Theo CNN, dù không chắc bề mặt hành tinh này có đất đá, nước hay không khí như trên trái đất, đây là một trong những hành tinh giống với Trái đất nhất mà NASA từng phát hiện ra.
Trái đất (trái) bé hơn một chút so với hành tinh Kepler-452b (Ảnh NASA)
“Ngày hôm nay, Trái đất sẽ ít cô đơn hơn”, nhà nghiên cứu Jon Jenkins tuyên bố.
Hành tinh mang tên Kepler-452b, nằm cách Trái đất khoảng 1.400 năm sánh sáng trong chòm sao Thiên Nga. Hành tinh này có diện tích lớn hơn khoảng 60% so với Trái đất và nằm trong khu vực có thể có người sinh sống trong chòm sao này.
Theo các nhà khoa học, trọng lực trên hành tinh Kepler-452b gấp đôi ở Trái đất và nhiều khả năng bề mặt của hành tinh này cũng gồ ghề đất đá.
Dù nằm cách xa ngôi sao của mình hơn là khoảng cách từ Trái đất đến Mặt trời, nhưng ngôi sao của hành tinh Kepler-452b lại sáng hơn Mặt trời. Chính vì thế, hành tinh này nhận được nguồn năng lượng tương đương với Trái đất và ánh sáng từ ngôi sao đến Kepler-452b khá tương tự với ánh sáng từ Mặt trời đến Trái đất, ông Jenkins nói.
Hành tinh này “chắc chắn có bầu khí quyển”, ông Jenkins nói dù chưa rõ bầu khí quyển này được tạo ra từ vật chất nào. Tuy nhiên, nếu phỏng đoán của các nhà địa chất học là chính xác, bầu khí quyển của hành tinh Kepler-452b dầy hơn Trái đất và hành tinh này có thể có các núi lửa đang hoạt động.
Kepler-452b mất 385 ngày để quay hết một vòng xung quanh ngôi sao của mình, khá sát với 365 ngày mà Trái đất quay hết một vòng xung quanh Mặt trời.
Ngoài ra, việc hành tinh này có tuổi thọ lên đến 6 tỷ năm, rất có khả năng sự sống đã sinh sôi trên đó, ông Jenkins nói.
“Cơ hội để có sự sống trên đó có thể sẽ tăng lên nếu như mọi điều kiện để sự sống tồn tại trên đó đều được đáp ứng”, ông Jenkins nói thêm.
NASA cho biết, trước khi phát hiện ra hành tinh Kepler-452b, thì hành tinh Kepler-186f được coi là gần giống Trái đất nhất. Hành tinh này nằm cách Trái đất khoảng 600 năm ánh sáng nhưng chỉ nhận được nguồn năng lượng từ ngôi sao của mình bằng 1/3 so với nguồn năng lượng mà Trái đất nhận được từ Mặt trời và bầu trời giữa trưa tại đây không khác gì giữa đêm ở Trái đất.
Dự án trị giá 600 triệu USD Kepler được khởi công từ năm 2009 với mục tiêu nghiên cứu toàn bộ Dải Ngân hà để tìm ra những hành tinh có sự sống.
Nằm cách Trái đất khoảng 102 triệu km, tàu vũ trụ Kepler có nhiệm vụ theo dõi ánh sáng phát ra từ những ngôi sao ở rất xa và tìm ra những vệt tối hầu như cực kỳ khó phát hiện ra ở ngôi sao này- dấu hiệu cho thấy một hành tinh có thể đang bay qua đó.
Tàu này đã phát hiện ra khoảng 1.000 hành tinh như vậy, trong đó có 12 hành tinh có diện tích chỉ chưa gấp đôi Trái đất và nằm trong khu vực nhiều khả năng có sự sống.
Dự kiến đến năm 2017, NASA sẽ phóng một vệ tinh mang tên TESS nhằm cung cấp cho các nhà khoa học những thông tin chi tiết về kích cỡ, khối lượng và bầu khí quyển của các hành tinh quay xung quanh các ngôi sao.
Sau đó, năm 2017, hệ thống ống kính thiên văn vũ trụ James Webb sẽ được phóng lên và cung cấp thông tin về màu sắc, sự thay đổi mùa, thời tiết của một hành tinh cụ thể và thậm chí cả việc liệu trên hành tinh nào đó có rau hay không./.
Trần Khánh/VOV.VN