Các loại trà “sao vàng hạ thổ”
Trà là thức uống gần như không thể thiếu của hầu hết gia đình. Trà, bánh là món tiếp khách quen thuộc, vừa đơn giản, tiện dụng lại thể hiện sự trân trọng với khách tới thăm nhà. Ngoài các loại trà chế biến từ cây trà, chúng ta còn có thể dùng một số loại lá cây khác uống thay trà với tác dụng bồi bổ sức khỏe, thanh nhiệt, giải độc,...
Trà lá sen
Trà lá sen (ảnh: Internet)
Sen vốn là cây trồng quen thuộc ở khu vực Đồng Tháp Mười, nhiều nơi, sen là loài cây mọc tự nhiên ở ao, hồ, không cần sự chăm sóc của con người. Ngoài củ sen, hạt sen, ngó sen vốn là các loại thực phẩm ngon và tốt cho sức khỏe thì lá sen cũng có nhiều công dụng như giúp ngủ ngon, giảm mỡ máu, chống chảy máu, hỗ trợ giảm cân, làm sáng da và ổn định đường huyết. Mỗi ngày, uống 1 ly trà sen ấm trước khi đi ngủ 30 phút sẽ giúp bản thân ngủ ngon hơn. Uống trà sen mỗi ngày kết hợp tập thể dục đều đặn và thích hợp sẽ đẩy nhanh quá trình giảm cân, lấy lại vóc dáng. Đặc biệt, nhờ tác dụng thanh nhiệt, giải độc, trà lá sen còn giúp chị em có làn da tươi sáng hơn, hạn chế mụn. Việc rửa mặt bằng trà lá sen cũng giúp tẩy sạch bụi bẩn, giúp da sáng màu hơn.
Trà lá vối
Cây vối xuất hiện nhiều ở các bờ ao, bờ suối tại các tỉnh miền núi phía Bắc và một số tỉnh ở Tây Nguyên. Tuy nhiên, ngày nay, tại miền Nam, cây vối đã trở nên phổ biến, do cây cũng khá thích nghi với khí hậu miền Nam. Cây lá vối có tính mát, vị đắng chát, có tác dụng thanh nhiệt, tiêu đờm, hạ khí, sát trùng. Trong nước lá vối có một số loại muối khoáng và vitamin cần thiết cho cơ thể; đồng thời, còn giúp giảm mỡ máu. Từ lâu, người dân đã dùng lá vối làm trà giải khát. Tuy nhiên, khi sử dụng nước lá vối, tốt nhất nên dùng lá vối khô, vì lá vối tươi có tính kháng viêm, có thể tiêu diệt vi khuẩn có lợi. Không nên uống nước lá vối lúc đói, phụ nữ mang thai và trẻ em nên hạn chế uống nước lá vối.
Trà đinh lăng
Trà đinh lăng (ảnh: Internet)
Tại nhiều gia đình, đinh lăng được trồng như một loại cây cảnh do lá có hình dáng đẹp. Ngoài ra, đinh lăng còn là loại cây có tác dụng bồi bổ sức khỏe nếu được sử dụng đúng cách. Lá đinh lăng có chứa một số chất rất tốt cho sức khỏe, hỗ trợ giảm các triệu chứng như tê chân, tay, đau mỏi lưng, mất ngủ. Ngoài ra, trà lá đinh lăng còn giúp bồi bổ sức khỏe cho sản phụ trước và sau sinh, giúp giải độc cơ thể, lợi tiểu,...
Tuy nhiên, trà lá đinh lăng chỉ nên sử dụng trong một thời gian ngắn và không nên dùng thay nước uống hàng ngày. Việc cân đối sử dụng trà đinh lăng cần tham khảo ý kiến của các dược sĩ, bác sĩ để tránh tình trạng gặp phải các tác dụng phụ không mong muốn.
Trà lá sen, trà lá vối hay trà đinh lăng đều là những loại cây lá dễ tìm thấy trong vườn nhà, cách sơ chế, bảo quản cũng vô cùng đơn giản. Các loại lá sau khi hái vào cần được rửa sạch và sao trên bếp lửa liu riu cho đến khi thấy lá dần chuyển sang màu vàng và dậy mùi thơm. Sau khi sao vàng, bạn đổ phần lá vừa sao lên một tấm vải và đặt trên mặt đất sạch đến khi nguội thì cất vào hũ kín để dùng dần.
Món ăn dân dã chữa bệnh
Không chỉ có trà, vườn nhà còn có thể cho bạn nguyên liệu làm nhiều món ăn vừa ngon miệng, vừa có tác dụng bồi bổ sức khỏe, hỗ trợ điều trị bệnh, như món lươn um lá nhàu chúng tôi hướng dẫn sau đây.
Cây nhàu vốn được xem là cây thuốc quý trong Đông y. Từ thân, trái, rễ, lá của cây nhàu đều được dùng làm thuốc chữa nhiều loại bệnh như cao huyết áp, nhức mỏi, băng huyết, bạch đới, ho, hen, cảm, đái tháo đường,... Lá nhàu có tác dụng chữa lỵ, tiêu chảy, cảm sốt. Nếu bị thương có thể giã nát một ít lá nhàu đắp vào vết thương, vết loét, viêm khớp đau nhức, giúp chóng lên da non và giảm đau nhức. Dùng lá nhàu um với lươn có thể bồi bổ, dưỡng thận, giảm đau nhức.
Lươn um lá nhàu (ảnh: Internet)
Nguyên liệu cần chuẩn bị cho món lươn um lá nhàu, gồm: 1 con lươn (nên chọn lươn đồng, con lươn không quá to, lưng đen, bụng vàng), lá nhàu non, nước cốt dừa, bột cà ri, đậu phộng rang sạch vỏ, tương hột, gia vị nêm.
Để lươn sạch nhớt, các bạn có thể cho lươn vào nồi, bỏ một ít muối vào, đậy nắp kỹ và bắc bếp lên một chút hoặc tưới nước sôi cho lươn giãy giụa tự trôi nhớt. Bạn cũng có thể rửa lươn với chanh, muối và vuốt kỹ phần da lươn.
Lươn sau khi làm sạch thì cắt khúc nhỏ, ướp với hành, tỏi, hành tím, gia vị. Bạn phi thơm một ít hành tím và tỏi, sả, sau đó cho lươn vào xào sơ cho săn lại, cho nước cốt dừa và bột cà ri vào nấu cho chín lươn, sau đó, xếp lá nhàu đã cắt nhỏ vào nồi đất, múc lươn đã xào vào nấu lửa liu riu cho ngấm. Sau cùng, bạn cho một ít đậu phộng rang đã bóc vỏ vào.
Để chuẩn bị nước chấm, bạn bắc chảo lên bếp, phi thơm hành tím, sả, tỏi, sau đó cho nước cốt dừa và tương hột vào khuấy đều, nên thêm chút gia vị cho vừa ăn rồi nhắc xuống khỏi bếp. Lươn um lá nhàu có thể ăn kèm cơm nóng hoặc bún. Một món ăn đầy chất dân dã, dễ làm và tốt cho sức khỏe./.
Thu Lam