Tiếng Việt | English

03/09/2015 - 14:44

Bệnh sởi và các biến chứng


Biến chứng hô hấp trên bệnh nhân bị sởi

Sởi (tên tiếng Anh: measles hay rubeola) là một bệnh nhiễm virus cấp tính đặc trưng ở giai đoạn cuối bằng ban dạng dát-sẩn xuất hiện tuần tự từ cổ, mặt, ngực, thân, chân, tay kèm theo sốt cao.

Các biến chứng thường gặp của sởi là viêm tai giữa, viêm phổi, tiêu chảy, viêm não.

Viêm phổi gây ra do chính bản thân virus sởi (viêm phổi tế bào khổng lồ). Viêm phổi do sởi ở bệnh nhân AIDS thường gây tử vong và hiếm khi có ban điển hình. Thường gặp hơn là bội nhiễm vi khuẩn gây nên viêm phổi. Các vi khuẩn thường gặp là phế cầu, liên cầu nhóm A, tụ cầu và Hemophilus Influenzae týp b.

Viêm tai giữa là biến chứng luôn luôn phải nghĩ đến ở trẻ mắc sởi. Nếu không phát hiện kịp thời, viêm tai giữa có thể gây thủng màng nhĩ ảnh hưởng đến thính lực. Đôi khi viêm tai giữa cấp không được điều trị đúng có thể đưa đến viêm tai giữa mạn tính với biến chứng nguy hiểm là viêm tai xương chủm và áp xe não.

Viêm mũi, họng, ban đầu viêm long ở mũi sau đó viêm mủ, loét ở lỗ mũi và môi trên. Hay gặp viêm họng đỏ hoặc có kèm giả mạc mủn. Cả hai biến chứng này có thể làm nổi hạch dưới hàm và cổ, ít khi hóa mủ hoặc gây viêm tai giữa.

Tiêu chảy cũng là biến chứng thường gặp sau sởi, đặc biệt ở những trẻ suy dinh dưỡng và thiếu vitamin A. Trẻ dễ bị mắc lỵ trực trùng và tiêu chảy kéo dài. Đôi khi do cơ địa suy kiệt, bệnh nhi dễ có nguy cơ nhiễm trùng huyết tiêu điểm từ ruột.

Viêm loét giác mạc là biến chứng kinh điển và đáng sợ. Trẻ suy dinh dưỡng và thiếu vitamin A là những đối tượng có nguy cơ cao nhất. Bệnh có thể diễn biến từ loét gây mờ giác mạc, hỏng toàn bộ giác mạc đến làm mủ trong nhãn cầu. Hậu quả là giảm thị lực đến mù vĩnh viễn.

Viêm não ước tính khoảng 1-2/1000 trường hợp mắc sởi. Có hai thể viêm não do sởi. Một thể là do phản ứng miễn dịch thông qua sự hình thành phức hợp kháng nguyên-kháng thể. Một thể là do sự hiện diện của virus sởi tồn tại trong tế bào thần kinh gây nên viêm não, chậm có thể xuất hiện 5 năm thậm chí 15 năm sau khi mắc sởi.

Các biến chứng thần kinh khác là hội chứng Guillain-Barrée, liệt nửa người, huyết khối tĩnh mạch não..., thường ít gặp.

Sởi là một bệnh truyền nhiễm cao gây nên do siêu vi. Bệnh lây truyền từ người sang người thông qua các hạt nhỏ bắn ra khi ho, hắt hơi hoặc do dùng chung thức ăn, nước uống với người bệnh. Siêu vi gây bệnh sởi cũng có thể phát tán trong không khí nên nếu tiếp xúc gần người bệnh, dù người này không ho, không hắt hơi, cũng có thể bị lây bệnh.

Biểu hiện của sởi là nổi ban toàn thân từ đầu xuống chân, sau đó ban bay dần, để lại trên da những vết lốm đốm như da báo.

Sởi là một bệnh rất dễ lây lan và có biến chứng nguy hiểm nhưng có thể phòng ngừa một cách hữu hiệu. Nên cách ly trẻ có biểu hiện sởi càng sớm càng tốt ngay khi có triệu chứng. Tuy nhiên, một đứa trẻ mắc sởi có thể lây nhiễm cho nhiều trẻ khác trước khi xuất hiện triệu chứng. Vì vậy, phương pháp hiệu quả nhất, an toàn nhất vẫn là tiêm chủng sởi, nên tiêm chủng khi trẻ 9 tháng tuổi và mũi nhắc lại lúc trẻ 18 tháng tuổi./.

Bs Hồ Văn Cưng

 

 

Chia sẻ bài viết
Từ khóa
bệnh sởi