Tiếng Việt | English

08/08/2019 - 15:37

Cần Thơ: Thay khớp háng thành công cho cụ ông 98 tuổi

Bệnh nhân là cụ ông Trần Văn Mười, 98 tuổi, được đưa đến bệnh viện trong tình trạng bị gãy liên mấu chuyển xương đùi bên trái do tai nạn sinh hoạt và có bệnh lý tim mạch nặng.

Các bác sĩ thực hiện ca phẫu thuật. (Nguồn: TTXVN)

Ngày 08/8, đại diện Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ cho biết, các bác sĩ Khoa Ngoại chấn thương chỉnh hình của Bệnh viện vừa phẫu thuật thành công thay khớp háng cho cụ ông 98 tuổi.

Bệnh nhân bị gãy liên mấu chuyển xương đùi bên trái do tai nạn sinh hoạt và có bệnh lý tim mạch nặng.

Cụ ông Trần Văn Mười (98 tuổi, ngụ huyện Thạnh Trị, tỉnh Sóc Trăng), được đưa đến Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ lúc 19 giờ 45 ngày 04/8 do bị ngã, đau khớp háng trái.

Qua thăm khám, các bác sĩ chẩn đoán cụ Mười bị gãy phức tạp liên mấu chuyển xương đùi trái có bệnh lý phối hợp hẹp van động mạch chủ, thiếu máu cơ tim, hở van 3 lá nặng, tăng áp động mạch phổi… chỉ định phẫu thuật.

Tuy nhiên, do bệnh nhân lớn tuổi có bệnh lý tim mạch nặng nên bệnh viện thực hiện hội chẩn đa chuyên khoa chấn thương chỉnh hình, tim mạch, hô hấp, gây mê hồi sức…

Sau hội chẩn, các bác sĩ thông báo tình trạng bệnh, tư vấn hướng điều trị cho thân nhân người bệnh và gia đình cụ Mười đồng ý phẫu thuật.

Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân Mười sau phẫu thuật. (Nguồn: TTXVN)

Êkíp phẫu thuật gồm các chuyên khoa đã tiến hành phẫu thuật thay khớp háng bán phần cho bệnh nhân.

Sau phẫu thuật bệnh nhân ổn định, đã rút nội khí quản. Sáng 08/8, cụ Mười tỉnh táo, tiếp xúc tốt, vết mổ vùng đùi trái khô, không đau, cử động 2 chân tốt, bàn chân trái hồng ấm.

Theo bác sĩ Chuyên khoa 2 Huỳnh Thống Em, Trưởng khoa Ngoại chấn thương chỉnh hình Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ, hệ thống xương khớp của người lớn tuổi (trên 70 tuổi) rất yếu, giòn, nên nhiều người dù ngã rất nhẹ vẫn bị gãy xương khớp háng.

Đa số người bệnh bị tai nạn do ngã trong nhà tắm, khi đi lại trong nhà, đặc biệt là những nhà có nền gạch trơn rất nguy hiểm cho người lớn tuổi.

“Có người quan niệm, với người trên 80 tuổi không nên mổ vì mổ sẽ chết nên thân nhân để người bệnh ở nhà điều trị bằng cách đắp lá cây, bó thuốc nam vào vùng bị đau. Bó lá mãi người bệnh không hết đau và phải nằm một chỗ không đi được, dẫn đến bị nhiễm trùng chỗ đắp, loét vùng tì đè, viêm phổi do nằm lâu ngày. Khi đến bệnh viện điều trị thì đã muộn” - bác sĩ Em cho biết./.

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết