Đi săn ong (ăn ong, lấy ong) vốn dĩ là nghề nhiều vất vả và nguy hiểm. Ðằng này còn là chuyên đi săn ong vò vẽ, cái nghề và công việc còn thử thách lòng gan dạ nhiều hơn là đi ăn ong mật. Vậy mà cô gái Quách Kim Y (Ấp 1, xã Nguyễn Phích, huyện U Minh) vẫn rất bình thản và yêu công việc này gần 4 năm nay.
Xác định tổ ong vò vẽ đang đóng.
Gia đình Kim Y thuộc diện khó khăn, chưa được năm công đất vườn cùng với căn nhà nhỏ được trợ cấp, gần chục thành viên lớn nhỏ thuộc ba thế hệ cùng chung sống. Nghỉ học từ đầu cấp ba, đến 20 tuổi, Kim Y đi làm công nhân xa nhà, hai năm sau thì lấy chồng về quê sống. Chồng đi bạn cho ghe biển, hết con nước mới về thăm vợ con một lần. Sau khi có con, Y đi đặt bẫy bắt chuột rừng bán kiếm tiền trang trải cuộc sống. Lúc đi qua nhiều cánh rừng có tổ ong vò vẽ đóng trên cây, Y tìm hiểu thì biết ong vò vẽ có giá từ 350-750 ngàn đồng/kg tuỳ thời điểm. Em mới nghĩ đến chuyện đi lấy tổ ong vò vẽ để bán và bắt đầu thực hành đi lấy ong với sự hỗ trợ của người anh, là người đã có kinh nghiệm lấy ong. Có một số mối khách ở TP Hồ Chí Minh, các tỉnh thường đặt mua tổ ong vò vẽ để bán lại cho nhà hàng chế biến món ăn đặc sản, hoặc những khách mua câu cá giải trí.
“Ban đầu em cũng sợ, luống cuống, vụng về lắm, nhưng được cái gan dạ, với được anh Hai chỉ bảo và phải đi kiếm tiền để nuôi con nhỏ, nên em cố gắng rút kinh nghiệm, từ từ cũng quen, không còn sợ nữa, biết cách lấy ong nhanh nhạy hơn. Nhìn hướng gió để đoán nơi nào có thể có tổ ong vò vẽ đang đóng. Hoặc kết nối với những địa phương biết nơi có tổ ong vò vẽ, dẫn mình đi hỏi chủ rừng, được cho phép thì mình vào lấy tổ ong. Canh đi lúc sáng sớm là lúc ong đang bay đi kiếm ăn, sẽ dễ lấy hơn. Có vất vả khi đụng phải những con kênh bít bùng, xuồng khó đi, phải lội, càn sâu vào rừng, sậy, dây chằng chịt. Mỗi lần đi phải đem theo chai xịt muỗi để vắt bớt đeo, nhưng ít nhất cũng bị vài con hút máu no nê rồi tự rụng”, Kim Y chia sẻ.
Hồi mới vào nghề, Kim Y đi săn ong vò vẽ với dụng cụ, trang bị đơn giản, mặc bộ đồ dài, đeo bao tay, vớ, cái nón có trùm tấm lưới che mặt để ong không chích được, dao và bó xơ dừa để đốt hun khói đuổi ong. Khoảng hơn một năm thì sắm bộ đồ bằng chất liệu cao su để đi lấy ong, hạn chế được ong chích và không cần phải đốt hun khói nữa, cũng an toàn cho cánh rừng hơn. Nhưng qua hơn một năm sử dụng thì bộ đồ cũng hư. Nhiều khán giả ở nước ngoài xem YouTube yêu thích những video về các chuyến săn ong kỳ thú ở rừng U Minh và biết về hoàn cảnh của Kim Y nên một số cô, chú đã gởi về hỗ trợ khoảng 500 đô la Mỹ để sắm chiếc xuồng máy và bộ đồ bảo hộ tốt hơn để thuận tiện trong công việc.
Ổ ong được Kim Y bỏ vào túi lưới, đem đến nơi đậu xuồng.
Ðược người em họ của Kim Y ở khu dân cư Khánh An dẫn đi mấy điểm có tổ ong vò vẽ đang đóng, nơi nào cũng phải càn sâu mới vô tới, thấy những tổ này còn nhỏ nên em để dành lại, đợi khi tổ lớn hơn mới quay lại lấy. Tính ra không như ăn ong mật, chỉ vào mùa nắng thì mật mới ngon và chất lượng, săn ong vò vẽ có thể làm quanh năm. Kim Y có thể săn được trên dưới 10 ổ/tháng. Y kể: “Ai chỉ ở đâu em cũng đi, dù gần hay xa. Hơn hai tháng trước, trong chuyến đi săn ong vò vẽ, em bị ong chích gần 20 mũi, phải nhập viện điều trị và về nhà nghỉ dưỡng gần nửa tháng. Còn việc bị ong chích một vài mũi, hay ong đái vào mắt, mũi là chuyện thường gặp. Nghề đi lấy ong này cũng bấp bênh lắm. Một năm chỉ có tháng Giêng là ong có giá cao, được 750 ngàn đồng/kg, những tháng còn lại thì trên dưới 350 ngàn đồng/kg. Có khi mỗi chuyến được hai, ba ổ, nhưng cũng có khi công cốc, vì cũng có nhiều người làm nghề này. Là thứ thiên nhiên, không phải của riêng ai nên nghề này may rủi lắm. Vì em mê nghề, tranh thủ đi buổi sáng xong rồi giao cho khách và được về chăm con”.
Kim Y như bông hoa rừng mộc mạc, đầy mạnh mẽ. Người con gái ấy tuy dịu dàng, bé nhỏ nhưng khiến ai cũng nể và thương. Nể vì không phải người đàn ông nào cũng đủ gan dạ đối đầu với tổ ong vò vẽ, thương vì cuộc sống mưu sinh giúp Kim Y có đủ bản lĩnh và đam mê để chinh phục cái nghề đầy hiểm nguy này./.
Thảo Mơ/Báo Cà Mau