Các bệnh về mật bao gồm viêm túi mật cấp tính, viêm túi mật mạn tính, sỏi đường mật và sỏi túi mật. Việc thực hiện chế độ dinh dưỡng hợp lý sẽ giúp cho quá trình điều trị bệnh hiệu quả hơn.
Túi mật là một cơ quan nhỏ hình quả lê ở phía bên phải của bụng, ngay dưới gan. Túi mật có nhiệm vụ dự trữ dịch mật khi có thức ăn vào đường tiêu hóa, dịch mật được tống xuất từng đợt qua ống mật chủ xuống ruột để tiêu hóa thức ăn. Mật đi ra khỏi túi mật thông qua một ống nhỏ gọi là ống nang, đến ống khác gọi là ống mật và sau đó vào ruột non. Tuy là một cơ quan nhỏ nhưng bệnh của túi mật lại có ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe.
Các bệnh về mật bao gồm viêm túi mật cấp tính, viêm túi mật mạn tính, sỏi đường mật và sỏi túi mật.
Người mắc bệnh về mật không nên uống nước chè (vì có nhiều tannin) để tránh ứ đọng mật và nhiễm trùng đường mật.
Khi bị viêm túi mật cấp tính, cần để cho túi mật nghỉ ngơi bằng cách loại bỏ hoặc giảm bớt các chất béo trong chế độ ăn và cả chất protid nữa vì chúng làm cho túi mật tăng co bóp.
Chế độ ăn chỉ nên có glucid như: nước đường, nước quả, nước rau, thêm bột ngũ cốc, khoai nghiền. Nên ăn nhạt, nhiều chất xơ để chống táo bón, có thể cho ăn sữa đã tách bơ.
Trong trường hợp bị viêm túi mật hoặc đường mật mạn tính, bệnh nhân thường có triệu chứng rối loạn tiêu hóa, cần áp dụng một chế độ ăn nương nhẹ chức năng mật, tương tự như chế độ ăn nương nhẹ chức năng gan, cụ thể là hạn chế chất béo.
Các chất mỡ có ảnh hưởng không chỉ đối với chức năng gan, mật mà cả với dạ dày. Nó làm cho môn vị mở chậm và gây đầy bụng vì nó tụ lại trong dạ dày. Mỡ cản trở bài tiết HCl (cần cho sự tiêu hóa protid) và làm cho mật xuống ruột không đều, tăng chất độc vào máu, ảnh hưởng tới gan.
Người bị viêm túi mật và đường mật mạn tính mỗi ngày chỉ nên ăn một bữa thịt, dùng loại thịt trắng và nạc, không có mỡ. Dùng thịt tươi, nấu đơn giản như hấp, luộc. Đạm thực vật (đậu, đỗ) nên ăn dưới dạng nghiền nát, ninh nhừ.
Người mắc bệnh về mật không nên uống nước chè (vì có nhiều tannin) để tránh ứ đọng mật và nhiễm trùng đường mật.
Với các thức ăn giàu glucid, nên dùng nhiều đường vì dễ tiêu, không ảnh hưởng xấu đến mật, không dùng chocolate, ca cao, các thức ăn có trộn thêm trứng và bột (như bánh ngọt) vì gây khó tiêu.
Bệnh sỏi mật được chia thành 2 nhóm chính tùy vị trí: sỏi túi mật và sỏi đường mật. Ở các nước nhiệt đới, các nước nghèo, sỏi đường mật chiếm đa số vì nó liên quan đến nhiễm khuẩn đường mật, chủ yếu do giun và trứng giun gây ra. Tính chất của sỏi cũng được chia thành 2 loại: sỏi sắc tố mật và sỏi cholesterol. Sỏi cholesterol thường gắn với tình trạng béo phì, với chế độ ăn nhiều chất béo và cholesterol máu cao.
Để tránh ứ đọng mật và nhiễm khuẩn đường mật, cần hạn chế các thức ăn gây táo bón (các thức ăn, nước uống có nhiều tanin), vì táo bón tạo cơ hội cho vi khuẩn đường ruột phát triển, dẫn đến viêm tá tràng, viêm túi mật và ống mật, làm cho mật dễ lắng đọng thành sỏi.
Để tránh sỏi cholesterol xuất hiện, cần hạn chế các thức ăn có nhiều mỡ và cholesterol như phủ tạng động vật, lòng đỏ trứng.../.
VOV.VN (Theo TS Nguyễn Thị Lâm/Tạp chí Dược)