Tiếng Việt | English

18/05/2018 - 16:23

Bị hại yêu cầu điều tra lại, tòa hủy án sơ thẩm

Bị hại kháng cáo toàn bộ bản án vì cho rằng, mức án dành cho các bị cáo chưa tương xứng với hành vi, cơ quan điều tra chưa xem xét hành vi gây thương tích của một số người liên quan khác.

Bị hại kháng cáo toàn bộ bản án

Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh vừa mở phiên tòa phúc thẩm xét xử bị cáo Đỗ Quốc Hòa (27 tuổi, ngụ ấp 6, xã Mỹ Quý Tây, huyện Đức Huệ), bị cáo Nguyễn Văn Long (53 tuổi, ngụ xã Tân Bình, huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh) về tội “Cố ý gây thương tích”. Quá trình xét xử, TAND tỉnh chấp nhận hủy toàn bộ bản án để điều tra bổ sung theo kháng cáo của bị hại.

Minh họa: KT

Ảnh minh họa

Trước đó, vào khoảng hơn 14 giờ, ngày 25/12/2016, anh Trương Văn Mịch (32 tuổi), chị Nguyễn Thị Kim Phượng (vợ anh Mịch) và ông Đoàn Văn Khu đang ở chòi ruộng tại ấp 6, xã Mỹ Quý Tây, huyện Đức Huệ thì Huỳnh Văn Phúc điều khiển xe môtô đến. Tại đây, Phúc dùng lời lẽ thô tục chửi anh Mịch liên quan đến chuyện bò ăn lúa. Do liên tục bị Phúc chửi, anh Mịch chạy ra đánh và vật Phúc té xuống đường lộ. Đúng lúc này, ông Lê Văn Cương đi uống rượu về, thấy vậy nên thách thức Mịch đánh nhau thì được mọi người can ngăn. Tưởng mọi chuyện kết thúc thì 15 phút sau, ông Huỳnh Văn Gặp (cha ruột Phúc), Lê Văn Khương, Đỗ Quốc Hòa, Hồ Duyên Hải, Lê Hiệu Nhân, ông Cương, bà Lê Thị Chuông, Lê Thị Bi, Lê Thị Diễm Sương, cùng ngụ ấp 6, xã Mỹ Quý Tây, huyện Đức Huệ và Nguyễn Văn Long đều là người thân của Phúc và Cương đi xe môtô đến trước chòi ruộng của anh Mịch để chửi và đe dọa đánh.

Thấy mọi người dọa đánh em trai mình, ông Trương Văn Phú đến thách thức nhóm của người nhà Phúc. Trước lời thách thức của ông Phú, ông Khương, Hải và Nhân cùng lao vào đánh. Thấy anh mình bị đánh, anh Mịch từ trong chòi chạy ra định hỗ trợ thì bị Hòa, Gặp, Long, Hải, Cương mỗi người cầm 1 đoạn cây tầm vông đuổi đánh gây thương tích. Được mọi người hô hoán, can ngăn nên nhóm của gia đình ông Gặp dừng lại. Tuy nhiên, trong lúc anh Mịch đứng dậy đi vào trong chòi thì bất ngờ bị Long cầm cây lao đến đánh từ phía sau khiến anh té sấp xuống nền chòi. Sau đó, nhóm của gia đình ông Gặp ra về. Về phần anh Mịch, được mọi người đưa đi cấp cứu với tổn thương cơ thể do thương tích gây nên là 15%.

Ngày 21/11/2017, TAND huyện Đức Huệ mở phiên tòa sơ thẩm, tuyên phạt bị cáo Đỗ Quốc Hòa mức án 12 tháng tù, hưởng án treo và bị cáo Nguyễn Văn Long 9 tháng tù, hưởng án treo cùng về tội “Cố ý gây thương tích”.

Tuy nhiên, trước bản án sơ thẩm, anh Mịch cho rằng, mức án dành cho các đối tượng còn quá nhẹ, chưa đủ sức răn đe. Bên cạnh đó, anh cũng cho rằng, việc gây thương tích cho anh còn có sự tham gia tích cực của Lê Hiệu Nhân và Hồ Duyên Hải. Do đó, anh kháng cáo toàn bộ bản án với yêu cầu hủy bản án sơ thẩm để trả hồ sơ điều tra bổ sung.

Tòa chấp nhận hủy án để điều tra bổ sung

Theo hồ sơ vụ án, quá trình điều tra, lời khai ban đầu của bị cáo Đỗ Quốc Hòa và Nguyễn Văn Long đều thừa nhận dùng cây tầm vông đánh gây thương tích cho anh Mịch. Cơ quan Cảnh sát điều tra cũng tiến hành cho bị cáo Hòa nhận dạng hung khí và thực nghiệm điều tra phù hợp với lời khai của bị cáo, lời khai bị hại và người có liên quan, phù hợp với diễn biến của vụ án.

Tuy nhiên, sau khi cơ quan Cảnh sát điều tra có kết luận điều tra vụ án, bị cáo Đỗ Quốc Hòa thay đổi lời khai, cho rằng không trực tiếp tác động gây thương tích cho bị hại. Quá trình đối chất giữa Đỗ Quốc Hòa với Hồ Duyên Hải và Lê Hiệu Nhân thì cả Nhân và Hải đều khai nhận Hòa là người cầm cây tầm vông đánh anh Mịch. Còn về các đối tượng khác tham gia ẩu đả, cơ quan điều tra không xác định được cụ thể từng người sử dụng cây đánh gây thương tích cho anh Mịch.

Từ hồ sơ vụ án, những chứng cứ cũng như thẩm vấn công khai tại phiên tòa, Hội đồng xét xử TAND tỉnh cho rằng, tòa án cấp sơ thẩm xét xử các bị cáo Đỗ Quốc Hòa và Nguyễn Văn Long về tội “Cố ý gây thương tích” là có căn cứ, không oan. Tuy nhiên, cấp sơ thẩm chưa xem xét hết các tình tiết vụ án, một số tình tiết trong vụ án còn mâu thuẫn, chưa được cơ quan điều tra làm sáng tỏ để có đủ căn cứ xét xử. Với những vi phạm trên, cấp phúc thẩm không thể tự khắc phục được. Đồng thời, xét lời đề nghị của kiểm sát viên, kháng cáo của bị hại và luật sư đề nghị hủy án sơ thẩm, chuyển hồ sơ về cấp sơ thẩm để điều tra, truy tố và xét xử lại vụ án theo quy định của pháp luật là có căn cứ nên cần chấp nhận. Do đó, Hội đồng xét xử TAND tỉnh Long An quyết định hủy toàn bộ bản án hình sự sơ thẩm ngày 21/11/2017 của TAND huyện Đức Huệ, chuyển hồ sơ vụ án cho Viện Kiểm sát nhân dân huyện Đức Huệ để điều tra lại theo thủ tục./.

Thụy Anh

Chia sẻ bài viết