Tiếng Việt | English

09/01/2022 - 14:56

Bệnh vảy nến ở trẻ em: Tổn thương và những điều cha mẹ cần lưu ý

Vảy nến ở trẻ em là bệnh hay gặp, tuy không gây nguy hiểm đến tính mạng nhưng ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe, tinh thần, thẩm mỹ làn da và sinh hoạt của trẻ. Vậy làm sao để nhận biết, phân biệt đúng bệnh vảy nến ở trẻ.

1. Bệnh vảy nến ở trẻ em là gì? 

- Bệnh vảy nến là một bệnh da mạn tính, xảy ra không chỉ ở người lớn mà ở cả trẻ em. Các mảng da màu đỏ, dày lên, đóng vảy có thể khác nhau về kích thước và sự phân bố ở mỗi người. Ở một số bệnh nhân, tổn thương mảng da màu đỏ, dày lên đóng vảy chỉ xuất hiện vài vùng nhỏ trên da, trong khi những trẻ khác có thể bị nhiều sang thương lớn toàn thân.

2. Một số bệnh vảy nến có thể gặp ở trẻ em: 

- Vảy nến đảo ngược - đây là sang thương xuất hiện giữa các nếp gấp da.
- Vảy nến da đầu là các lớp vảy dày trên da đầu.
- Vảy nến móng là loạn dưỡng móng có thể liên quan đến bệnh vảy nến.
- Vảy nến giọt cấp tính là các mảng nhỏ màu đỏ xuất hiện sau khi bị nhiễm trùng. 
- Vảy nến mảng mãn tính là các mảng màu đỏ đóng vảy xuất hiện ở bất kỳ vị trí nào trên cơ thể.
- Vảy nến khi da toàn thân bị đỏ nghiêm trọng, bao phủ hầu hết hoặc toàn bộ cơ thể của trẻ.
- Vảy nến mủ - mụn mủ nặng xuất hiện cấp tính.
- Vảy nến nhạy cảm ánh sáng là tổn thương ở các vị trí tiếp xúc với ánh nắng mặt trời.

Tuy nhiên, trong các dạng bệnh trên, ở trẻ em hay gặp nhất là thể bệnh vảy nến giọt, vảy nến vùng mặt và vảy nến đảo ngược, đặc biệt phổ biến ở trẻ em.

Tổn thương vảy nến vùng nách, bẹn ở trẻ .

3. Nguyên nhân gây bệnh vảy nến ở trẻ

Hiện căn nguyên bệnh học vẫn chưa được rõ ràng. Các nhà khoa học cho rằng bệnh vảy nến có liên quan nhiều đến yếu tố di truyền và do rối loạn điều hoà hệ thống miễn dịch. Các cá thể có thể bị bùng phát vảy nến do căng thẳng, chấn thương, dùng thuốc và nhiễm trùng, trong đó có viêm amidan do liên cầu. 

Các nhà nghiên cứu cũng cho rằng các yếu tố môi trường đóng một vai trò quan trọng khiến bệnh vẩy nến khởi phát, trong đó thường gặp là nhiễm khuẩn, nhiễm trùng… Khi đó hệ thống miễn dịch kích hoạt, phát hiện tình trạng thâm xâm nhập của virus Streptococcus làm tổn thương các tế bào da khỏe mạnh. Tiếp theo là các yếu tố chấn thương, stress, ảnh hưởng từ thuốc điều trị... khiến bệnh vảy nến phát tán rộng rãi.

Bệnh vảy nến không lây từ người này sang người khác, do đó, trẻ bị bệnh không cần phải cách ly với những trẻ khác.

4. Dấu hiệu nhận biết vảy nến ở trẻ em

- Tổn thương da là biểu hiện dễ nhận thấy ở trẻ mắc bệnh vảy nến, khi đó các mảng hồng ban, sang thương thường có giới hạn rõ, màu đỏ và đóng vảy trắng dễ bong. Các mảng có xu hướng phân bố đối xứng, thường gặp ở các vị trí nhất định như da đầu, khuỷu tay và đầu gối hoặc các nếp gấp da như sau tai, nách, bẹn.

- Vảy nến là một căn bệnh mạn tính, có xu hướng phát triển rầm rộ tại một thời điểm nào đó rồi bước vào thời kỳ thuyên giảm và sẽ lặp lại. Nếu ở giai đoạn bệnh hoạt động, các triệu chứng ở trẻ sẽ biểu hiện rõ ràng hơn. Sau đó bệnh thuyên giảm, các triệu chứng có thể được cải thiện hoặc biến mất.

Tổn thương dát đỏ bong vảy mỏng, ranh giới rõ tập trung thành mảng vùng đầu gối ở trẻ 5 tuối.

5. Chẩn đoán và xác định độ nặng của bệnh

Chẩn đoán bệnh vảy nến thường thông qua thăm khám lâm sàng. Bác sĩ khám da bệnh nhân và chẩn đoán dựa trên đặc điểm của sang thương, đôi khi, sinh thiết da có thể cần thiết để phân biệt bệnh vảy nến với các tình trạng da khác có biểu hiện tương tự.

Độ nặng của bệnh vảy nến được đánh giá như thế nào?

Đánh giá độ nặng của bệnh vảy nến có thể giúp quyết định phác đồ điều trị thích hợp nhất. Độ nặng của bệnh vảy nến được xác định theo những cách sau:

- Các bác sĩ sẽ đánh giá tổn thương của bệnh để đưa ra phác đồ điều trị thích hợp, giúp trẻ kiểm soát được bệnh ở giai đoạn bệnh tiến triển. 

- Bác sĩ sẽ kiểm tra đánh giá diện tích bề mặt cơ thể bị tổn thương; mức độ nghiêm trọng của tổn thương. 

Mỗi trẻ bị bệnh vảy nến nặng tốt nhất nên được quản lý bởi bác sĩ chuyên khoa da liễu. Trên thực tế, nếu trẻ em và thanh thiếu niên mắc bệnh vảy nến có thể gặp phải những tác động tâm lý xã hội đáng kể và cần sự tư vấn của bác sĩ da liễu nhi khoa và các chuyên gia tư vấn.

Tổn thương da là biểu hiện dễ nhận thấy ở trẻ mắc bệnh vảy nến.

6. Điều trị vảy nến trẻ em

- Cũng như người lớn, bệnh vảy nến hiện nay chưa có cách điều trị triệt để, nhưng một số phác đồ điều trị có thể được các bác sĩ sử dụng để kiểm soát bệnh, giúp trẻ sống chung với bệnh vảy nến.

- Việc xem xét các yếu tố cụ thể của bệnh nhân, chẳng hạn như tuổi, mức độ nặng của bệnh, bệnh đi kèm và khả năng chịu đựng các rủi ro và tác dụng phụ của các loại thuốc cụ thể, sẽ quyết định hướng điều trị.

- Điều trị vảy nến ở trẻ nhỏ tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của bệnh. Hầu hết trẻ mắc bệnh vảy nến nhẹ đến trung bình đáp ứng điều trị với các loại thuốc bôi tại chỗ. Nếu không đáp ứng với liệu pháp tại chỗ, thường phải điều trị liệu pháp ánh sáng hoặc dùng thuốc toàn thân. Ngoài ra, lựa chọn phương pháp điều trị còn tùy thuộc vào một số yếu tố khác của bệnh nhân.

- Thông thường vảy nến mức độ trung bình đến nặng ở trẻ em từ 4 tuổi trở lên, các lựa chọn điều trị chính bao gồm thuốc ức chế miễn dịch, liệu pháp ánh sáng, thuốc sinh học và Retinoids đường uống. Tránh điều trị bằng Corticosteroid đường uống do có khả năng làm bùng phát bệnh nặng khi ngừng thuốc. Lựa chọn phương pháp điều trị phụ thuộc vào việc xem xét các yếu tố cụ thể của bệnh nhân như mức độ nặng của bệnh, bệnh đi kèm...

Tổn thương dát đỏ, bong vảy trắng vùng đầu, rìa tóc và sau gáy ở trẻ 10 tuổi.

7. Giúp trẻ chung sống với bệnh vảy nến

- Do trẻ còn nhỏ chưa ý thức được các yếu tố liên quan đến bệnh và các tổn thương do vảy nến… chính vì lẽ đó cha mẹ luôn là người đồng hành hướng dẫn, giúp đỡ trẻ trong quá trình kiểm soát bệnh. Nhất là những đợt bệnh tiến triển, ngoài việc khó chịu, ngứa ngáy... bệnh còn có thể ảnh hưởng đến thẩm mỹ và tâm lý của trẻ. 

Những trẻ xuất hiện những mảng vảy nến lớn tại những khu vực nhạy cảm như trên mặt hay bộ phận sinh dục thường cảm thấy xấu hổ về căn bệnh của mình. Do vậy, cha mẹ cần phải giúp đỡ con, phối hợp với bác sĩ để có biện pháp xử trí khi trẻ xuất hiện những cảm xúc và tâm lý tiêu cực do bệnh tật.

- Tuyệt đối không dùng thuốc theo mách bảo, nhiều gia đình khi thấy trên da trẻ nổi mẩn đỏ, cho rằng bị viêm da dị ứng nghe theo lời mách của người quen khiến da toàn thân của trẻ tấy đỏ, hai chân phù nề… nhất là với vảy nến là bệnh viêm hệ thống, việc chẩn đoán, điều trị khá phức tạp nên người bệnh cần đến khám, điều trị tại các cơ sở y tế tránh dùng thuốc theo mách bảo nguy hại tới sức khoẻ./.

Theo SK&ĐS

Chia sẻ bài viết