắng của tập thể viên chức, người lao động tại Bến phà Vàm Cống.
Phát biểu tại lễ công bố Quyết định tạm dừng hoạt động của Bến phà Vàm Cống và tri ân những nỗ lực, cố gắng của tập thể viên chức, người lao động tại Bến phà Vàm Cống, ông Nguyễn Việt Hưng, Ủy viên Thường vụ Công đoàn Ngành Giao thông Vận tải, Chủ tịch Công đoàn Tổng cục Đường bộ Việt Nam ghi nhận và biểu dương những đóng góp không mệt mỏi của các thế hệ cán bộ, viên chức, người lao động tại Bến phà Vàm Cống trong gần một thế kỷ đưa đón khách, vận chuyển hàng hóa qua đôi bờ dòng sông Hậu, giúp giao thông khu vực miền Tây của Đồng bằng sông Cửu Long được đảm bảo thông suốt, an toàn.
Theo ông Hưng, trước khi có Quyết định tạm dừng hoạt động Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Bến phà Vàm Cống có tổng số 162 viên chức, người lao động; sau khi có Quyết định tạm dừng hoạt động Bến phà Vàm Cống, thực hiện chỉ đạo của Bộ Giao thông Vận tải, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã chỉ đạo Cục Quản lý Đường bộ IV và Cụm phà Vàm Cống tiến hành khảo sát nguyện vọng của từng cán bộ, nhân viên, người lao động để từ đó có phương án bố trí, sắp xếp công việc một cách hợp lý.
Qua khảo sát, kết quả cho thấy, 57 người có nguyện vọng được thôi việc, nghỉ việc hưởng chế độ hưu trí và nghỉ để xin chuyển qua làm việc tại Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Phà An Giang, 105 người có nguyện vọng được tiếp tục công tác và phân công nhiệm vụ tại các đơn vị trực thuộc Cụm phà Vàm Cống.
Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã có kế hoạch cụ thể; đối với lao động thuộc bến phà Vàm Cống sẽ được Cụm phà Vàm Cống sắp xếp, bố trí về làm việc tại các bến khác thuộc cụm phà như: Đình Khao, Đại Ngãi, Kênh Tắt, Láng Sắt...; Đối với những người lao động không tiếp tục làm việc, Cụm phà Vàm Cống sẽ giải quyết thôi việc và chi trả chế độ theo đúng quy định.
Cùng với đó, sau khi Bến phà Vàm Cống ngừng hoạt động, Cục Quản lý Đường bộ IV sẽ chủ động làm việc với tỉnh An Giang để giới thiệu những lao động có nguyện vọng muốn tiếp tục làm việc tại địa phương để họ làm việc tại Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Phà An Giang.
Ông Nguyễn Văn Thành, Cục trưởng Cục Quản lý Đường bộ IV cho biết, hiện nay, Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang đã có văn bản gửi Bộ Giao thông Vận tải và Tổng cục Đường bộ Việt Nam đề nghị được chuyển cơ sở vật chất Bến phà Vàm Cống cho tỉnh An Giang khai thác nhằm phục vụ nhu cầu của người dân.
Cục đã làm việc với Sở Giao thông Vận tải tỉnh An Giang và Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Phà An Giang để có phương án cụ thể; đồng thời tiến hành khảo sát nhu cầu của người dân ở hai bờ An Giang và Đồng Tháp, để có đề xuất phương án cụ thể với Tổng cục Đường bộ Việt Nam và Bộ Giao thông Vận tải về quy mô duy trì của Bến phà Vàm Cống khi chuyển giao về cho tỉnh An Giang khai thác.
“Trên tinh thần, đảm bảo phục vụ tốt nhu cầu đi lại của người dân, Cục Quản lý Đường bộ IV sẽ sớm có văn bản gửi Tổng cục Đường bộ Việt Nam và Bộ Giao thông Vận tải về việc chuyển giao cơ sở vật chất của Bến phà Vàm Cống cùng một số phà có tải trọng nhỏ cho Bến phà Vàm Cống (khi Bến phà Vàm Cống được giao về cho tỉnh An Giang) nhằm phục vụ nhu cầu đi lại của người dân ở hai bờ An Giang và Đồng Tháp,” ông Thành nhấn mạnh.
Có mặt tại Bến phà Vàm Cống sáng 30/6, trên chiếc phà tải trọng 200 tấn vượt sông Hậu nối huyện Lấp Vò (tỉnh Đồng Tháp) với thành phố Long Xuyên (tỉnh An Giang), chúng tôi cảm nhận được những nỗi niềm khó tả của hành khách và những người làm công việc “đưa đò” qua sông.
“Buồn vui lẫn lộn, rồi đây sẽ không còn những chuyến phà qua sông bồng bềnh, không còn nghe tiếng còi phà vang vọng trong đêm với những âm thanh quen thuộc và những lúc kẹt xe chờ phà," ông Nguyễn Thanh Duy (ở Thốt Nốt, Cần Thơ), một người thường xuyên qua lại phà Vàm Cống thăm người thân, chia sẻ.
Gắn liền với những chuyến phà, lênh đênh qua dòng sông Hậu ngoài những hành khách và cán bộ công nhân viên bến phà là hàng trăm người mưu sinh với đủ thứ nghề khác nhau ở đôi bờ. Qua biết bao thăng trầm của lịch sử, qua rất nhiều thế hệ công nhân đã làm việc tại bến phà Vàm Cống, có lẽ tất cả đã để lại những tình cảm chân thành cho khách qua phà.
Tập thể cán bộ, công nhân lao động Bến phà Vàm Cống chụp hình kỷ niệm trên chuyến phà cuối cùng trước khi Bến phà Vàm Cống dừng hoạt động. (Ảnh: Công Mạo/TTXVN)
Thuyền trưởng phà Việt Đan 2, ông Nguyễn Văn Đồng (người có hơn 30 gắn bó với Bến phà Vàm Cống) bùi ngùi, sau khi rời quân ngũ ông đã gắn bó với Bến phà Vàm Cống, giờ bến phà phải tạm dừng hoạt động, ông cũng như các anh em khác đều chung tâm trạng là “buồn vui lẫn lộn.”
Buồn vì phải rời xa bến phà, xa công việc thân quen bao nhiêu năm nay, nhưng cũng vui vì đó là quy luật của sự phát triển, đất nước ngày càng đi lên, những cây cầu sẽ thay dần các chuyến phà…
Đúng 9 giờ ngày 30/6, chuyến phà Việt Đan 4 vượt sông Hậu cập bến Lấp Vò (tỉnh Đồng Tháp), với một hồi còi tàu dài như một lời chia tay của Bến phà Vàm Cống sau khi đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử.
Sau gần 1 thế kỷ, Bến phà Vàm Cống chính thức ngừng hoạt động để lại biết bao tâm sự cho khách, người dân sống quanh hai bờ sông Hậu./.
Theo TTXVN