Tiếng Việt | English

19/01/2021 - 10:41

Chăn nuôi an toàn sinh học: Hướng phát triển bền vững

Chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học (ATSH) giúp kiểm soát được dịch bệnh, bảo vệ đàn vật nuôi, hạn chế ô nhiễm môi trường, hướng đến phát triển nền nông nghiệp bền vững và tăng thu nhập cho người chăn nuôi. Đây cũng là một trong những biện pháp tối ưu để bảo vệ đàn vật nuôi trong tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp như hiện nay.

Các hộ chăn nuôi cần tiêm phòng theo lịch để phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi. Ảnh: Lê Ngọc

Hạn chế dịch bệnh

Hiện nay, ở vùng nông thôn, thậm chí các hộ chăn nuôi với quy mô lớn, người dân thường xây dựng chuồng trại ngay sau vườn, gần nhà ở hoặc gần khu dân cư. Điều này không chỉ dễ dẫn đến ô nhiễm môi trường mà còn xảy ra dịch bệnh, ảnh hưởng đến kinh tế của người chăn nuôi. Xác định được vấn đề này, ngành Nông nghiệp tỉnh tăng cường hướng dẫn người dân chăn nuôi theo hướng ATSH để vừa chủ động phòng, chống dịch bệnh, vừa bảo vệ môi trường.

Anh Nguyễn Chí Tâm, ngụ thị trấn Bình Phong Thạnh, huyện Mộc Hóa, cho biết: “Năm 2019, đàn heo của tôi bị dịch tả heo châu Phi dẫn đến thiệt hại trên 150 triệu đồng, được chính quyền địa phương hỗ trợ 75 triệu đồng. Qua đợt dịch tả heo châu Phi, tôi tiếp tục tái đàn nhưng thay đổi phương thức chăn nuôi theo hướng ATSH để bảo vệ đàn heo. Cụ thể, gia đình tôi thiết kế lại chuồng trại theo hướng khép kín, hạn chế các con vật khác và người lạ ra, vào chuồng trại. Tôi còn sát trùng chuồng trại, tiêm các loại vắc-xin cho đàn heo theo khuyến cáo của ngành Thú y. Nhờ vậy, đàn heo được phục hồi, xuất bán trên 30 con. Dự kiến, Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, tôi sẽ bán ra thị trường khoảng 50 con với giá trên 8 triệu đồng/tạ”.

Chăn nuôi an toàn sinh học là cách để bảo vệ đàn vật nuôi

Gia đình chị Võ Thị Thắm, ngụ ấp 5, xã Tân Thành, huyện Tân Thạnh, có kinh nghiệm 8 năm chăn nuôi gà. Chị được cán bộ Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện tạo điều kiện tham gia các lớp tập huấn về ATSH; đồng thời, hỗ trợ mua con giống chất lượng, bảo đảm nguồn gốc. Sau khi tham gia các lớp tập huấn, chị Thắm mạnh dạn đầu tư chuồng trại theo mô hình khép kín, cách xa nhà ở. Chị Thắm trải lòng: “Mặc dù số lượng ít, mỗi lần thả nuôi chỉ vài trăm con nhưng gia đình tôi đặc biệt quan tâm đến chăn nuôi theo hướng ATSH. Theo đó, chuồng gà được thiết kế khép kín, nước uống của gà được khoan giếng riêng, sau đó cho qua hệ thống lọc; đồng thời, cũng thiết kế một khu riêng để khi có gà bị bệnh sẽ cách ly ngay để tránh lây lan sang các con khác. Thông thường, gà từ khi thả đến xuất bán khoảng 4 tháng. Trong khoảng thời gian này, tôi tiêm phòng vắc-xin ít nhất 10 lần cho đàn gà; đồng thời, vệ sinh máng ăn mỗi ngày và sát trùng, vệ sinh chuồng trại hàng tuần. Nhờ vậy, đàn gà của tôi luôn được bảo vệ tốt, ít thiệt hại trong quá trình chăn nuôi, từ đó kinh tế gia đình ngày càng ổn định”.

Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mộc Hóa - Nguyễn Thanh Nam cho biết: “Hiện nay, tổng đàn gia súc, gia cầm của huyện trên 75.600 con, trong đó heo trên 1.460 con, gà trên 20.300 con, vịt trên 48.550 con,... Để phòng, chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm, thời gian qua, huyện thực hiện tốt việc tiêm phòng các loại vắc-xin như cúm gia cầm H5N1, lở mồm long móng, tụ huyết trùng,… Ngoài ra, huyện còn thực hiện tốt Tháng hành động vệ sinh, tiêu độc, khử trùng, tổ chức phun khử trùng, tiêu độc tại hơn 1.400 hộ chăn nuôi và 2 điểm buôn bán sản phẩm động vật. Song song đó, ngành Nông nghiệp huyện tích cực tuyên truyền, vận động người dân chăn nuôi theo hướng ATSH. Khi xảy ra tình trạng bất thường trên đàn gia súc, gia cầm phải báo với ngành chức năng, tuyệt đối không vứt xác động vật xuống kênh hoặc xẻ thịt bán. Thông qua các biện pháp trên, tình hình dịch bệnh trên gia súc, gia cầm của huyện được kiểm soát, chưa ghi nhận có ca bệnh hoặc nghi nhiễm bệnh”.

Tiếp tục nâng cao ý thức người chăn nuôi

Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Cần Đước - Nguyễn Thị Cẩm Vân cho biết: “Cần Đước cùng với Châu Thành, Tân Trụ và Cần Giuộc là 4 huyện được chọn để thực hiện dự án LIFSAP, một trong những dự án đưa kỹ thuật chăn nuôi ATSH đến gần với người dân hơn. Dự án đã được triển khai từ cuối năm 2012 đến 2015. Có thể nói, quy trình chăn nuôi sạch chính là “linh hồn” của dự án. Người chăn nuôi khi tham gia dự án ngoài nhận được các hỗ trợ để nâng cấp chuồng trại, còn được phổ biến các kiến thức đề phòng dịch bệnh cho đàn vật nuôi”.

Theo thống kê của Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh, đến cuối năm 2020, tổng đàn heo trên địa bàn tỉnh khoảng 71.000 con, đàn trâu, bò trên 127.000 con và trên 9 triệu con gia cầm. Số cơ sở chăn nuôi là 499 cơ sở, trong đó, heo trên 100 con là 33 cơ sở, gia cầm trên 2.000 con là 466 cơ sở. Hiện toàn tỉnh có 29 cơ sở được chứng nhận an toàn dịch bệnh, trong đó, an toàn dịch bệnh cúm H5N1 trên gia cầm là 25 cơ sở, an toàn lở mồm long móng trên bò là 3 cơ sở và an toàn dịch bệnh dịch tả heo cổ điển và lở mồm long móng trên heo là 1 cơ sở.

Tuy nhiên, nhìn chung, người dân trên địa bàn tỉnh hiện nay chủ yếu vẫn chăn nuôi theo hình thức nhỏ, lẻ, phân tán, chăn nuôi hộ gia đình, chưa bảo đảm an toàn dịch bệnh, vệ sinh thú y và vệ sinh môi trường. Ngoài ra, việc đầu tư áp dụng quy trình kỹ thuật, công nghệ mới trong chăn nuôi, quy trình xử lý nước thải, chất thải cũng còn hạn chế,... Đây là những nguyên nhân dẫn đến các dịch bệnh trên heo vẫn còn xảy ra, gây thiệt hại kinh tế lớn cho người chăn nuôi, như dịch tả heo châu Phi, lở mồm long móng, cúm gia cầm H5N1, cúm gia cầm H5N6,…

Theo Phó chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh - Huỳnh Thị Kim Phượng, hiện nay, để bảo vệ đàn vật nuôi và giảm thiểu thiệt hại do dịch bệnh gây ra, điều cần thiết nhất vẫn là ý thức của người chăn nuôi. Theo đó, người dân tuyệt đối không được bán hoặc đưa vật nuôi bệnh, chết ra khỏi chuồng trại. Đối với vật nuôi chết, cần được xử lý ngay trong khuôn viên chuồng trại theo quy định của thú y để giảm thiểu rủi ro, nguy cơ lây lan dịch bệnh. Bên cạnh đó, người chăn nuôi cũng nên hạn chế cho vật nuôi ăn thức ăn thừa không qua nấu chín vì trong thức ăn có thể lẫn thịt động vật và các sản phẩm chế biến từ động vật nhiễm bệnh.

Song song đó, người chăn nuôi bên ngoài, người tiếp xúc với vật nuôi (người mua bán, vận chuyển) không được tự do ra, vào chuồng trại; hạn chế tối đa các loại xe ra, vào chuồng trại, nếu bắt buộc phải cho xe vào thì phải khử trùng theo quy định; tuyệt đối cấm xe chở phân, vỏ bao, cám, thuốc vào khu vực chăn nuôi; các xe cung ứng cám, thuốc cần thiết vào trại cần sát trùng kỹ, cách ly và dừng đỗ tại những nơi quy định,... Ngoài ra, các chuồng trại chăn nuôi khi thiết kế phải có khu cách ly, mỗi khi nhập vật nuôi mới về phải cách ly ít nhất từ 20-30 ngày để bảo đảm an toàn về bệnh dịch sau khi cắt đàn và loại bỏ nguy cơ mang mầm bệnh từ bên ngoài vào chuồng trại.

“Thời gian tới, các ngành chuyên môn tiếp tục tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn kỹ người chăn nuôi về kỹ thuật, cách thức áp dụng các biện pháp ATSH; đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức người dân về chăn nuôi ATSH để bảo vệ sức khỏe đàn vật nuôi và tăng thu nhập cho người dân” - bà Phượng cho biết thêm./.

Những đặc điểm nổi bật của chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học là giữ khoảng cách giữa các trang trại, các vùng chăn nuôi với nhau và với cộng đồng; quản lý chặt chẽ từ con giống đến thức ăn, nguồn nước; giữ vệ sinh cho vật nuôi và cả người nuôi ở mức độ cao nhất; liên tục khử trùng, vệ sinh chuồng trại, vùng nuôi; tiêm ngừa các loại vắc-xin theo khuyến cáo của ngành Thú y,... Qua đó, góp phần hạn chế dịch bệnh hoặc lây lan dịch bệnh sang các hộ chăn nuôi khác. Do đó, phương pháp chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học được xem là giải pháp giúp ngành Nông nghiệp phát triển theo hướng bền vững.

Lê Ngọc - Bùi Tùng

Chia sẻ bài viết