Tiếng Việt | English

18/05/2017 - 13:38

Bữa cơm công nhân - Canh cánh nỗi lo mất an toàn

Do đặc thù công việc, công nhân (CN) tại các khu, cụm công nghiệp thường dùng suất ăn sẵn hay tại bếp ăn tập thể của công ty. Tuy nhiên, từ các vụ ngộ độc tập thể cho thấy, những bữa cơm này tiềm ẩn nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng CN.


Nhiều nguy cơ ngộ độc thực phẩm từ bếp ăn công nghiệp, suất ăn sẵn nếu không tuân thủ quy định về an toàn thực phẩm

Suất ăn trị giá 12.000 đồng?!

Toàn tỉnh hiện có 575 cơ sở được Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) tỉnh chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm (ATTP), trong đó có 433 bếp ăn tập thể (với 55 bếp ăn cho CN và 378 bếp ăn trong trường học); 142 cơ sở cung cấp suất ăn sẵn (với 108 cơ sở chế biến cho CN, 34 cơ sở cung cấp cho trường học).

Nhằm tiết kiệm chi phí, nguồn nguyên liệu chế biến thường được mua với giá rẻ nên việc bảo đảm chất lượng các suất ăn công nghiệp luôn là “bài toán” khó!

Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP Long An - bác sĩ Phạm Văn Luân cho biết: “Không kể đến đối tượng học sinh, bếp ăn tập thể, suất ăn sẵn cho CN tại các công ty, xí nghiệp rất dễ bị ngộ độc với nguyên nhân hàng đầu là giá trị mỗi suất ăn quá thấp, dao động từ 12.000-17.000 đồng/suất. Trừ thuế cùng chi phí nhân công chế biến, giá trị thực của mỗi suất ăn có khi chỉ còn 6.000-7.000 đồng. Tất nhiên, để nấu được một bữa cơm cơ bản thì giá mua nguyên liệu phải càng rẻ càng tốt. Bằng chứng là các cơ sở chế biến thường sử dụng gà đông lạnh nhập khẩu cận hạn sử dụng, cá biển đông lạnh lâu ngày. Khi rã đông, hầu hết thịt gà, cá đều rất bở, kém chất lượng, không bảo đảm dinh dưỡng. Chưa kể, trong quá trình chế biến, các cơ sở thường dùng dầu chiên được sử dụng nhiều lần hoặc sử dụng phụ gia tăng hương vị. Rau, củ, quả hay các món chay chế biến sẵn (mắm thái, đậu hũ, mì căn,...) mua trôi nổi ngoài thị trường cũng không thể kiểm soát chất lượng, nguồn gốc”.

Tham gia cùng các đoàn kiểm tra, chúng tôi thấy, tại phần đông doanh nghiệp (DN), bữa cơm của CN cũng đủ 3 món: Mặn, canh, xào nhưng chế biến rất sơ sài, ít rau, thịt, cá cùng chén canh “lỏng bỏng”.

Chị Đ.T.T (Công nhân Công ty TNHH Texray, Cụm công nghiệp Lợi Bình Nhơn, xã Lợi Bình Nhơn, TP.Tân An) - người vừa nhập viện chiều ngày 12/5 vừa qua với các biểu hiện nghi ngộ độc thực phẩm, cho biết: “Sau bữa cơm trưa, tôi và một số đồng nghiệp bị đau bụng, buồn nôn, chóng mặt, vã mồ hôi, có người còn tiêu chảy. Làm CN, chúng tôi rất lo ngại nguy cơ mất an toàn từ những suất ăn tập thể nhưng vì không có thời gian, kinh tế eo hẹp nên đành cố gắng ăn để có sức khỏe làm việc”.

Giá trị một suất ăn không chỉ do đơn vị cung cấp quyết định mà còn phụ thuộc vào công ty đặt hàng. Câu hỏi được đặt ra, ngoài lợi nhuận phía cơ sở cung cấp, có hay không “hoa hồng” cho những người hợp đồng suất ăn.

Chưa kể, nhiều cơ sở muốn hợp tác với DN thì phải đấu thầu, giá nào cạnh tranh nhất, tiết kiệm nhất sẽ được ưu tiên lựa chọn. Vậy thì, chất lượng bữa ăn thấp với nguyên liệu rẻ cùng nguy cơ ảnh hưởng sức khỏe của rất nhiều người, trách nhiệm sẽ thuộc về ai?

Từ đó, không chỉ riêng ngành Y tế mà các cơ quan chức năng, nhất là Liên đoàn Lao động, Thanh tra Sở Lao động - Thương binh và Xã hội càng phải chú ý, quản lý chặt chẽ chất lượng bữa ăn tại các DN. Đây cũng là hành động thiết thực quan tâm đến đời sống, sức khỏe CN.


Suất ăn “nghèo nàn” dinh dưỡng của công nhân

Ngộ độc tập thể

ATTP không chỉ là nỗi lo của riêng CN mà còn là trăn trở của những người làm công tác quản lý, trong đó, ngành Y tế đóng vai trò chủ đạo. Năm 2015, toàn tỉnh có 5 vụ ngộ độc thực phẩm với 521 ca mắc; năm 2016, có 4 vụ với 431 ca.

Từ đầu năm 2017 đến thời điểm hiện tại có 2 vụ có kết quả chính thức và 1 vụ nghi ngộ độc, đang chờ kết quả xét nghiệm với tổng số gần 100 CN nhập viện (5 CN Công ty Cổ phần Bao bì Đại Lục (Cụm công nghiệp Lợi Bình Nhơn, xã Lợi Bình Nhơn, TP.Tân An) ngộ độc vào tháng 3; 34 CN Công ty Tainan Enterprises Việt Nam (Khu kinh tế cửa khẩu Long An, xã Bình Hiệp, thị xã Kiến Tường) vào tháng 4 và gần đây nhất là 57 CN Công ty TNHH Texray nhập viện vì có biểu hiện nghi ngộ độc sau bữa cơm trưa ngày 12/5).

Theo bác sĩ Phạm Văn Luân, bữa cơm CN không chỉ thiếu dinh dưỡng mà còn tiềm ẩn nguy cơ ngộ độc với các nguyên nhân về điều kiện vệ sinh, kỹ năng thực hành của người đứng bếp, thiếu sự giám sát của người có trách nhiệm và việc tuân thủ các quy định về bảo quản, lưu mẫu. Thức ăn sau khi chế biến đến khi dùng phải dưới 2 giờ, trong khi đó, nhiều cơ sở hoạt động vượt công suất nên phải nấu sớm, thời gian phơi nhiễm càng dài, nguy cơ ngộ độc càng cao. Hơn nữa, đa phần người đứng bếp có trình độ thấp, không được tập huấn kỹ năng thực hành, không tuân thủ quy trình 1 chiều từ khâu nguyên liệu đến thành phẩm nên rất dễ lây nhiễm chéo. Qua kiểm tra nhiều cơ sở, người trực tiếp chế biến chưa được chứng nhận đủ điều kiện sức khỏe và kiến thức ATTP.

Ngoài ra, điều kiện nhiều cơ sở còn chật hẹp, vệ sinh rất kém, chưa có nơi bảo quản dụng cụ, trang thiết bị riêng nhằm tránh vật trung gian truyền bệnh. Nhiều cơ sở, khi đến kiểm tra đột xuất phát hiện có chuột, gián bò qua lại, trong khi chén, tô để ngay trên sàn bẩn. Sổ kiểm thực 3 bước chưa chính xác, đầy đủ. Việc lưu mẫu thức ăn còn mang tính đối phó, số lượng, khối lượng không bảo đảm, việc bảo quản và niêm phong cũng không đúng quy định.


Công nhân Công ty TNHH Texray nghi bị ngộ độc thực phẩm nhập viện chiều 12/5

Xử lý nghiêm sai phạm

Với nhiều vấn đề từ giá trị suất ăn đến quá trình chế biến, ngộ độc thực phẩm là mối nguy rình rập sức khỏe, tính mạng CN bất cứ lúc nào. Tuy nhiên, công tác kiểm tra, ngăn chặn ngộ độc thực phẩm còn hạn chế.

Trưởng phòng Y tế huyện Đức Hòa - Lê Văn Xành cho biết: “Là huyện tập trung đông khu, cụm công nghiệp, Đức Hòa hiện có 53 bếp ăn tập thể với trên 23 bếp ăn cho công nhân, 51 cơ sở cung cấp suất ăn sẵn cho CN. Hiện tại, do thủ tục liên hệ vào các khu, cụm công nghiệp còn nhiều khó khăn nên một số DN không hợp tác, né tránh lực lượng chức năng kiểm tra các bếp ăn tập thể. Mong rằng thời gian tới, các cấp thẩm quyền, đặc biệt là Chi cục ATVSTP cần thường xuyên thực hiện công tác hậu kiểm việc chấp hành của các cơ sở sau khi được cấp phép, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm nhằm bảo vệ sức khỏe, tính mạng người lao động”.

Phó Giám đốc Sở Y tế - Tiến sĩ, bác sĩ Võ Thị Dễ nhận định, trong Tháng hành động Vì ATTP từ ngày 15/4 đến 15/5, Long An tổ chức các đoàn liên ngành, chuyên ngành thanh, kiểm tra các cơ sở về tình hình thực hiện ATTP. Bên cạnh những đơn vị tuân thủ quy định về ATTP thì một số bếp ăn tập thể, cơ sở cung cấp suất ăn sẵn,... có quy mô nhỏ vẫn chưa chấp hành nghiêm quy định của pháp luật, xem thường sức khỏe người tiêu dùng.

Không chỉ riêng Tháng hành động Vì ATTP, ngành thường xuyên tuyên truyền các văn bản quy phạm pháp luật về ATTP cho người dân; tăng cường thanh tra, kiểm tra với tinh thần kiên quyết, công khai, minh bạch và chính xác, đồng thời xử lý nghiêm để tăng tính răn đe.

Sức khỏe của CN cũng là tài sản của DN. CN có sức khỏe tốt, tái tạo sức lao động thì làm việc mới thực sự hiệu quả. DN đừng vì lợi nhuận mà xem thường sức khỏe người lao động.

Ngoài sự nỗ lực của cơ quan quản lý, ý thức, đạo đức của người sản xuất, kinh doanh là yếu tố quan trọng nhất nhằm bảo đảm ATTP cho người lao động. Đặc biệt, mỗi người cần tự giác nâng cao kiến thức để tự bảo vệ sức khỏe của chính mình, chung tay ngăn ngừa, tố giác, lên án các cơ sở, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm về ATTP, góp phần cùng bảo vệ sức khỏe của cộng đồng.

Theo báo cáo nhanh từ Sở Y tế, trong Tháng hành động Vì ATTP vừa qua, các đoàn liên ngành tiến hành thanh tra, kiểm tra 31 cơ sở chế biến, trong đó có 22 bếp ăn tập thể và cơ sở cung cấp thức ăn sẵn. Đoàn chuyên ngành của Chi cục ATVSTP cũng kiểm tra trên 50 cơ sở, trong đó có 70% cơ sở đạt yêu cầu.

Kết quả bước đầu cho thấy, đa số cơ sở chấp hành các quy định về ATTP. Các lỗi chủ yếu gồm: Lưu mẫu chưa đúng quy định; hồ sơ, sổ sách báo cáo chưa đầy đủ; người trực tiếp chế biến chưa được kiểm tra sức khỏe, kiến thức ATTP; điều kiện vệ sinh không đạt yêu cầu. Với những trường hợp này, cơ quan chức năng tiến hành lập biên bản, chờ xử lý theo đúng quy định của pháp luật./.

Phạm Ngân

Chia sẻ bài viết


 
Liên kết hữu ích