Tiếng Việt | English

26/06/2023 - 10:57

Cần Đước triển khai hiệu quả công tác phòng bệnh trong chăn nuôi

Thời gian qua, ngành Nông nghiệp huyện Cần Đước, tỉnh Long An tập trung phát triển đàn gia súc, gia cầm (GSGC) và triển khai hiệu quả các biện pháp phòng bệnh trong chăn nuôi. Nhờ vậy, tình hình dịch bệnh trên GSGC của huyện được kiểm soát tốt, không xảy ra dịch bệnh nguy hiểm.

Tiêm phòng là giải pháp hữu hiệu để phòng bệnh cho đàn gia súc, gia cầm

Thông tin từ Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Cần Đước, từ đầu năm 2023 đến nay, trên địa bàn huyện không xảy ra dịch bệnh trên GSGC. Nhiều biện pháp phòng bệnh trên GSGC được người dân chủ động áp dụng để bảo vệ an toàn cho đàn vật nuôi. Công tác phát triển đàn trên địa bàn huyện được thực hiện tốt. Đến thời điểm này, tổng đàn GC toàn huyện trên 997.000 con và tổng đàn GS trên 5.800 con.

Theo Phụ trách Trạm Chăn nuôi, Thú y huyện Cần Đước - Lê Thị Thanh Hiệp, từ đầu năm, Trạm tiến hành điều tra, thống kê tổng đàn GSGC; giao cán bộ của Trạm cùng lực lượng thú y cơ sở quản lý chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên địa bàn. Đồng thời, trạm tổ chức tiêm vắc-xin phòng bệnh cúm GC; bệnh dại trên chó, mèo; bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò;… Đến nay, huyện triển khai xong chiến dịch tiêm phòng đợt 1 với trên 66.000 liều vắc-xin.

Bên cạnh đó, huyện triển khai tiêu độc, khử trùng môi trường chăn nuôi trên địa bàn. Tiêu độc, khử trùng môi trường là biện pháp chủ động nhằm cắt đứt yếu tố lây truyền của mầm bệnh, góp phần quan trọng bảo đảm vệ sinh thú y trong quá trình sản xuất, chế biến, kinh doanh sản phẩm động vật. Đây là một trong những biện pháp được ngành Thú y huyện và người chăn nuôi triển khai khá tốt nhằm bảo đảm an toàn dịch bệnh.

Anh Dương Hoài Thanh (xã Phước Đông) cho biết: “Việc phun khử khuẩn, rải vôi bột quanh khu vực nuôi, những chỗ ẩm thấp giúp giảm nhiều rủi ro dịch bệnh. Ngoài những đợt phun khử trùng do cán bộ thú y thực hiện, tôi luôn dự trữ vôi bột để tiêu độc chuồng trại, rải ở lối ra vào. Với đàn gà gần 5.000 con, sau mỗi đợt nuôi và xuất bán, tôi dành khoảng 2 tuần để cách ly với đợt nuôi mới”.

Bên cạnh đó, lực lượng chuyên môn còn đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến các hộ chăn nuôi trên địa bàn để nâng cao ý thức phòng bệnh cho GSGC. Cán bộ thú y cơ sở bám sát địa bàn, hướng dẫn trực tiếp đến các hộ chăn nuôi thực hiện các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, vệ sinh chuồng trại, tiêm phòng các loại vắc-xin phòng bệnh và thực hiện chế độ dinh dưỡng hợp lý cho đàn vật nuôi.

Chị Nguyễn Thị Thoa (xã Tân Lân) đang nuôi trên 1.000 con vịt, chia sẻ: “Ngoài việc tiêm phòng và tiêu độc, khử trùng khu vực chăn nuôi thì chất lượng con giống cũng là yếu tố quan trọng quyết định nhiều đến thành quả chăn nuôi. Do đó, tôi thường chọn mua con giống ở những cơ sở thân quen, có uy tín, bảo đảm an toàn dịch bệnh”.

Bà Lê Thị Thanh Hiệp cho biết, thời gian tới, đơn vị tiếp tục rà soát nắm chắc đàn GSGC mới phát sinh nhằm đánh giá tình hình biến động đàn, làm cơ sở giám sát dịch bệnh và chuẩn bị vắc-xin tiêm phòng; đồng thời, thực hiện tốt công tác kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật, kiểm soát giết mổ;.../.

Minh Tuệ

Chia sẻ bài viết