Đến nay, toàn tỉnh đã triển khai 4 cơ sở điều trị Methadone cho người nghiện ma túy
Methadone dùng để thay thế các loại ma túy dạng thuốc phiện như heroin. Methadone có ưu điểm là không phải tiêm chích, không tăng liều, có tác dụng trong 24 giờ nên mỗi ngày chỉ dùng một lần. Methadone cũng không tạo những kích thích, hưng phấn cao như heroin.
Bác sĩ sẽ kê số lượng Methadone cho người bệnh theo từng trường hợp cụ thể để bệnh nhân (BN) chuyển sang thay thế sử dụng ma túy truyền thống bằng Methadone. Sau đó sẽ giảm dần liều dùng cho đến khi không còn lệ thuộc vào ma túy nữa.
Ưu điểm khi sử dụng Methadone là người nghiện không bị những cơn vật vã, vẫn có thể lao động, sinh hoạt bình thường, ít gây ra những hành vi nguy hiểm cho xã hội, đặc biệt không làm lây nhiễm HIV.
Đến nay, toàn tỉnh triển khai 4 cơ sở điều trị Methadone cho người nghiện ma túy tại Bệnh viện Tâm thần Long An; Bệnh viện Đa khoa khu vực Hậu Nghĩa, huyện Đức Hòa; Trung tâm Y tế huyện Cần Giuộc và Trung tâm Y tế huyện Bến Lức. Đến tháng 12/2024, tại 4 cơ sở trên còn 351 BN đang điều trị. Ngoài ra, có 3 điểm cấp phát thuốc Methadone tại các Trung tâm Y tế huyện Châu Thành, Thủ Thừa và Đức Huệ.
Anh N.V.Q. (huyện Bến Lức) bị nghiện ma túy, không ít lần được gia đình, bạn bè động viên đi cai nghiện. Khi được gia đình đưa đến cơ sở điều trị Methadone, anh được khám, tư vấn và hướng dẫn điều trị. Sau thời gian uống thuốc điều trị, anh cắt được cơn nghiện ma túy, sức khỏe ngày càng ổn định và tham gia lao động, sản xuất giúp đỡ gia đình. Hàng ngày, anh vẫn đến uống Methadone đúng giờ tại cơ sở.
Theo Giám đốc Sở Y tế - Huỳnh Minh Phúc, qua thống kê cho thấy, sau khi điều trị Methadone không phát hiện trường hợp nhiễm HIV mới; BN sử dụng heroin giảm còn 32% sau 6 tháng điều trị; không phát hiện BN sử dụng chung bơm kim tiêm. Ngoài ra, 100% BN cải thiện về sức khỏe và ổn định về tâm lý; BN tăng cân khoảng 63% (trung bình tăng 2kg); có 67,9% BN trước đó có nguy cơ trầm cảm đã không còn nguy cơ sau 6 tháng điều trị. Ngoài ra, 23,3% BN thất nghiệp trước điều trị đã tìm được việc làm sau 6 tháng điều trị.
Cùng với đó, hiện trên địa bàn tỉnh có 115 cơ sở khám, chữa bệnh đủ điều kiện xác định tình trạng nghiện ma túy. Trong đó, có 115 cơ sở đủ điều kiện xác định tình trạng nghiện ma túy nhóm Opiats và 9 cơ sở đủ điều kiện xác định tình trạng nghiện ma túy chất dạng Amphetamine. Riêng trạm y tế ở 186 xã, phường, thị trấn có 95 trạm đủ điều kiện xác định tình trạng nghiện ma túy, chiếm 50,5% (đạt chỉ tiêu tỉnh giao 50 60%). Thời gian qua, ngành Y tế phối hợp tốt công an các địa phương trong việc xác định tình trạng nghiện theo quy định tại Nghị định số 109/2021/NĐ-CP, ngày 08/12/2021 của Chính phủ.
Đồng thời, thực hiện cắt cơn giải độc cho người nghiện ma túy khi có yêu cầu của các cá nhân và tổ chức có liên quan. Sau cai nghiện, người nghiện ma túy được tư vấn, nếu đồng ý thì được tham gia chương trình điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone.
Bên cạnh đó, các bệnh viện, trung tâm y tế huyện, đặc biệt là Bệnh viện Tâm thần Long An phối hợp tiếp nhận các trường hợp cấp cứu loạn thần do ma túy, sử dụng ma túy quá liều; điều trị cắt cơn và duy trì. Thời gian tới, các sở, ngành, đoàn thể và địa phương tiếp tục phối hợp tuyên truyền, vận động người nghiện đăng ký điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone, vận động gia đình BN quan tâm, hỗ trợ BN trong quá trình điều trị.
Cũng theo ông Huỳnh Minh Phúc, bên cạnh những kết quả đã đạt, việc điều trị Methadone cho người nghiện ma túy vẫn gặp những khó khăn, vướng mắc. Một số trường hợp chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình BN, BN với cơ sở điều trị trong việc quản lý, vận động người nghiện ma túy đăng ký điều trị và tuân thủ uống thuốc, xét nghiệm trong quá trình điều trị.
Tỷ lệ tái nghiện cao do thiếu các chương trình hỗ trợ sau điều trị. Các bệnh lý đồng mắc (HIV/AIDS, viêm gan, rối loạn tâm thần) gây khó khăn trong việc điều trị toàn diện tại các cơ sở điều trị Methadone. Việc điều trị, cấp phát Methadone được các cơ sở thực hiện hàng ngày trong năm, kể cả ngày nghỉ thứ bảy, chủ nhật, ngày lễ và ngày tết nhưng nguồn nhân lực y tế tại các cơ sở điều trị đa phần là kiêm nhiệm nên quá tải công việc. Chế độ phụ cấp độc hại tại các cơ sở điều trị và cấp phát Methadone thì phụ cấp 70% chỉ áp dụng cho bác sĩ, hỗ trợ khám và xét nghiệm, còn các nhân viên dược cấp phát thuốc Methadone thường xuyên tiếp xúc với người nghiện chỉ được phụ cấp 30%.
Quy định cấp phát Methadone hàng ngày, tức là mỗi ngày BN phải đến cơ sở điều trị để sử dụng thuốc, nên một số lớn lượng BN không kiên trì, đã bỏ điều trị. Mặt khác, hàng ngày, BN phải đến cơ sở điều trị để sử dụng thuốc chính là một rào cản lớn đối với việc tiếp cận và duy trì của BN, nhất là đối với người sống xa cơ sở điều trị và cơ sở cấp phát thuốc.
Từ những thực tế trên cho thấy, điều trị cai nghiện ma túy bằng Methadone sẽ mang lại thành công nếu người cai sử dụng đúng lộ trình dùng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ. Dù cai nghiện bằng hình thức nào cũng cần sự tự nguyện, hợp tác, kiên trì của người cai và hỗ trợ từ người thân./.
Lê Đức