I. CÁC TIÊU CHÍ ĐÁNH GIÁ CẤP ĐỘ DỊCH
1. Các tiêu chí
a) Tiêu chí 1: Tỷ lệ ca mắc mới tại cộng đồng/số dân/thời gian.
b) Tiêu chí 2: Độ bao phủ vắc xin.
c) Tiêu chí 3: Đảm bảo khả năng thu dung, điều trị của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh các tuyến.
2. Yêu cầu với các tiêu chí
2.1. Tiêu chí 1: Số ca mắc mới tại cộng đồng/100.000 người/tuần [1].
Số ca mắc mới tại cộng đồng/100.000 người/tuần (ca mắc mới) được phân theo 04 mức độ từ thấp đến cao theo hướng dẫn của Tổ chức Y tế thế giới [2] (mức 1: 0 - < 20; mức 2: 20 – <50; mức 3: 50 - <150; mức 4: ≥150). Các địa phương có thể điều chỉnh giảm hoặc tăng số ca mắc mới trong từng mức độ cho phù hợp với tình hình thực tế.
2.2. Tiêu chí 2: Tỷ lệ người từ 18 tuổi trở lên được tiêm ít nhất 01 liều vắc xin phòng Covid-19 [3].
a) Tỷ lệ người từ 18 tuổi trở lên được tiêm ít nhất 1 liều vắc xin phòng Covid-19 phân theo 02 mức (≥70% người từ 18 tuổi trở lên được tiêm ít nhất 1 liều vắc xin; <70% người từ 18 tuổi trở lên được tiêm ít nhất 1 liều vắc xin). Các địa phương có thể điều chỉnh tỷ lệ tiêm chủng phù hợp với tình hình thực tiễn địa phương.
b) Trong tháng 10/2021, yêu cầu tối thiểu 80% người từ 65 tuổi trở lên được tiêm đủ liều vắc xin phòng Covid-19. Từ tháng 11 năm 2021, yêu cầu tối thiểu 80% người từ 50 tuổi trở lên được tiêm đủ liều vắc xin phòng Covid-19.
2.3. Tiêu chí 3: Đảm bảo khả năng thu dung, điều trị của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh các tuyến
a) Tỉnh, thành phố có kế hoạch thiết lập cơ sở thu dung, điều trị và kế hoạch bảo đảm số giường hồi sức cấp cứu (ICU) tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trực thuộc tỉnh, thành phố (bao gồm cả y tế tư nhân) sẵn sàng đáp ứng tình hình dịch ở cấp độ 4 [4].
b) Các quận, huyện, thị xã, thành phố (huyện) có kế hoạch thiết lập trạm y tế lưu động, tổ chăm sóc người nhiễm Covid-19 tại cộng đồng và có kế hoạch cung cấp ô xy y tế cho các trạm y tế xã, phường, thị trấn (xã) [5] để đáp ứng khi có dịch xảy ra.
3. Phân loại cấp độ dịch theo Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11 tháng 10 năm 2021 của Chính phủ theo bảng sau:
* Trong đó Tiêu chí 1 có thể điều chỉnh giảm hoặc tăng số ca mắc mới trong từng mức độ cho phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương.
4. Điều chỉnh cấp độ dịch:
- Trường hợp không đạt được Tiêu chí 3 thì không được giảm cấp độ dịch.
- Phải tăng lên 1 cấp độ dịch nếu không đạt được yêu cầu tại điểm b khoản 2.2 mục 2 phần I (trừ khi địa bàn đang có dịch ở cấp độ 4 hoặc không có ca mắc).
5. Các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ tình hình thực tiễn về diễn biến dịch, độ bao phủ vắc xin, điều kiện thực tế (mật độ dân cư, điều kiện kinh tế xã hội, ...), khả năng ứng phó có thể điều chỉnh các tiêu chí, cấp độ dịch cho phù hợp, đảm bảo quy định tại Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11 tháng 10 năm 2021 của Chính phủ.
II. CÁC BIỆN PHÁP CHUYÊN MÔN
1. Chuẩn bị năng lực ứng phó với dịch Covid-19
Để đảm bảo thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần chuẩn bị các nội dung sau:
a) Xây dựng kịch bản và phương án bảo đảm công tác y tế phục vụ phòng, chống dịch Covid-19 theo từng cấp độ dịch; tổ chức triển khai khi có dịch xảy ra trên địa bàn.
b) Tăng cường tổ chức đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực truy vết, xét nghiệm, cách ly y tế và điều trị trên địa bàn.
c) Tăng cường khả năng thu dung, điều trị và chăm sóc người mắc Covid-19:
- Xây dựng kế hoạch thu dung, chăm sóc, điều trị người mắc Covid-19 (F0), đặc biệt kế hoạch bảo đảm đáp ứng về giường ICU. Cập nhật số liệu và quản lý phần mềm báo cáo các cơ sở thu dung, điều trị F0.
- Có kế hoạch bảo đảm khi có dịch xảy ra: các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh từ tuyến huyện trở lên có hệ thống cung cấp ô xy hóa lỏng, khí nén; các trạm y tế xã, phường, thị trấn bảo đảm cung cấp ô xy y tế; có kế hoạch tổ chức các trạm y tế lưu động, tổ chăm sóc F0 tại cộng đồng, tổ chức quản lý F0 tại nhà.
- Tổ chức cơ sở khám bệnh, chữa bệnh vừa điều trị bệnh nhân thông thường vừa điều trị Covid-19. Bảo đảm tổ chức phân luồng, sàng lọc các trường hợp nghi nhiễm đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh để phát hiện ca bệnh, quản lý chặt chẽ, tránh lây nhiễm chéo trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
2. Xét nghiệm
a) Việc xét nghiệm được thực hiện theo địa bàn nguy cơ và nhóm nguy cơ.
- Xét nghiệm các trường hợp có một trong các biểu hiện triệu chứng sốt, ho, mệt mỏi, đau họng, mất vị giác và khứu giác, khó thở…
- Xét nghiệm tầm soát ngẫu nhiên, định kỳ do cơ quan y tế thực hiện tại các khu vực có nguy cơ cao, tập trung đông người như cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, chợ đầu mối, bến xe, siêu thị…; đối với các nhóm nguy cơ (các trường hợp di chuyển nhiều nơi, tiếp xúc nhiều người…) như lái xe, người chạy xe mô tô chở khách (xe ôm), người giao hàng hóa (shipper)…
- Tại cơ sở sản xuất kinh doanh, cơ sở kinh doanh dịch vụ, trung tâm thương mại, siêu thị, cơ quan, công sở: tự tổ chức xét nghiệm SARS-CoV-2 ngẫu nhiên cho người có nguy cơ lây nhiễm Covid-19 cao.
b) Không chỉ định xét nghiệm đối với việc đi lại của người dân; chỉ thực hiện xét nghiệm đối với trường hợp đến từ địa bàn có dịch ở cấp độ 4 hoặc cách ly y tế vùng (phong tỏa) và các trường hợp nghi ngờ hoặc có chỉ định điều tra dịch tễ đến từ địa bàn có dịch ở cấp độ 3.
c) Đối với người đã tiêm đủ liều vắc xin và người đã khỏi bệnh: chỉ xét nghiệm khi có yêu cầu điều tra dịch tễ; với trường hợp cách ly y tế hoặc theo dõi y tế và trường hợp đến từ địa bàn có dịch ở cấp độ 4 hoặc cách ly y tế vùng (phong tỏa).
d) Việc thực hiện xét nghiệm để xử lý ổ dịch: tùy thuộc vào các yếu tố nguy cơ, tình hình dịch bệnh và mức độ của ổ dịch, địa phương quyết định đối tượng, địa bàn xét nghiệm cho phù hợp.
đ) Thực hiện xét nghiệm theo phương pháp gộp mẫu trong trường hợp xét nghiệm tầm soát, sàng lọc, định kỳ.
3. Cách ly y tế
a) Đối với người đến từ địa bàn có dịch (địa bàn có dịch ở cấp độ 4 hoặc vùng cách ly y tế), người tiếp xúc gần (F1): thực hiện theo hướng dẫn hiện hành của Bộ Y tế [6],[7].
b) Đối với người cao tuổi, người có bệnh nền, phụ nữ mang thai, người dưới 18 tuổi (trẻ em) [7]: thực hiện cách ly tại nhà và có người chăm sóc cách ly cùng.
4. Tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19
Đẩy nhanh tốc độ tiêm vắc xin phòng Covid-19, ưu tiên tiêm cho người từ 50 tuổi trở lên, người có bệnh nền, phụ nữ có thai, người lao động làm việc tại các khu, cụm công nghiệp.
5. Điều trị F0: thực hiện theo các hướng dẫn hiện hành của Bộ Y tế.
6. Đối với công tác đảm bảo phòng, chống dịch Covid-19 tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, trung tâm thương mại, siêu thị, chợ, nhà hàng/quán ăn, tại các cơ sở giáo dục đào tạo, đối với người điều khiển phương tiện vận chuyển thực hiện theo các hướng dẫn hiện hành của Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Giao thông vận tải và Bộ Công thương.
Đối với việc tổ chức các hoạt động tập trung trong nhà, ngoài trời tại các địa bàn có dịch cấp độ 2, 3, 4: các địa phương quyết định tăng số lượng người tham gia hoặc công suất hoạt động trong trường hợp 100% người tham gia đã tiêm đủ liều vắc xin hoặc đã khỏi bệnh Covid-19 hoặc có kết quả xét nghiệm SARS-COV-2 âm tính.
III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
a) Chỉ đạo việc tổ chức triển khai Hướng dẫn này để thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11 tháng 10 năm 2021 của Chính phủ; báo cáo tiêu chí phân loại, điều chỉnh cấp độ dịch của tỉnh, thành phố về Bộ Y tế (Cục Y tế dự phòng).
b) Tăng cường công tác đôn đốc, kiểm tra đến cấp cơ sở, chuẩn bị các điều kiện cần thiết để sẵn sàng đáp ứng nhanh khi tình hình dịch bệnh thay đổi.
c) Chỉ đạo Sở Y tế công bố, cập nhật cấp độ dịch tại các địa bàn và vùng cách ly y tế (phong tỏa) thuộc tỉnh, thành phố và các biện pháp áp dụng tương ứng trên cổng thông tin điện tử của địa phương; cập nhật cấp độ dịch, vùng cách ly y tế (phong tỏa) trên cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế.
d) Chỉ đạo Sở Y tế tham mưu để điều chỉnh các tiêu chí phân loại và điều chỉnh cấp độ dịch phù hợp với diễn biến tình hình dịch, độ bao phủ vắc xin, điều kiện thực tế và thực tiễn triển khai.
đ) Chỉ đạo việc thực hiện báo cáo kết quả triển khai khi có yêu cầu.
2. Các bộ, ngành, cơ quan Trung ương
a) Chỉ đạo các đơn vị, cơ quan liên quan phối hợp với các địa phương tổ chức thực hiện Hướng dẫn này để triển khai hiệu quả Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11 tháng 10 năm 2021 của Chính phủ.
b) Phối hợp với Bộ Y tế và các địa phương tăng cường đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện Hướng dẫn này.
3. Các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Y tế
a) Chủ động tổ chức triển khai Hướng dẫn này theo chức năng, nhiệm vụ được phân công trong công tác phòng, chống dịch Covid-19.
b) Cục Quản lý môi trường y tế làm đầu mối, phối hợp với Cục Y tế dự phòng và các đơn vị liên quan tổ chức hướng dẫn, phổ biến, chỉ đạo, kiểm tra việc triển khai thực hiện và báo cáo kết quả triển khai Hướng dẫn này khi có yêu cầu.
c) Cục Y tế dự phòng hướng dẫn tổ chức, chỉ đạo, kiểm tra việc triển khai chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 trong toàn quốc đảm bảo an toàn, khoa học, hiệu quả; xây dựng lộ trình tiêm vắc xin cho trẻ em và tiêm tăng cường.
d) Cục Quản lý khám, chữa bệnh hướng dẫn các địa phương xây dựng kế hoạch, đào tạo nhân lực và tổ chức thực hiện đảm bảo khả năng thu dung, điều trị của các tuyến; tổ chức quản lý F0 tại nhà.
đ) Cục Phòng, chống HIV/AIDS hướng dẫn các địa phương xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai các trạm y tế lưu động; tổ chăm sóc người nhiễm Covid-19 tại cộng đồng.
e) Cục Công nghệ thông tin phối hợp với Cục Y tế dự phòng cập nhật, công khai các vùng dịch và cấp độ dịch ở tất cả các địa phương trong cả nước trên cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế.
g) Vụ Kế hoạch - Tài chính làm đầu mối phối hợp với các đơn vị liên quan tiếp tục đề xuất, hướng dẫn tổ chức triển khai các giải pháp, chính sách tăng cường năng lực đầu tư, nâng cao năng lực hệ thống y tế, nhất là y tế dự phòng, y tế cơ sở.
h) Vụ Tổ chức cán bộ làm đầu mối phối hợp với Văn phòng Bộ và các đơn vị liên quan của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an chuẩn bị sẵn sàng lực lượng cơ động để kịp thời tăng cường cho các địa phương trong trường hợp dịch bệnh vượt quá khả năng kiểm soát dịch của địa phương.
Trong quá trình thực hiện nếu phát sinh khó khăn, vướng mắc, đề nghị phản hồi về Bộ Y tế (Cục Quản lý môi trường y tế) để kịp thời giải quyết. Hướng dẫn này sẽ tiếp tục được cập nhật, điều chỉnh để phù hợp với tình hình thực tiễn./.
BLA
[1] Số ca mắc mới tại cộng đồng/100.000 người/1 tuần = [(Số ca mắc mới trong tuần + Số ca mắc mới của tuần trước)/(2 x Dân số trên địa bàn)] x 100.000. Ca mắc mới tại cộng đồng không bao gồm ca nhập cảnh, ca mắc trong cơ sở cách ly y tế tập trung;
[2] https://www.who.int/publications/i/item/considerations-in-adjusting-public-health-and-social-measures-in-the-context-of-covid-19-interim-guidance
[3] Được tính là số người được tiêm chủng trên tổng dân số cư trú trên địa bàn theo độ tuổi x 100 (%).
[4] Tiêu chí này áp dụng ở cấp tỉnh và bắt buộc đối với tất cả các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương không phân biệt cấp độ dịch. UBND cấp tỉnh phê duyệt kế hoạch thiết lập cơ sở thu dung, điều trị Covid-19 và kế hoạch bảo đảm số giường ICU tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trực thuộc tỉnh, thành phố (bao gồm cả y tế tư nhân) theo quy định tại Quyết định 4111/QĐ-BYT ngày 26/8/2021 của Bộ Y tế và Quyết định 2626/QĐ-BYT ngày 28/5/2021 của Bộ Y tế; trong các kế hoạch phải xác định rõ khả năng thu dung, điều trị hiện có và kế hoạch bổ sung.
[5] UBND cấp huyện phê duyệt kế hoạch cung cấp ô xy y tế tại các trạm y tế xã để đáp ứng khi có dịch xảy ra; kế hoạch thiết lập trạm y tế lưu động theo Quyết định số 4042/QĐ-BYT ngày 21/8/2021 của Bộ Y tế và tổ chăm sóc người nhiễm Covid-19 tại cộng đồng theo Quyết định số 4349/QĐ-BYT ngày 10/9/2021 của Bộ Y tế; có phương án thiết lập trạm y tế lưu động tại khu, cụm công nghiệp (kết hợp với bộ phận y tế tại cơ sở sản xuất kinh doanh); được diễn tập, sẵn sàng đáp ứng khi cần thiết.
[6] Áp dụng theo Công văn số 8399/BYT-MT ngày 06/10/2021 của Bộ Y tế; Đối với những người tham gia các đoàn công tác theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền thực hiện theo Công văn số 6386/BYT-MT ngày 06/8/2021 của Bộ Y tế; Đối lực lượng tham gia hỗ trợ công tác phòng, chống dịch Covid-19 thực hiện theo Công văn số 7316/BYT-MT ngày 03/9/2021 của Bộ Y tế;
[7] Áp dụng theo Công văn số 5599/BYT-MT ngày 14/7/2021 của Bộ Y tế; Công văn số 7020/BYT-MT ngày 25/8/2021 của Bộ Y tế.