Hầu hết các bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến huyện, thậm chí cả các trạm y tế xã, phường đều có dịch vụ chăm sóc "bà bầu" rất tốt
Thai phụ cần làm gì để chăm sóc sức khỏe mùa dịch Covid-19?
Dịch Covid-19 vẫn đang ở giai đoạn nguy hiểm. Chính vì thế mà nhiều tỉnh, thành khuyến cáo người dân “ở địa phương nào ở yên chỗ đó”.
Từ lúc bệnh Covid-19 bùng phát cho đến nay vẫn chưa có bằng chứng cho thấy virus SARS-CoV-2 gây ảnh hưởng đến thai nhi cũng như chưa tìm thấy bằng chứng virus truyền từ mẹ sang thai nhi trong tử cung hoặc qua nhau thai. Tuy nhiên, thai phụ vẫn có nguy cơ nhiễm virus như mắc các bệnh lý lây nhiễm khác, nên cần thực hiện các biện pháp phòng chống và giãn cách xã hội như khuyến cáo của ngành Y tế.
Chị N.T.T.H (phường 5, TP.Tân An, tỉnh Long An) cho biết: “Cả 2 con tôi đều theo dõi thai kỳ và sinh tại Bệnh viện Đa khoa Long An. Ai cũng nghĩ lên các bệnh viện lớn ởTP.HCM sinh sẽ an tâm và tốt hơn. Nhưng tôi thấy sinh tại bệnh viện gần nhà cũng đầy đủ máy móc hiện đại, các y, bác sĩ giỏi và nhiệt tình”.
Còn chị T.H.T.H (huyện Châu Thành), tìm đến bác sĩ tư nhân tại địa phương khám và cũng được khuyên nên theo dõi thai tại cơ sở y tế nơi sinh sống, vì hiện nay hầu hết các bệnh viện tuyến tỉnh, huyện, thậm chí cả các trạm y tế xã, phường đều có dịch vụ chăm sóc cho "bà bầu" rất tốt. Trong khi dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, thai phụ cần hạn chế đến nơi đông người, nhất là tại các tỉnh miền Tây Nam Bộ đang kiểm soát tốt dịch bệnh nên khám thai ở địa phương sẽ an toàn hơn.
Khám thai ở đâu tốt nhất?
Thai phụ nên đến cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn và theo dõi thai kỳ nhằm giảm nguy cơ lây nhiễm bệnh trong mùa dịch Covid-19
Trong bối cảnh hiện nay, mang thai, chuyển dạ và sinh nở đều có nguy cơ bị nhiễm virus nếu không có sự chuẩn bị trước. Nguy cơ này càng cao ở những thai phụ ra khỏi nhà thường xuyên, tiếp xúc với nhiều người, không đeo khẩu trang, không thường xuyên rửa tay,… Tuy nhiên, không phải vì quá lo sợ dịch bệnh mà sản phụ nảy sinh ý định “thuận tự nhiên” - sinh tại nhà.
Theo bác sĩ chuyên khoa I Lê Thị Kim Ngân - Phó Giám đốc chuyên khoa Sản, Bệnh viện TWG - Sản Nhi Long An, nhiều nghiên cứu cho thấy, nguy cơ tử vong trong khoảng thời gian vừa sinh xong cho cả mẹ và bé khi sinh tại nhà cao gấp 2 lần so với sinh tại bệnh viện. Một số nghiên cứu chứng minh rằng, trẻ sơ sinh có nguy cơ mắc chứng động kinh hoặc rối loạn chức năng thần kinh nghiêm trọng gấp 3 lần khi sinh tại nhà so với sinh tại bệnh viện. Riêng nguy cơ xuất huyết sau sinh khá giống nhau ở cả hai nhóm. Trong khi, nếu sinh tại bệnh viện, những máy móc hiện đại sẽ xử lý kịp thời những trường hợp tai biến này.
Vì thế, bác sĩ Lê Thị Kim Ngân khuyên, để “mẹ tròn con vuông”, theo khuyến cáo của Bộ Y tế phải hạn chế thân nhân thăm nuôi tại bệnh viện.
Thai phụ nên liên lạc với bác sĩ hoặc cơ sở y tế trước khi đến khám thai để giảm thiểu thời gian chờ khám
Riêng trường hợp chuyển dạ sinh, các bệnh viện có thể cho phép một người thân khỏe mạnh, hỗ trợ sản phụ trong quá trình chuyển dạ và sinh con, nhưng phải tuân thủ phòng ngừa theo khuyến cáo.
“Chúng tôi khuyên phụ nữ mang thai nên xác định trước 1 người hỗ trợ dự phòng trong trường hợp người hỗ trợ dự định ban đầu bị nghi nhiễm Covid-19. Tốt nhất, người hỗ trợ nên ở lại với thai phụ trong suốt quá trình chuyển dạ cho đến lúc xuất viện”, bác sĩ Ngân chia sẻ.
Thiết nghĩ, thai phụ nên chọn cơ sở y tế gần nhất để theo dõi thai kỳ và “vượt cạn” nhằm giảm chi phí đi lại và tránh nguy cơ lây nhiễm bệnh Covid-19. Bởi, các cơ sở y tế tại địa phương ngày càng được đầu tư về trang thiết bị hiện đại; đội ngũ y, bác sĩ cũng không ngừng được đào tạo về chuyên môn nhằm tạo uy tín, hướng đến sự hài lòng cũng như “giữ chân” được nhiều bệnh nhân hơn./.
Thai phụ nên làm gì để giữ an toàn cho bản thân trong đợt bùng phát Covid-19?
Mẹ bầu nên tuân thủ quy định sát khuẩn tay khi đến thăm khám để bảo vệ mẹ và con trong mùa dịch
- Thai phụ nên thực hành các biện pháp phòng ngừa và giãn cách xã hội như các khuyến cáo của ngành y tế trong mùa dịch như tránh tiếp xúc với bất kỳ ai có triệu chứng bệnh Coronavirus (Covid-19); Tránh giao thông công cộng khi có thể. Đồng thời nên làm việc tại nhà, hạn chế ra ngoài khi không thật cần thiết. Tránh các cuộc tụ họp lớn và nhỏ trong không gian công cộng, đặc biệt là không gian kín hoặc chật hẹp; Tránh tụ tập với bạn bè và gia đình.
- Thai phụ nên sử dụng điện thoại, nhắn tin hoặc dịch vụ trực tuyến để liên hệ với nữ hộ sinh, bác sĩ sản khoa và các dịch vụ thiết yếu khác. Các biện pháp bảo vệ bổ sung bao gồm rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và nước hoặc dung dịch sát khuẩn có chứa cồn 70 độ, thường xuyên vệ sinh và khử trùng các bề mặt hay chạm vào, tự giám sát mọi dấu hiệu hoặc triệu chứng liên quan với Covid-19 và tìm kiếm sự chăm sóc sớm từ cơ sở y tế.
- Trường hợp cần đi khám thai, thai phụ nên liên lạc với bác sĩ hoặc cơ sở y tế trước khi đến khám để giảm thiểu thời gian chờ khám, tốt nhất không đi cùng thân nhân trừ trường hợp đặc biệt. Đồng thời, nên khai báo y tế và yếu tố liên quan đến dịch tễ Covid–19.
- Khi đến phòng khám hoặc bệnh viện, thai phụ nên tuân thủ quy trình tiếp nhận, sàng lọc. Trường hợp thai phụ có dấu hiệu nghi ngờ, cần hoãn lịch khám tự cách ly 14 ngày nếu không có tình trạng khẩn cấp ở mẹ hoặc thai và liên hệ với bác sĩ hoặc cơ sở y tế khi triệu chứng xấu hơn.
|
Quang Nguyên