Thời gian gần đây, dư luận đặt ra nhiều câu hỏi nghi ngờ xung quanh chất lượng đào tạo tiến sĩ. Điều này buộc cơ quan quản lý nhà nước là Bộ GD-ĐT phải thẳng thắn nhìn nhận, rà soát lại các quy định về đào tạo tiến sĩ hiện hành. Rõ ràng, với sự đòi hỏi cao hơn từ thực tiễn thì bắt buộc các quy định cũng phải được đặt ra cao hơn, chặt chẽ hơn.
Bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD-ĐT làm rõ hơn những điểm mới của dự thảo quy chế đào tạo tiến sĩ mới đang được Bộ GD-ĐT lấy ý kiến.
Tuyển sinh tiến sĩ phải đạt chuẩn “đầu vào” ngoại ngữ
PV: Thưa bà, các yêu cầu cụ thể về ngoại ngữ, minh chứng khoa học công bố cao hơn đối với ứng viên dự tuyển, nghiên cứu sinh được quy định như thế nào?
Bà Nguyễn Thị Kim Phụng: Khác với quy chế hiện hành quy định ngoại ngữ bắt buộc ở “đầu ra”, quy chế mới bắt buộc ngoại ngữ phải đạt chuẩn nhất định ngay từ “đầu vào”. Ngoại ngữ được xem là công cụ hỗ trợ cho nghiên cứu, vì vậy, trước khi bắt đầu làm luận án, nghiên cứu sinh phải có trình độ ngoại ngữ cần thiết để nghiên cứu, tham khảo tài liệu.
Mặt khác qui chế mới cũng đòi hỏi nghiên cứu sinh phải chứng minh được năng lực ban đầu về nghiên cứu khoa học của mình thông qua những công trình đã công bố trong nước và quốc tế.
Ngoài ra, để đảm bảo đầu ra, quy chế cũng yêu cầu nghiên cứu sinh phải có công bố quốc tế trên các tạp chí khoa học chuyên ngành có phản biện hoặc công bố công trình trên các kỷ yếu hội thảo quốc tế có phản biện trong quá trình làm nghiên cứu sinh tại cơ sở đào tạo và trước thời điểm luận án được thông qua ở đơn vị chuyên môn.
Bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD-ĐT
Tiến sĩ Việt Nam phải có trình độ ngang bằng với nhiều nước
PV: Thưa bà, nhiều người cho rằng, các yêu cầu mới trong đào tạo tiến sĩ như vậy là quá khắt khe đối với điều kiện đào tạo tiến sĩ hiện nay của Việt Nam. Bà có ý kiến gì về điều này?
Bà Nguyễn Thị Kim Phụng: Phải nói thẳng, trong điều kiện hiện nay của các cơ sở đào tạo tiến sĩ, nếu áp dụng những quy định này là khó nhưng nếu xem xét đến bối cảnh phát triển chung của giáo dục đại học ở các nước trong khu vực, ta bắt buộc phải đặt ra chuẩn để phấn đấu.
Đào tạo tiến sĩ là bậc đào tạo cao nhất trong giáo dục đại học, là đào tạo những nhà nghiên cứu, vì vậy phải chuẩn từ chất lượng đầu vào, đảm bảo cơ chế thải loại trong quá trình đào tạo và đạt chuẩn chất lượng chất lượng đầu ra.
Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Khung trình độ quốc gia Việt Nam trong đó yêu cầu trình độ, năng lực mà người tốt nghiệp mỗi cấp đào tạo cần đạt được. Khung trình độ này tương thích với khung trình độ tham chiếu ASEAN. Tiến sĩ là bậc cao nhất (bậc 8/8). Để đạt được chuẩn đầu ra đáp ứng yêu cầu của khung trình độ quốc gia Việt Nam thì trình độ tiến sĩ ở Việt Nam cũng phải ngang bằng với tiến sĩ các nước khu vực ASEAN.
Lâu nay ta vẫn có quan niệm điều kiện của Việt Nam là đặc thù, vậy cần phải có đặc thù. Nhưng nay trong bối cảnh hội nhập khu vực và thế giới ngày càng sâu rộng, nguồn nhân lực được đào tạo phải tương thích với thế giới thì mới có thể cạnh tranh được trên thị trường lao động. Do đó, việc nâng cao chất lượng đào tạo tiến sĩ tiếp cận dần với chuẩn quốc tế và khu vực là rất cần thiết.
Cần chấp nhận có thể giảm quy mô để tập trung vào chất lượng và đào tạo tiến sĩ chỉ dành cho những người thực tài, thực lực, có mục tiêu học tập rõ ràng. Đào tạo tiến sĩ cũng chỉ thực hiện ở những cơ sở đào tạo đủ điều kiện đảm bảo chất lượng.
Sẽ đề xuất với Chính phủ tăng chi phí đào tạo tiến sĩ
PV: Một vấn đề được nhắc đến nhiều khi nói về chất lượng đào tạo tiến sĩ hiện nay là chi phí cho đào tạo quá thấp (bình quân khoảng 15 triệu đồng/năm). Quy chế mới có khắc phục được bất cập này không, thưa bà?
Bà Nguyễn Thị Kim Phụng: Bất cập về chi phí đào tạo tiến sĩ đã được bàn đến nhưng ở phạm vi của Quy chế đào tạo chưa thể quy định cụ thể như việc nâng chi phí đơn vị (đầu tư đào tạo một nghiên cứu sinh/năm) ở mức tương đương với mức chi phí đơn vị trong khu vực, đầu tư cơ sở vật chất phục vụ nghiên cứu, chi phí cho nghiên cứu sinh hay người hướng dẫn đi dự hội nghị, hội thảo nước ngoài...
Tuy nhiên, từ việc nâng cao những quy định về chất lượng của nguồn tuyển, của quá trình tổ chức đào tạo buộc cơ sở đào tạo cũng như các cơ quan quản lý phải có những đề xuất hoặc giải pháp đảm bảo đầu tư xứng đáng để đạt chất lượng như mong muốn.
Trên cơ sở những ý kiến của các nhà khoa học, các cơ sở trực tiếp đào tạo, Bộ GD-ĐT cũng sẽ phối hợp với các Bộ, ngành liên quan khác để đề xuất Chính phủ sửa đổi những quy định về tài chính cho phù hợp với thực tế.
PV: Xin cảm ơn bà!/.
Bích Lan/VOV.VN