Phòng bệnh hơn chữa bệnh
Anh Nguyễn Minh Trọng, ngụ khu phố 8, thị trấn Bến Lức, huyện Bến Lức, tỉnh Long An là một trong những hộ luôn ý thức phòng bệnh cho biết: “Ngoài chủ động đưa 2 cháu đi tiêm ngừa các bệnh theo chương trình tiêm chủng mở rộng, tôi còn chủ động đưa con đến cơ sở y tế tiêm ngừa các bệnh: Quai bị, thủy đậu,... Vì tôi cho rằng, phòng bệnh hơn chữa bệnh”.
Cần chủ động đưa con em đến các cơ sở y tế tiêm vắc-xin phòng ngừa bệnh quai bị
Tính từ đầu năm đến ngày 05/6/2017, toàn tỉnh ghi nhận 478 trường hợp mắc bệnh quai bị (trong đó, các huyện có số trường hợp mắc cao: Thủ Thừa 141, TP.Tân An 86, Đức Hòa 71, Tân Trụ 66, thị xã Kiến Tường 48). |
Từ đầu năm 2017 đến nay, địa bàn thị xã Kiến Tường xảy ra 4 ổ dịch quai bị, với 48 ca mắc, tập trung ở Trường Tiểu học Đặng Thị Mành, xã Bình Hiệp; điểm Cả Gừa và điểm Bàu Mua, Trường Tiểu học Thạnh Hưng, xã Thạnh Hưng. Nguyên nhân xảy ra dịch bệnh do nhà trường phát hiện bệnh và cách ly muộn, đồng thời trẻ không được tiêm vắc-xin quai bị phòng ngừa nên bệnh lây lan nhanh. Sau khi phát hiện, ngành Y tế kịp thời tổ chức dập dịch, vệ sinh các phòng học và cách ly nên dịch được khống chế. Mong rằng, các bậc phụ huynh nên chủ động đưa trẻ đến Trung tâm Y tế thị xã để tiêm vắc-xin phòng bệnh,...
Theo Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Long An - bác sĩ CK II Huỳnh Hữu Dũng, quai bị rất dễ lây qua đường hô hấp và đường ăn uống, qua những giọt nước bọt khi bệnh nhân nói, ho hay hắt hơi. Bệnh thường gặp ở trẻ và lứa tuổi vị thành niên - chưa có miễn dịch quai bị. Người lớn cũng có thể mắc nhưng tỷ lệ thấp hơn so với trẻ nhỏ. Thời gian lây từ 6 ngày trước khi toàn phát và đến 2 tuần sau khi có triệu chứng bệnh lý.
Khi bị nhiễm vi-rút quai bị, phần lớn bệnh nhân thấy khó chịu từ 1-2 ngày trước khi các triệu chứng xuất hiện. Bệnh nhân bị sốt cao (39-400C) từ 3-4 ngày, chảy nước bọt, sưng vùng mang tai. Dấu hiệu dễ nhận biết nhất là má của người bệnh sưng to, có thể sưng một bên mặt rồi lan sang bên kia hoặc sưng cả hai bên cùng một lúc. Tuy nhiên, có khoảng 25% người bị nhiễm vi-rút quai bị mà không có triệu chứng bệnh lý. Đây là những đối tượng có khả năng truyền bệnh mà người xung quanh không biết.
Bệnh quai bị ở người lớn thường nặng và có nhiều biến chứng hơn ở trẻ em, nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, có thể xảy ra các biến chứng: Viêm tinh hoàn và mào tinh hoàn, nhồi máu phổi, viêm buồng trứng, viêm tụy, tổn thương thần kinh. Đặc biệt, bệnh quai bị ở phụ nữ có thai trong 3 tháng đầu của thai kỳ có thể gây sẩy thai hoặc sinh con dị dạng, trong 3 tháng cuối của thai kỳ có thể sinh non hoặc thai chết lưu.
Bác sĩ Huỳnh Hữu Dũng cho rằng: Đây là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, dễ lây lan trong cộng đồng. Để phòng, chống bệnh quai bị, tránh dịch bùng phát trên diện rộng, hạn chế đến mức thấp nhất trường hợp mắc, biến chứng, Trung tâm Y tế dự phòng Long An đề nghị trung tâm y tế các huyện, thị xã, thành phố chủ động phối hợp ngành giáo dục tăng cường kiểm tra, giám sát nhằm sớm phát hiện ca mắc mới để xử lý và cách ly kịp thời. Đặc biệt, cần chú ý theo dõi, giám sát chặt chẽ vùng dịch bệnh đang lưu hành, những nơi tập trung đông người và báo cáo lên tuyến trên để có biện pháp phối hợp xử lý kịp thời.
Khi mắc bệnh quai bị cần đến các cơ sở y tế để được khám và điều trị đúng cáchĐiều trị kịp thời, đúng cách khi mắc bệnh
Ngành Y tế khuyến cáo, khi mắc bệnh quai bị, cần đến các cơ sở y tế để được khám và điều trị đúng cách. Cần nghỉ ngơi hợp lý, chăm sóc răng miệng, ăn thức ăn lỏng, dễ tiêu hóa và nhiều chất dinh dưỡng để tăng sức đề kháng cho cơ thể. Trong trường hợp viêm tinh hoàn thì nên mặc quần lót nâng tinh hoàn để giảm đau nhức. Chú ý vệ sinh cá nhân và tẩy uế các chất dịch tiết của người bệnh. Đặc biệt, người bệnh không bôi hoặc đắp những thứ thuốc dân gian như vôi, trầu nhai,... ở vùng sưng đau, tránh tình trạng nhiễm trùng. Để phòng, chống lây nhiễm bệnh trong cộng đồng và ngăn chặn bùng phát thành dịch, cần cho bệnh nhân ở nhà, hạn chế tiếp xúc với người xung quanh, nếu có tiếp xúc nên đeo khẩu trang.
Bệnh quai bị chỉ có thể phòng ngừa bằng việc tiêm vắc-xin quai bị. Có thể tiêm cho trẻ em trên 1 tuổi, đặc biệt là thanh, thiếu niên trước tuổi dậy thì. Tiêm vắc-xin này an toàn, không gây sốt, khả năng bảo vệ cao. Hiện tại, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh triển khai dịch vụ tiêm vắc-xin phòng bệnh quai bị và vắc-xin phối hợp phòng bệnh sởi - quai bị - rubella./.
Ngọc Mận