Chồng dùng xe chung đi cướp
Mới đây, Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh Long An tiến hành xét xử phúc thẩm vụ án hình sự đối với bị cáo Lê Thanh Việt, 40 tuổi, ngụ xã Thanh Phú, huyện Bến Lức, về tội “Cướp giật tài sản”. Người kháng cáo trong vụ án chính là vợ bị cáo - bà T.T.T.T., với yêu cầu được nhận lại chiếc xe máy mà bị cáo dùng làm phương tiện gây án.
Ảnh minh họa
Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát, khoảng 20 giờ 30 phút, ngày 28/3/2017, Lê Thanh Việt sau khi uống rượu, điều khiển xe môtô biển số 62S3-7091 chạy trên các tuyến đường thuộc thị trấn Bến Lức, huyện Bến Lức, tìm người có tài sản sơ hở để cướp giật.
Khi Việt chạy xe đến đường Nguyễn Trung Trực, khu phố 6, thị trấn Bến Lức, huyện Bến Lức thì Phạm Trung Hiếu điều khiển xe môtô chạy cùng chiều bắt chuyện và rủ Việt đi chơi qua đêm. Tuy nhiên, Việt từ chối. Hiếu chạy xe đi được khoảng 20 mét thì bị rơi chiếc bông tai nên dừng xe, đi bộ lại nhặt. Phát hiện trên cổ xe của Hiếu có treo một cái túi da, Việt liền tăng ga chạy vượt lên giật túi da rồi bỏ chạy. Thấy vậy, Hiếu liền tri hô “cướp, cướp” và cùng một số người dân truy đuổi, bắt giữ Việt cùng tang vật.
Quá trình mở rộng điều tra, Việt còn khai nhận, từ tháng 02/2015 đến tháng 4/2016, đã 3 lần sử dụng xe môtô biển số 62S3-7091 cướp giật tài sản của người đi đường với tổng giá trị tài sản gần 10 triệu đồng.
Ngày 28/9/2017, TAND huyện Bến Lức đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm và tuyên phạt bị cáo Việt mức án 2 năm tù về tội “Cướp giật tài sản”, đồng thời tịch thu sung công quỹ chiếc xe máy hiệu Yamaha loại Jupiter mang biển kiểm soát 62S3-7091 là phương tiện gây án.
Vợ yêu cầu trả xe, tòa quyết không trả
Trước bản án hình sự 2 năm tù, Việt không kháng cáo, tuy nhiên, bà T.T.T.T. - vợ bị cáo cho rằng, đây là tài sản chung được tạo lập trong quá trình hôn nhân, bản thân bà không biết chồng dùng chiếc xe này để đi cướp nên kháng cáo xin nhận lại.
Tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo Lê Thanh Việt cho rằng, xe môtô biển số 62S3-7091 do bị cáo đứng tên là tài sản chung của vợ chồng được mua trong thời kỳ hôn nhân, chiếc xe này chủ yếu bị cáo sử dụng còn vợ bị cáo sử dụng xe khác.
Bên cạnh đó, bị cáo Việt khẳng định, việc bị cáo dùng xe làm phương tiện thực hiện hành vi phạm tội thì vợ không biết, bản thân bị cáo cũng không mang tiền bán tài sản phạm tội mà có về sinh hoạt trong gia đình, nên xin Hội đồng xét xử xem xét chấp nhận kháng cáo của vợ mình. Bà T.T.T.T., cũng thừa nhận đúng như lời khai của chồng mình. Tuy nhiên, do đây là tài sản chung, chồng lấy xe làm phương tiện phạm tội, bản thân bà không hay biết. Vì vậy, bà T. yêu cầu được nhận lại chiếc xe môtô biển số 63S3-7091 do Lê Thanh Việt đứng tên.
Đại diện Viện Kiểm sát cũng cho rằng, Hội đồng xét xử nên xem xét chấp nhận một phần kháng cáo của bà T., cải sửa bản án sơ thẩm về phần xử lý vật chứng và đề nghị tịch thu 1/2 giá trị chiếc xe sung vào công quỹ, trả lại cho bà T.T.T.T. 1/2 giá trị chiếc xe.
Tuy nhiên, sau khi nghị án, Hội đồng xét xử cho rằng, việc Lê Thanh Việt là người có đủ năng lực trách nhiệm hình sự, sử dụng xe môtô làm phương tiện thực hiện hành vi một cách công khai, táo bạo, bất ngờ và dứt khoát để chiếm đoạt tài sản của người đang đi môtô, xe máy rồi nhanh chóng tẩu thoát, hành vi này thuộc tình tiết tăng nặng định khung tại điểm d, khoản 2, Điều 136 Bộ luật Hình sự là “Dùng thủ đoạn nguy hiểm”.
Hành vi của Việt thực hiện do lỗi cố ý trực tiếp, với động cơ, mục đích chiếm đoạt tài sản của người khác, xâm phạm đến khách thể là quyền sở hữu hợp pháp về tài sản của người khác được pháp luật bảo vệ; xâm phạm trật tự, an toàn xã hội nên mức án 2 năm là phù hợp.
Đối với tang vật vụ án là chiếc xe môtô biển kiểm soát 62S3-7091 do Lê Thanh Việt đứng tên là tài sản thuộc quyền sở hữu chung của vợ chồng, bà T., không biết Lê Thanh Việt sử dụng chiếc xe này làm phương tiện phạm tội; đồng thời, tài sản mà Lê Thanh Việt phạm tội mà có cũng không đem về sử dụng chung cho gia đình. Từ sau khi mua sắm, chiếc xe môtô này chỉ do Lê Thanh Việt sử dụng làm phương tiện đi lại, bà T. không sử dụng; hơn nữa, Lê Thanh Việt sử dụng chiếc xe này làm phương tiện thực hiện hành vi “Cướp giật tài sản” đến 4 lần. Vì vậy, tòa án cấp sơ thẩm tuyên tịch thu hóa giá sung công quỹ toàn bộ chiếc xe là có căn cứ, nên bà T. kháng cáo xin nhận lại chiếc xe hay chỉ tuyên tịch thu 1/2 giá trị chiếc xe là không phù hợp nên không được chấp nhận.
Từ đó, Hội đồng xét xử TAND tỉnh quyết định giữ nguyên mức án trước đó TAND huyện Bến Lức tuyên, tịch thu sung công quỹ chiếc xe máy mang biển kiểm soát 62S3-7091 là phương tiện gây án./.
Thụy Anh