Theo văn bản của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Thuận, khu vực bãi đá 7 màu (xã Bình Thạnh, huyện Tuy Phong) có hộ dân tự ý san lấp mặt bằng làm ảnh hưởng đến bãi rêu và bãi đá 7 màu. Khu vực ven biển xã Bình Thạnh thuộc đoạn TP5.2 là khu vực thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển, trong đó có bãi đá 7 màu. Khu vực này được thiết lập với ba tiêu chí: Bảo vệ sinh thái, duy trì giá trị dịch vụ của hệ sinh thái và cảnh quan tự nhiên vùng bờ; giảm thiểu sạt lở bờ biển, ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng và đảm bảo quyền tiếp cận của người dân với biển.
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Thuận, trước đó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận đã có công văn yêu cầu Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố có biển thực hiện nghiêm quy định tại Điều 79 Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo. Trong khi hành lang bảo vệ bờ biển tỉnh Bình Thuận chưa được thiết lập, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Thuận đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Tuy Phong thực hiện đầy đủ các nội dung theo chỉ đạo của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh.
Điều 79 Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo quy định: Giữ nguyên hiện trạng, không được phép đầu tư, xây dựng mới công trình trong phạm vi 100 m tính từ đường mực nước triều cao trung bình nhiều năm về phía đất liền hoặc về phía trong đảo do Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố có biển xác định theo hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường cho đến khi hành lang bảo vệ bờ biển được thiết lập.
Như tin TTXVN đã đưa, từ đầu tháng 1/2019, ông Cao Văn Cư, một hộ dân ở xã Bình Thạnh đã lấn chiếm hơn 4.000m2 đất công, tự ý thuê xe xúc, xe ủi san lấp mặt bằng và núi cát. Việc san lấp này đã lấp một phần bãi đá 7 màu, bãi đá con, đe dọa bãi rêu và phần còn lại bãi đá 7 màu. Trước tình hình này, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bình Thuận đã cử đoàn công tác đến kiểm tra.
Qua kiểm tra, Đoàn công tác cho biết, việc san ủi trái phép đất, cát từ trên đồi xuống phía biển với chiều dài khoảng 100m dọc bãi biển đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến thắng cảnh bãi đá 7 màu và bãi rêu. Cụ thể, tại trước bãi đá Bà Khòm (bãi rêu) đã bị cát phủ ra tới mép nước biển, hiện không còn nhìn thấy bãi đá con phía trước; tại bãi đá 7 màu cũng bị cát phủ lấp một phần. Việc san ủi trái phép nêu trên đã phá hủy toàn bộ thảm thực vật trên mặt đất và dải phân cách tự nhiên (cây bụi, xương rồng) kéo dài khoảng 100m ngăn cách giữa bãi biển với thửa đất liền kề bị san ủi trái phép.
Bên cạnh đó, việc san lấp đã tạo thành núi cát rất cao (khoảng 10m) tiếp giáp với bãi biển, bãi rêu và bãi đá 7 màu kéo dài khoảng 100m. Do đó, nguy cơ cát tiếp tục phủ lấp lên trên bãi rêu và bãi đá 7 màu là rất cao, nhất là khi triều cường lên cao, gió mùa Đông Bắc, trời mưa. Nếu không có giải pháp hữu hiệu, trong thời gian tới, thắng cảnh bãi đá 7 màu và bãi rêu tại xã Bình Thạnh, huyện Tuy Phong, sẽ tiếp tục biến động do bị cát phủ lấp, không còn giữ được vẻ đẹp tự nhiên vốn có.
Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bình Thuận, mặc dù hiện nay Ủy ban nhân dân huyện Tuy Phong đang bố trí phương tiện cơ giới để đưa phần cát tràn lấp ra bãi biển lên phía trên và dự kiến sẽ trồng phi lao để chắn gió và ngăn cát tràn xuống biển. Tuy nhiên xét về trực quan, giải pháp trên không khả thi về trước mắt cũng như lâu dài.
Để giải quyết vấn đề trên, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bình Thuận kiến nghị Ủy ban nhân dân tỉnh giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bình Thuận, Ủy ban nhân dân huyện Tuy Phong tổ chức đoàn công tác gồm các chuyên gia về tài nguyên, môi trường thủy lợi, bảo tồn bảo tàng. Đoàn công tác sẽ kiểm tra, đánh giá cụ thể tình hình và đề xuất giải pháp khả thi để khôi phục, trả lại hiện trạng như trước đây cho bãi đá 7 màu, bãi rêu và thửa đất liền kề bị san ủi trái phép trên./.
Theo TTXVN