Tiếng Việt | English

28/11/2016 - 09:41

Cảnh báo những khúc sông nguy hiểm

Theo thống kê của Phòng Cảnh sát đường thủy Công an tỉnh Long An, hiện trên các tuyến sông, kênh trên địa bàn tỉnh có khoảng 15 vị trí nguy hiểm, tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn giao thông (TNGT).

Tại khúc sông cầu Bến Lức 1, 2, thuộc khu phố 5, thị trấn Bến Lức, huyện Bến Lức tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn cho các phương tiện thủy lưu thông qua đoạn sông này. Do nằm gần ngã ba sông Chợ Đệm có nước chảy xiết tạo thành vùng nước xoáy. 2 bên thượng lưu và hạ lưu không bố trí các điểm neo đậu phương tiện nên các phương tiện chủ yếu thả neo và cột vào các cây xanh nằm trên hành lang bảo vệ luồng, vì vậy, không bảo đảm trong quá trình neo đậu.

Đồng thời, về phía hạ lưu bờ bên phải có 2 bãi xếp dỡ hàng hóa tạm nhưng cách cầu Bến Lức 1, 2 khoảng 20m đến 100m là nơi có biển báo hiệu cấm các phương tiện neo đậu nên khi phương tiện ra vào bốc dỡ hàng hóa ở các bến hàng hóa tạm trên sẽ gây cản trở luồng, có nguy cơ va chạm vào cầu và các phương tiện khác lưu thông qua cầu sẽ rất nguy hiểm.


Lực lượng Cảnh sát đường thủy Công an tỉnh tuần tra trên tuyến kênh Nước Mặn - nơi có vùng nước xoáy nguy hiểm

Cụ thể: Lúc 1 giờ, ngày 21/6/2015, trên tuyến sông Vàm Cỏ Đông, thuộc địa bàn khu phố 5, thị trấn Bến Lức xảy ra 1 vụ TNGT đường thủy giữa phương tiện thủy với công trình vượt sông cầu Bến Lức 1. Vụ tai nạn xảy ra làm phương tiện thủy bị lật úp, chìm mất khoảng 470m3 đá xây dựng.

Tuyến kênh Nước Mặn có thượng nguồn là nơi giao nhau với tuyến sông Cần Giuộc, hạ nguồn giao nhau với tuyến sông Vàm Cỏ. Do vậy, vào thời điểm thủy triều lên xuống, nước chảy xiết, tạo thành vùng nước xoáy nguy hiểm. Bên cạnh đó, tại ngã ba kênh Nước Mặn có bến khách ngang sông hoạt động, đoạn sông này lại có nhiều phương tiện qua lại nên trong quá trình lưu thông, phương tiện thủy tránh, vượt nhau có nguy cơ tiềm ẩn dẫn đến tai nạn giao thông đường thủy.

Đơn cử, lúc 0 giờ, ngày 10/6/2012, tại Km 00+800, trên kênh Nước Mặn (thuộc địa phận ấp Chợ, xã Long Hựu Đông, huyện Cần Đước) xảy ra 1 vụ TNGT đường thủy, làm 2 phương tiện chìm cùng toàn bộ hàng hóa, rất may, không thiệt hại về người.

Tại vị trí Km 24+400, ngã ba đèn đỏ, thuộc địa bàn ấp Bình Trị 2, xã Thuận Mỹ, huyện Châu Thành là khu vực giao nhau giữa tuyến sông Vàm Cỏ với tuyến sông Rạch Lá, vào thời điểm thủy triều lên, xuống nước chảy xiết tạo thành vùng nước xoáy cũng rất nguy hiểm cho phương tiện thủy qua lại tại khúc sông này.

Trên khúc sông tại ngã tư Tuyên Nhơn, thuộc khu phố 3, thị trấn Thạnh Hóa và ấp Nhơn Xuyên, xã Thuận Nghĩa Hòa, huyện Thạnh Hóa là nơi giao nhau giữa sông Vàm Cỏ Tây với kênh Nhơn Xuyên và kênh Dương Văn Dương là khu vực có nhiều đoạn cong khúc khuỷu che khuất tầm nhìn. Vào mùa lũ, nước chảy xiết tạo thành vùng nước xoáy, nguy hiểm cho tất cả các phương tiện thủy khi lưu thông qua khu vực này. Vì vậy, người điều khiển phương tiện đường thủy khi đi qua đây cần chú ý cảnh giác, tránh hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.

Tại khu vực tuyến kênh Thủ Thừa có 22 đường dây điện vượt sông (trong đó có 15 đường dây điện không có biển báo hiệu). Do vậy, các phương tiện lưu thông không xác định được chiều cao tĩnh không của đường dây điện nên rất nguy hiểm trong quá trình lưu thông qua tuyến kênh này.

Thời gian qua, có 1 vụ TNGT đường thủy xảy ra tại đây. Vào lúc 0 giờ l9 phút, ngày 10/5/2015, trên tuyến sông Vàm Cỏ Tây (thuộc khu phố Nhơn Bình, phường 6, TP.Tân An) xảy ra vụ TNGT đường thủy giữa phương tiện thủy với công trình đường dây điện vượt sông, làm đứt rời 2 dây điện, thiệt hại trên 900 triệu đồng, gây ảnh hưởng đến sinh hoạt của nhân dân.

Tại các khúc sông có nguy cơ tiềm ẩn xảy ra TNGT đường thủy nêu trên, các cơ quan quản lý và ngành chức năng cần có giải pháp duy tu, nạo vét các luồng, tuyến có bãi cạn nhằm khơi thông dòng chảy, tạo luồng thông thoáng cho phương tiện thủy lưu thông an toàn và quy hoạch các điểm neo đậu, bảo đảm an toàn cho phương tiện.

Đồng thời, các ngành chức năng thường xuyên kiểm tra để kịp thời sửa chữa các hệ thống báo hiệu hư hỏng không còn hiệu lực và bố trí các hệ thống biển báo, phao đối với các công trình vượt sông chưa lắp đặt, chặt cây xanh che khuất tầm nhìn và lắp đặt hệ thống báo hiệu vùng nước xoáy tại các vị trí nguy hiểm. Có như vậy, mới có thể hạn chế đến mức thấp nhất nguy cơ xảy ra TNGT đường thủy, góp phần kéo giảm tình hình TNGT trên địa bàn tỉnh./.

Đan Thư

Chia sẻ bài viết