Gaza bị đẩy tới bờ vực thẳm
Lệnh ngừng bắn do Ai Cập làm trung gian giữa Israel và Hamas, nhóm chiến binh Hồi giáo kiểm soát Dải Gaza, đã chấm dứt bạo lực ngay lập tức. Đây được xem là nhu cầu cấp bách nhất đối với một vùng lãnh thổ đã bị bao vây bởi các cuộc không kích của Israel trong 11 ngày.
Khói bốc lên sau cuộc không kích của Israel vào thành phố Gaza ngày 19/5. Ảnh: Getty Images
Các nhóm cứu trợ nhân đạo ở Dải Gaza đã phải vật lộn để ứng phó với tình trạng khẩn cấp do hậu quả của cuộc xung đột Israel – Palestine. Nhiên liệu, thức ăn, nước uống và thuốc đều khan hiếm ở Gaza. Các cuộc không kích của Israel đã tàn phá các con đường và các cơ sở hạ tầng quan trọng khác. Giao tranh khốc liệt đã khiến các nhóm nhân đạo và nhân viên khó có thể tiếp cận những người đang trong tình trạng nguy cấp nhất.
Hiện tại, Dải Gaza không còn là khu vực xảy ra xung đột, nhưng tình trạng khẩn cấp vẫn chưa hoàn toàn giảm bớt. Các cuộc không kích của Israel đã phá hủy các tòa nhà cao tầng và biến nhà cửa thành đống đổ nát. Israel cho biết họ đang nhắm mục tiêu vào Hamas và các hệ thống khác của lực lượng này, bao gồm các bệ phóng tên lửa và đường hầm, nhưng những mục tiêu đó thường xen lẫn với các trường học, bệnh viện và các tòa nhà dân cư.
ADVERTISEMENT
Theo Bộ Công trình Công cộng và Xây dựng nhà ở của Gaza, trước khi Israel và Palestine đạt được thỏa thuận ngừng bắn, khoảng 230 tòa nhà bao gồm hơn 991 nhà ở đã bị phá hủy cùng hàng trăm tòa nhà khác bị hư hại nghiêm trọng. Hơn 72.000 người đã phải di dời trong tuần trước và khoảng 56.000 người, với một nửa trong số đó là trẻ em, phải tìm nơi trú ẩn trong các trường học do Cơ quan của Liên Hợp Quốc về cứu trợ cho người tị nạn Palestine (UNRWA) điều hành.
Một số người dự định sẽ trở về nhà sau khi cuộc xung đột đã tạm dừng. Tuy nhiên, nguồn nước uống sạch vẫn khan hiếm do một số cơ sở nước ở Gaza bị hư hại cũng như thiếu nhiên liệu để vận hành các hệ thống. Khoảng 800.000 người chưa thể tiếp cận với nguồn nước máy an toàn, theo Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên Hợp Quốc (OCHA).
Nguồn điện cũng bị thiếu hụt, trong thời gian xảy ra xung đột, điện chỉ có vài giờ mỗi ngày. Tình trạng mất điện đã ảnh hưởng đến những bệnh viện, nơi đang sử dụng máy phát điện để phẫu thuật và điều trị cho các bệnh nhân bị thương. Ngoài ra, vật tư và thiết bị y tế cũng thiếu hụt trầm trọng.
Hệ thống y tế ở Dải Gaza vốn đã chịu áp lực từ đại dịch Covid-19, nay lại đối mặt những khó khăn đến từ các cuộc giao tranh với Israel gây ra. Ngày càng có nhiều lo ngại rằng số ca mắc Covid-19 sẽ tăng do bạo lực đã buộc một số người phải đến nơi trú ẩn đông đúc và chiến dịch tiêm chủng tại Gaza phải tạm dừng.
Các tổ chức viện trợ quốc tế và các nhóm nhân đạo đang gấp rút đáp ứng nhu cầu của người dân ở Dải Gaza và chuẩn bị cho quá trình tái thiết.
Mặc dù các quan chức Israel cho biết, họ đã tìm cách giảm thiểu thương vong cho dân thường, nhưng số người thiệt mạng rất đáng kể: hơn 240 người Palestine đã thiệt mạng, trong đó có hơn 60 trẻ em, và hơn 6.700 người bị thương.
Khủng hoảng nhân đạo ở Gaza vẫn chưa kết thúc
Dải Gaza, rộng khoảng 360km2, là nơi sinh sống của khoảng 2 triệu người Palestine. Đây là một trong những nơi đông dân nhất trên thế giới.
Kể từ khi nhóm phiến quân Hồi giáo Hamas giành quyền kiểm soát Gaza vào năm 2007, Israel đã áp đặt lệnh phong tỏa dòng chảy hàng hóa thương mại vào vùng lãnh thổ này. Điều này đã làm suy yếu nền kinh tế và ngăn chặn các nhu cầu thiết yếu của người Palestine. Bởi lý do này, Gaza thường được mô tả như một “nhà tù ngoài trời”.
Các cuộc chiến tranh giữa Hamas và Israel đã làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng nhân đạo ở Dải Gaza. Israel và lực lượng Hamas đã xảy ra các cuộc chiến tranh vào năm 2009, 2012 và 2014.
Dải Gaza sau đó đã bị mắc kẹt trong tình trạng khủng hoảng nhân đạo, cuộc chiến Israel - Hamas làm mọi thứ càng trở nên thảm khốc. Nhiều tổ chức phi chính phủ quốc tế, khu vực và địa phương và các cơ quan do Liên Hợp Quốc tài trợ, như UNICEF và UNRWA đã giúp phát triển kinh tế, nông nghiệp và các chương trình sức khỏe tâm thần. Nhưng hiện tại phần lớn sứ mệnh đã chuyển sang việc cố gắng đáp ứng những nhu cầu cấp thiết nhất của người dân ở Gaza.
Người dân nhận các gói viện trợ thực phẩm do các quan chức của Tổ chức Bác sĩ Toàn cầu Thổ Nhĩ Kỳ phân phát ở thành phố Gaza. Ảnh: Getty Images
Thỏa thuận ngừng bắn giữa Israel và Hamas đã cho phép gia tăng dòng chảy hàng hóa, vốn đã bị chậm lại trong cuộc giao tranh do biên giới bị đóng cửa.
Xung đột Israel – Palestine cũng gây khó khăn cho việc cung cấp viện trợ. Hozayfa Yazji, quản lý khu vực ở Gaza của Hội đồng Người tị nạn Na Uy (NRC) cho biết, sự bất an đã khiến “không có cách nào an toàn cho các nhân viên nhân đạo của chúng tôi có thể cung cấp viện trợ”.
Theo Vox, lệnh ngừng bắn đã loại bỏ trở ngại lớn nhất đối với việc cung cấp viện trợ. Thực phẩm, bộ dụng cụ sơ cứu, thuốc và nhiên liệu đang đến gần với người dân ở Gaza. Các nhóm nhân đạo đang gấp rút cung cấp viện trợ càng sớm càng tốt để đảm bảo họ có thể tìm thấy những gia đình đang gặp khó khăn nhất.
Chìm trong nhiều năm xung đột, hệ thống y tế tại vùng lãnh thổ hơn 2 triệu dân luôn trong tình trạng dễ bị tổn thương. Sự phong tỏa gần 14 năm do Israel và Ai Cập áp đặt đã bóp nghẹt cơ sở hạ tầng của Dải Gaza. Các nhân viên viện trợ cho biết các bệnh viện thiếu thiết bị và vật tư y tế như túi máu.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), 19 cơ sở y tế ở Dải Gaza đã bị hư hại. Một phòng khám chăm sóc sức khỏe ở phía Bắc Gaza đã bị phá hủy và phòng khám chăm sóc vết thương và bỏng của tổ chức bác sĩ không biên giới (MSF) đã hư hại trong một cuộc không kích của Israel. Không ai tại phòng khám bị thương, nhưng theo MSF, vụ không kích đã phá hủy căn phòng tiệt trùng thiết bị y tế của họ. Phòng khám, nơi điều trị khoảng 1.500 bệnh nhân/năm, đã phải đóng cửa.
Natalie Thurtle, điều phối viên y tế của MSF tại các vùng lãnh thổ của Palestine cho biết, việc đóng cửa phòng khám đồng nghĩa với việc những người bị thương không quá nghiêm trọng sẽ được chuyển đến các bệnh viện, nơi đang phải điều trị những bệnh nhân bị thương nặng hơn do cuộc không kích.
Lo ngại về sự bùng phát trở lại của đại dịch Covid-19 ở Gaza cũng tăng lên. Một vụ nổ đã phá hủy phòng thí nghiệm duy nhất của Gaza để xử lý một số lượng hạn chế các mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2. Khi hàng chục nghìn người phải sơ tán, nhiều người tìm kiếm sự an toàn trong các trường học hoặc nơi trú ẩn đông đúc, hoặc chuyển đến sống cùng với các thành viên khác trong gia đình, khiến cho việc giãn cách xã hội là điều không thể.
Cuộc xung đột Israel – Palestine cũng làm gián đoạn chiến dịch tiêm vaccine Covid-19 của Gaza. WHO đang gửi khoảng 10.000 liều vaccine Sinopharm của Trung Quốc tới Gaza. Nhưng ngay cả với khoản viện trợ đó, nhiều nhân viên nhân đạo lo ngại sự hỗn loạn và bấp bênh hiện tại ở Gaza có thể khiến cho dịch Covid-19 bùng phát trở lại.
Lệnh ngừng bắn giữa Israel – Palestine là bước đầu tiên giúp các nguồn viện trợ quan trọng được cung cấp dễ dàng, nhưng nó sẽ không sớm chấm dứt cuộc khủng hoảng đang diễn ra ở Dải Gaza. Cuộc khủng hoảng nhân đạo ở vùng lãnh thổ nghèo khó này vẫn còn tiếp diễn.
“Người dân ở Gaza sẽ không thể phục hồi dễ dàng sau những điều này”, Natalie Thurtle, điều phối viên y tế của MSF nói.
Hàng chục nghìn người Palestine đã mất nhà cửa, những cơ sở hạ tầng quan trọng, vốn đã mỏng manh, sẽ phải xây dựng lại. Các nhóm nhân đạo cho biết, một thế hệ khác ở Gaza sẽ bị tổn thương tâm lý bởi chiến tranh. Theo OCHA, hơn 40 trường học đã bị hư hại trong các cuộc không kích. NRC đã cung cấp dịch vụ hỗ trợ tâm lý cho khoảng 75.000 trẻ em từ 5-15 tuổi ở Gaza.
Trong số hàng chục trẻ em ở Gaza thiệt mạng trong cuộc xung đột, ít nhất 11 trẻ em đã tham gia vào các chương trình của NRC, một vài trong số đó là anh chị em. Ivan Karakashian, trưởng ban vận động của NRC nói rằng, họ sẽ cung cấp chương trình giáo dục khẩn cấp và hỗ trợ sức khỏe tâm thần cho những trẻ em hiện đang ở nhà tạm lánh hoặc ở với gia đình bản xứ.
“Thỏa thuận ngừng bắn chỉ là một giải pháp khắc phục tạm thời, không giải quyết được cuộc khủng hoảng tiềm ẩn. Chúng tôi dường như chỉ đang xây dựng và khắc phục mọi thứ sau những cuộc xung đột”, Karakashian cho biết.
“Chúng tôi sẽ bắt đầu làm công việc của mình một lần nữa và xây dựng lại mọi thứ để hỗ trợ những đứa trẻ cũng như cha mẹ của chúng. Nhưng sau đó không thể biết điều gì tiếp theo sẽ xảy ra”, Yazji nói./.
Theo VOV.VN