“Chất Huế” trong những cơn mưa
Mưa Huế
“Chất Huế” chính là “đặc sản” mưa Huế. Huế là vùng có lượng mưa trong năm cao nhất nước. Do đó, cơn mưa trở nên thân thuộc với cuộc sống của người dân Huế. Con người Huế sống với mưa, từ sinh hoạt, sản xuất đến cả hoạt động văn hóa, giải trí - một điểm khác lạ so với những vùng, miền khác ở Việt Nam.
Nói về mưa Huế, nhà thơ Tố Hữu đã viết trong bài thơ Nước non ngàn dặm rằng: “Nỗi niềm chi rứa Huế ơi/ Mà mưa xối xả trắng trời Trị Thiên”.
Trong Căn cước xứ mưa, nhà văn xứ Huế Lê Vũ Trường Giang khắc họa: “Cơn mưa xứ sở đầy bí ẩn và mê hoặc... Tôi sinh vào mùa mưa, mở mắt ra đã thấy mưa, mưa vào lời ru, mưa đưa nôi, mưa qua chiếc nón mẹ che, mưa về trên lối mòn cỏ ướt, mưa đưa tôi đi học, mưa theo ba vào núi, mưa ướt tuổi thơ, mưa ươm tuổi trẻ... Không ai than trách mưa, mưa là quà tặng xứ sở, mấy trăm năm qua gieo giọt trên mảnh đất này. Cơn mưa còn là đề tài bất tận của nghệ thuật: Mưa vào thi ca, mưa trên khuôn nhạc, mưa trong tranh...”.
Và như một nỗi niềm day dứt chung, nhà báo Văn Công Toàn (nguyên Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam tại Huế) cũng đã viết: “Chưa ướt tóc nghĩa là chưa yêu Huế”.
Bởi thế nên du khách khi không về thăm Huế vào mùa mưa cũng đều rất nuối tiếc: “Khi mô anh về thăm Huế xưa/ Nhớ gửi giùm em một chút mưa” và sẽ phải “Hẹn Huế mùa sau sẽ về thăm/ Thăm từng cái lạnh giấu trong chăn/ Nghe mưa rả rích trong đêm vắng/ Để nhớ vô cùng những tháng năm” (thơ của Hồ Đắc Thiếu Anh).
“Chất Huế” trong văn hóa ăn, mặc, ở
Nét tinh xảo của pháp lam Huế
“Chất Huế” được thể hiện rõ trong văn hóa ẩm thực đặc trưng của người Huế. Nhà văn người Hà Nội - Nguyễn Tuân, một người am hiểu Huế, từng nhận xét người Huế “ăn bằng mắt nhiều hơn bằng miệng” với những miêu tả đầy thi vị rằng: “Những cái đĩa nho nhỏ, những cái chén xinh xinh, trên đó sắc màu của những miếng chín hài hòa giữa một bức tranh tĩnh vật ngon lành”. Huế có bún bò Huế, cơm hến Huế, bánh bèo Huế, bánh bột lọc nhân tôm Huế, thanh trà Huế, mè xửng Huế, chè hạt sen Huế, ruốc Huế, tôm chua Huế và tré Huế. Đây chính là 10 đặc sản ẩm thực của Huế lọt vào tốp Đặc sản Việt Nam lần thứ nhất (năm 2012). Đặc biệt, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam đã công nhận mè xửng Huế nằm trong tốp 50 đặc sản quà tặng Việt Nam. Bởi thế, không lạ khi có một ai đó từng nói: Nếu thấy trong hành lý có một gói mè xửng thì hẳn nhiên người đó mới đi du lịch đến Huế về, không sai vào đâu được. Hiện nay, đề án “Huế - Kinh đô ẩm thực” đã được khởi động với mục đích hướng đến sự bảo tồn, gìn giữ và phát huy tinh hoa ẩm thực Huế, nâng cao hình ảnh của ẩm thực Huế trong khu vực và trên thế giới.
“Chất Huế” chính là tà áo dài của những người con gái xứ Huế. Ngược về quá khứ, Huế là nơi ra đời chiếc áo dài truyền thống của dân tộc. Không những chiếc áo dài đã trở thành trang phục gắn bó với truyền thống văn hóa, đời sống của xứ Huế mà hình ảnh tà áo dài cũng đã trở thành biểu tượng của người con gái Huế, của du lịch Huế, quyến rũ biết bao lữ khách. Đề án “Huế - Kinh đô áo dài Việt Nam” hiện nay cũng đã được tiến hành để nâng tầm chiếc áo dài xứ Huế.
“Chất Huế” chính là nếp sống của người dân Huế xưa còn lưu giữ ở các các vương phủ, nhà vườn. Có phần cường điệu, nhưng không phải phi lý khi Nguyễn Khắc Phê, một nhà văn xứ Huế, đã nói: “Đến Huế, mà chưa thảnh thơi dạo bước vào chơi dăm ba ngôi nhà vườn đẹp nhất, hay chưa ghé thăm một vài vương phủ ở chốn cựu kinh, thì coi như... chưa đến”. Bên cạnh đó, du khách muốn thưởng thức “hồn xưa nét Huế”, hãy đến với làng cổ Phước Tích. Ngôi làng cổ này đã trên 500 năm tuổi, được đánh giá là ngôi làng vẫn gìn giữ được vẻ đẹp nguyên sơ của đời sống sinh hoạt làng quê cổ. Bên cạnh đó, Huế có đến 2 khu phố cổ là Bao Vinh và Gia Hội. Đối với phố cổ Gia Hội, đây là cả một hệ thống nhà cổ, nhà vườn, chùa chiền, phủ đệ,... đặc trưng của người Huế xưa. Còn đối với khu phố cổ Bao Vinh, nơi đây từng là một thương cảng nhộn nhịp nhất xứ Huế, có phần sầm uất hơn cả Hội An của Quảng Nam.
Những “chất Huế” rất riêng khác
Nhà nghiên cứu Huế - Nguyễn Đắc Xuân từng đưa ra 4 nhận xét về du lịch Huế: “Độc đáo không nơi nào có được, các nơi khác cũng có nhưng không bằng Huế, đã được quốc tế công nhận và còn nhiều bí ẩn đang chờ khám phá”.
Nét độc đáo của Huế là có núi Ngự - bức bình phong màu xanh gắn liền với sông Hương tươi mát chảy vào lòng thành phố di sản: “Con sông dùng dằng, con sông không chảy/ Sông chảy vào lòng nên Huế rất sâu”. Núi Ngự và sông Hương là những “Thần kinh nhị thập cảnh” (20 cảnh đẹp chốn Kinh đô Huế) do Hoàng đế Thiệu Trị lựa chọn, gồm: “Bình Lãnh Đăng Cao (cảnh núi Ngự), “Hương Giang Hiểu Phiếm” (cảnh sông Hương) và “Trạch Nguyên Tao Lộc” (cảnh đầu nguồn sông Hương). Hàng năm, vào mùa lụt, nước sông Hương dâng cao có thể gây ngập úng cho TP.Huế và các vùng lân cận nhưng nhờ phù sa sau mỗi trận lụt, các miệt vườn như Nguyệt Biểu với đặc sản là trái thanh trà; Kim Long với măng cụt, các triền ven sông với bắp,... sẽ tốt tươi hơn. Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường trong Ai đã đặt tên cho dòng sông? đã viết: “Sông Hương khi về đồng bằng đã thay đổi tính cách, sông như đi chế ngự bản năng của người con gái để mang một sắc đẹp dịu dàng và trí tuệ trở thành phù sa của một vùng văn hóa xứ sở”.
Huế có Ca Huế. Đây là sự giao thoa, tiếp thu văn hóa giữa Nhã nhạc cung đình và ca hát dân gian xứ Huế. Ca Huế được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia và sắp tới, tỉnh Thừa Thiên - Huế sẽ làm hồ sơ trình Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO) công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Cầu Trường Tiền về đêm (Ảnh: INTERNET)
Đến Huế, du khách cần phải một lần đến cầu Trường Tiền ngắm cảnh. Cầu Trường Tiền là cây cầu đẹp nhất xứ Huế hiện nay. Nhiều du khách đã chờ đêm xuống để ngắm cầu Trường Tiền nổi bật và rực rỡ như một cầu vồng với những ánh đèn điện đủ sắc màu. Bởi thế mà nhà nghiên cứu Huế - Trần Kiêm Đoàn từng nhận định rằng: “Đến Huế mà chưa đứng trên cầu là chưa vô tới Huế, chỉ mới tạt qua Huế mà thôi”.
Du khách tham quan chùa Từ Hiếu
Bên cạnh đó, du khách đến Huế nên đếm tham quan khu lăng mộ thái giám ở chùa Từ Hiếu, vì đây được xem là “độc nhất vô nhị” tại Việt Nam. Ngoài ra, tranh dân gian làng Sình, hoa giấy Thanh Tiên và pháp lam (đồ đồng tráng men) Huế là những “chất Huế” rất riêng.
Chính vì vậy, khi đến với vùng đất sông Hương, núi Ngự, du khách sẽ được trải nghiệm “chất Huế”. Và khi được trải nghiệm như vậy, du khách cảm thấy thích thú khi hiểu rõ thêm về mảnh đất Cố đô./.
Nguyễn Văn Toàn