Các đối tượng thường quảng cáo cho vay với lời mời chào hấp dẫn khiến nhiều người đang trong tình cảnh túng thiếu tìm đến loại hình cho vay này mặc dù biết lãi suất rất cao
Hoạt động “tín dụng đen” vẫn diễn biến phức tạp
Những năm gần đây, trên địa bàn tỉnh, tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến “tín dụng đen” diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng. Phương thức, thủ đoạn hoạt động của các đối tượng ngày một tinh vi, len lỏi trong cộng đồng dân cư, từ thành thị đến nông thôn.
Các đối tượng cho vay “tín dụng đen” thường lợi dụng mạng xã hội để quảng cáo hành vi cho vay hoặc dán, phát các tờ rơi, quảng cáo cho vay không cần thế chấp tại một số địa điểm công cộng như cổng trường, khu nhà trọ, trụ điện, cột đèn tín hiệu giao thông, bến xe,... với những lời mời chào hấp dẫn: Giải ngân nhanh, thủ tục đơn giản, chỉ cần căn cước công dân,... khiến nhiều người đang trong tình cảnh túng thiếu tìm đến loại hình cho vay này mặc dù biết lãi suất rất cao.
Trước tình hình đó, Công an tỉnh chỉ đạo công an các đơn vị, địa phương quán triệt, thực hiện nghiêm Chỉ thị số 12/CT-TTg, ngày 29/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”; triển khai đồng bộ biện pháp công tác công an, quản lý chặt địa bàn, đối tượng, tăng cường nắm tình hình, nhất là trên không gian mạng, kịp thời phát hiện tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến “tín dụng đen” để đấu tranh, xử lý.
Lực lượng công an tăng cường quản lý các ngành nghề kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự, nhất là kiểm tra, quản lý các dịch vụ cầm đồ, đòi nợ, cơ sở kinh doanh dịch vụ cho vay, công ty tài chính, tín dụng, công ty luật,... có dấu hiệu hoạt động “tín dụng đen” để kịp thời ngăn chặn, xử lý khi vi phạm.
Thời gian qua, lực lượng công an thường xuyên mở các đợt cao điểm đấu tranh, trấn áp, triệt phá các băng, nhóm tội phạm hoạt động “bảo kê”, cưỡng đoạt tài sản, cho vay lãi nặng, đòi nợ thuê; các đường dây đánh bạc, tổ chức đánh bạc; lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua các hình thức huy động vốn; tội phạm sử dụng công nghệ cao núp bóng doanh nghiệp hoạt động; phối hợp các cơ quan tư pháp trong công tác phát hiện, đấu tranh, đẩy nhanh tiến độ điều tra, xét xử các vụ án liên quan đến “tín dụng đen”, đưa ra xét xử án điểm đối với các vụ án đủ điều kiện nhằm răn đe, phòng ngừa chung trong toàn xã hội.
Gần đây, qua công tác nghiệp vụ, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh phát hiện nhóm đối tượng có biểu hiện nghi vấn về hành vi cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự nên xác lập chuyên án đấu tranh, làm rõ.
Qua quá trình thu thập chứng cứ, Phòng Cảnh sát hình sự phối hợp Công an các huyện: Bến Lức, Châu Thành và TP.Tân An mời làm việc 4 đối tượng: Nguyễn Ngọc Huy, Bùi Hồng Quân, Trần Thị Y và T.T.N. Qua làm việc, nhóm của Huy thừa nhận cho nhiều người vay với số tiền mỗi lần từ 2-150 triệu đồng, lãi suất từ 120-360%/năm.
Thông tin từ Công an tỉnh, từ đầu năm 2023 đến nay, lực lượng công an các đơn vị, địa phương phát hiện, xử lý 33 vụ/55 đối tượng liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”. Trong đó, cơ quan điều tra khởi tố 9 vụ/14 bị can về tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự; xử phạt hành chính 24 vụ/41 đối tượng về hành vi cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.
Cảnh giác trước các thủ đoạn cho vay lãi nặng
Thông tin từ Công an tỉnh, hiện nay, ngoài cho vay theo hình thức cũ, các đối tượng cho vay lãi nặng còn lợi dụng công nghệ thông tin, mạng xã hội để hoạt động như sử dụng phần mềm cho vay trực tuyến, các ứng dụng cho vay trên điện thoại hay các website quảng cáo, hội, nhóm trên mạng,... với lời dụ dỗ lãi suất vay dưới 20%/năm.
Tuy nhiên, khi khách hàng thực hiện các giao dịch vay thì các đối tượng sẽ tính phát sinh phí quản lý vay, phí hồ sơ, "lãi mẹ đẻ lãi con", lãi chồng lãi và nhiều khoản phí khác buộc người vay phải gánh lãi suất cao.
Theo Công an tỉnh, thời gian qua còn xuất hiện thủ đoạn tinh vi, biến tướng nguy hiểm của “tín dụng đen” là lập các hợp đồng “giả cách” với người vay tín chấp, thế chấp. Người vay khi cần vay số tiền lớn trong thời gian ngắn để sử dụng và chấp nhận trả lãi suất cao, đến khi mất khả năng chi trả sẽ bị buộc chuyển quyền sở hữu tài sản đã thế chấp cho các đối tượng cho vay.
Cùng với thủ đoạn này, các đối tượng còn “mua bán nợ”. Trong đó, chủ nợ lập hợp đồng với công ty “mua bán nợ” - một hình thức biến tướng của công ty đòi nợ thuê để thực hiện các thủ đoạn quấy rối, khủng bố như tạt sơn, tạt chất bẩn, nước thải, mắm tôm buộc người vay phải trả nợ.
Để góp phần ngăn chặn, phòng ngừa tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”, Công an tỉnh khuyến cáo các tổ chức, cá nhân không tham gia các hoạt động “tín dụng đen”, cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự. Khi phát hiện trên địa bàn có các đối tượng hoạt động “tín dụng đen” phải kịp thời tố giác đến cơ quan công an, nhất là các công ty luật núp bóng đòi nợ, cưỡng đoạt tài sản, cửa hàng cầm đồ, kinh doanh tài chính có biểu hiện hoạt động “tín dụng đen”.
Trường hợp cần vay vốn để sử dụng vào mục đích kinh doanh, mua sắm, người dân tìm hiểu kỹ thông tin, ưu tiên vay tại các ngân hàng có uy tín để tránh bị lừa và mắc bẫy “tín dụng đen”.
|
Nguồn vốn tín dụng chính sách dành cho học sinh, sinh viên giải ngân thuận lợi, mức cho vay được điều chỉnh tăng phù hợp với tình hình thực tế, trở thành “người bạn” đồng hành, tiếp sức cho các em theo đuổi ước mơ học tập
|
Công an tỉnh cũng khuyến cáo trường hợp người thân có vay “tín dụng đen”, khi bị các đối tượng gọi điện thoại cho những người thân trong gia đình “khủng bố” đòi nợ thì phải bình tĩnh xử lý, giải thích ngắn gọn về việc không quen biết người vay hoặc không có trách nhiệm với khoản nợ mà các đối tượng đề cập. Đồng thời, tìm hiểu rõ thông tin đơn vị đòi nợ, nhắc nợ và yêu cầu cung cấp các chứng từ, hợp đồng, thông tin về việc vay nợ.
Nếu tình trạng bị làm phiền kéo dài, thậm chí đến mức bị “khủng bố” điện thoại, người dân có thể trình báo đến cơ quan công an nơi gần nhất để có biện pháp xử lý kịp thời; tuyệt đối không cung cấp các thông tin của bản thân cho các đối tượng gọi điện thoại đòi nợ để tránh tiếp tục mắc bẫy “tín dụng đen”./.
Kiên Định