Tiếng Việt | English

23/11/2022 - 09:18

Chấm dứt bạo lực, vun đắp yêu thương

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Công dân đều bình đẳng trước pháp luật. Đàn bà có quyền bình đẳng với đàn ông về các mặt chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và gia đình”. Kế thừa tư tưởng tiến bộ của Bác về vấn đề bình đẳng giới (BĐG), Đảng và Nhà nước ta có nhiều chủ trương, chính sách phù hợp để phát huy vai trò, thế mạnh của phụ nữ.

Thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, tỉnh nỗ lực triển khai, thực hiện công tác BĐG, phòng, chống bạo lực (PCBL) trên cơ sở giới và đạt nhiều kết quả tích cực. Tất cả lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội đều có sự tham gia của phụ nữ và nam giới. Tỷ lệ cán bộ nữ giữ chức danh lãnh đạo, quản lý các cấp và lao động nữ tham gia vào thị trường lao động ngày càng tăng (tham gia cấp ủy Đảng các cấp nhiệm kỳ 2020-2025 có 712 nữ/3.018 người, chiếm 23,59%, tăng 3,36% so với nhiệm kỳ trước; nữ được tạo việc làm ước đạt 51%). Điều này cho thấy, các tầng lớp phụ nữ ngày càng khẳng định được vai trò, vị thế của mình trong gia đình và ngoài xã hội. Nhận thức của toàn xã hội về đấu tranh, phòng ngừa bạo lực gia đình, bất BĐG từng bước được nâng cao. Từ đó, góp phần giảm số vụ bạo lực gia đình (năm 2021 giảm 43 vụ so với năm 2020).

Tuy nhiên, hiện nay, bất BĐG vẫn xảy ra ở nhiều gia đình, từ thành thị đến nông thôn, bởi còn quan niệm “trọng nam, khinh nữ”. Nhiều gia đình dù đã có 2 con gái nhưng vẫn muốn con dâu, vợ sinh thêm con trai để “nối dõi tông đường”. Chính bất BĐG đã dẫn đến tình trạng bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái.

UBND tỉnh Long An vừa tổ chức Lễ phát động Tháng hành động Vì BĐG và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới năm 2022 (từ ngày 15/11 đến 15/12), với mong muốn tác động đến từng người dân, gia đình, cộng đồng, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, tăng quyền năng và tạo cơ hội cho phụ nữ, trẻ em gái, qua đó, thúc đẩy BĐG, xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ, trẻ em gái. Hàng loạt thông điệp đã và đang lan tỏa trong tháng hành động năm nay: Thực hiện BĐG là tiêu chí của tiến bộ, văn minh; BĐG là chìa khóa để chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ, trẻ em; Hãy tố cáo hành vi bạo lực, xâm hại tình dục đối với phụ nữ và trẻ em; Im lặng không phải là cách để bảo vệ bản thân và nạn nhân bị bạo lực, xâm hại;...

Để tháng hành động đạt hiệu quả cũng như góp phần thực hiện thành công các mục tiêu của Chiến lược Quốc gia về BĐG, Luật BĐG và Luật PCBL gia đình, các cấp ủy, chính quyền, UBMTTQ, tổ chức chính trị - xã hội và Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ tỉnh tiếp tục quán triệt sâu sắc, triển khai hiệu quả chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các kế hoạch, chương trình của UBND tỉnh về BĐG và PCBL trên cơ sở giới. Tiếp tục lồng ghép Chương trình PCBL gia đình, BĐG trong chương trình, kế hoạch phát triển KT-XH của các cấp, các ngành; thực hiện tốt các chương trình phát triển kinh tế, giảm nghèo, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, ổn định đời sống gia đình. Quan tâm xây dựng các mô hình thúc đẩy BĐG trong những lĩnh vực có nguy cơ bất BĐG cao nhằm bảo đảm an sinh xã hội, tăng quyền năng và cơ hội cho phụ nữ, trẻ em gái.

Các cơ quan, đơn vị, địa phương, tổ chức, doanh nghiệp đẩy mạnh tuyên truyền, vận động cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và mọi người dân, đặc biệt là nam giới tích cực tham gia hưởng ứng Tháng hành động Vì BĐG và PCBL trên cơ sở giới bằng những việc làm thiết thực, cụ thể, góp phần triển khai, thực hiện hiệu quả các mục tiêu về BĐG. Tổ chức các hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức, vận động hưởng ứng tháng hành động phù hợp với từng địa phương, đơn vị; tạo phong trào thi đua trong gia đình và toàn xã hội về thực hiện công tác BĐG, ngăn ngừa, giảm thiểu tác hại của bạo lực trên cơ sở giới; đẩy mạnh thực hiện phong trào xây dựng gia đình văn hóa, nếp sống văn minh, gia đình không có bạo lực.

Đồng thời, thực hiện các giải pháp phòng ngừa, can thiệp, trợ giúp kịp thời đối với các nạn nhân bị bạo lực gia đình và bạo lực trên cơ sở giới; kịp thời lên án đối với các hành vi phân biệt đối xử, bạo lực, ngược đãi, xâm hại phụ nữ và trẻ em gái. Đặc biệt, phụ nữ và trẻ em gái cần phấn đấu học tập, lao động, tiếp thu kiến thức, kỹ năng để tự bảo vệ mình và mạnh dạn lên tiếng khi bị phân biệt đối xử, bạo lực.

Vì cộng đồng an toàn, bình đẳng, không bạo lực, xâm hại; vì hạnh phúc của mỗi gia đình, mọi người dân hãy cùng lên tiếng, cùng hành động để thông điệp “Chấm dứt bạo lực, vun đắp yêu thương” được lan tỏa sâu, rộng trong mỗi cá nhân, gia đình và cộng đồng, góp phần xóa bỏ bất BĐG và chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái, cùng nhau hướng đến một xã hội không còn bất BĐG./.

Thanh Tuyền

Chia sẻ bài viết