Tiếng Việt | English

18/08/2021 - 09:37

Chiến thắng trận Mộc Hóa - Bản anh hùng ca còn vang mãi

73 năm trôi qua nhưng hào khí chiến thắng trận Mộc Hóa (18/8/1948) vẫn còn vang vọng như bản anh hùng ca của “Nam bộ thành đồng, đi trước về sau”. Đây là dấu son trong lịch sử kháng chiến chống thực dân Pháp của quân, dân tỉnh Tân An, Khu 8 và cả Nam bộ.

Trận đánh oai hùng

Trước những yêu cầu cấp bách của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, được sự đồng tình, ủng hộ của quân, dân huyện Mộc Hóa nói riêng và toàn khu vực nói chung, đầu tháng 8/1948, Bộ Tư lệnh Khu 8 quyết định lên kế hoạch tổ chức đánh trận Mộc Hóa. Lực lượng tham gia trận đánh gồm 2 đại đội (1075 và 1072) của Trung đoàn 120, Tiểu đoàn 307, Trung đội du kích tập trung của huyện và du kích 3 xã xung quanh huyện lỵ Mộc Hóa (Tuyên Thạnh, Bình Hiệp, Bình Hòa), đặt dưới sự chỉ huy chung của đồng chí Nguyễn Chánh - Tham mưu trưởng Khu 8.

Quân Pháp bị ta bắt sống trong trận Mộc Hóa

Đồn Mộc Hóa lúc bấy giờ có khoảng 60-70 quân địch đóng ở gò Bắc Chiêng (nay thuộc thị xã Kiến Tường), một vị trí quan trọng ở phía Bắc trung tâm căn cứ Đồng Tháp Mười của ta. Đồn có cấu trúc hình chữ nhật, bao bọc bởi tường đất dày, cao 2m, có lỗ châu mai với 3 lớp hàng rào kẽm gai, 4 góc có 4 lô cốt, trên có chòi canh cao 6m, trang bị 1 cối 81, 2 cối 60, 2 đại liên, 4 trung liên, còn lại là tiểu liên và súng trường. Giặc Pháp chọn xây đồn Mộc Hóa để án ngữ vùng biên giới Việt Nam - Campuchia, ngăn chặn hành lang của ta giữa Khu 8 với Khu 7 và Khu 9. Hoạt động chủ yếu của địch là tổ chức mạng lưới gián điệp, tuần tra và kiểm soát việc đi lại của quân, dân ta hai bên bờ sông Vàm Cỏ Tây.

Sau 2 tháng tích cực chuẩn bị, đêm 16/8/1948, quân và dân ta nổ súng mở đầu trận Mộc Hóa lịch sử theo chiến thuật “công đồn, đả viện”. Địch ở đồn Mộc Hóa bị tấn công đã chống trả quyết liệt. Sau 2 đợt tấn công không thành, bộ đội ta lui đội hình tổ chức công sự, tạo thế vây ép buộc địch phải tung quân ra do thám. Lợi dụng tình hình đó, bộ đội tiêu diệt từng toán nhỏ. Ngày 17/8/1948, ta phát hiện địch dùng ghe, xuồng chở quân bị thương cập bến Ông Tờn (xã Bình Hiệp), Ban Chỉ huy trận đánh linh hoạt thay đổi kế hoạch, điều Đại đội 931 của Tiểu đoàn 307 ra chặn đánh; đồng thời, Đại đội 1075 của Trung đoàn 120 tiếp tục khép chặt thế vây hãm đồn Mộc Hóa.

Khơi nguồn cho nền điện ảnh cách mạng

Ngày 18/8/1948, đúng theo dự báo, một tiểu đoàn địch từ biên giới Campuchia tiến về cứu viện đồn Mộc Hóa, bị rơi vào bẫy phục kích. Lập tức, bộ đội và du kích toàn mặt trận đồng loạt nổ súng, xung phong, chia cắt, bao vây tiêu diệt địch. Địch bị bất ngờ nên chống trả yếu ớt và rút chạy về phía biên giới ở cầu Sư Địa. Thừa thắng xông lên, quân ta tiếp tục truy kích địch gần 2km đến cầu Sáu Huê. Sau 3 ngày chiến đấu cam go, đầy mưu trí và dũng cảm, quân, dân ta đánh thiệt hại 1 tiểu đoàn của địch, bắt sống một số tên cầm đầu, trong đó có Trung úy đồn trưởng Louis Bertrand, thu hàng trăm súng các loại.

Phát biểu tại Lễ kỷ niệm 70 năm chiến thắng trận Mộc Hóa, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ - Trương Hòa Bình khẳng định: “Ngoài ý nghĩa về chiến lược, chiến thuật, chiến thắng trận Mộc Hóa còn minh chứng sự lãnh đạo tài tình và sáng suốt của Bộ Tư lệnh Khu 8, của Đảng Cộng sản Việt Nam. Cùng với chiến dịch Việt Bắc - Thu Đông 1947, chiến dịch Biên giới 1950, chiến thắng trận Mộc Hóa làm nức lòng quân, dân cả nước lúc bấy giờ, là nguồn động viên to lớn, cổ vũ quân - dân hai miền Nam, Bắc cùng nhau đoàn kết, tiếp tục vững bước tiến lên giành thắng lợi vẻ vang”.

Đặc biệt, chiến thắng trận Mộc Hóa còn là cảm hứng sáng tác thơ, nhạc, khơi nguồn cho nền điện ảnh cách mạng Khu 8 và Nam bộ. Theo lời kể của những chiến sĩ Tiểu đoàn 307, đi cùng Tiểu đoàn trong trận Mộc Hóa có Tổ Điện ảnh Khu 8, đã quay được cảnh quân ta tiến công tiêu diệt địch, bắt tù binh, thu vũ khí. Sau khi xem xong, đồng chí Lê Duẩn, lúc bấy giờ là Bí thư Xứ ủy Nam bộ, đã khen ngợi và chỉ đạo phải chiếu rộng rãi cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân cùng xem để động viên tinh thần giết giặc lập công theo lời kêu gọi “Thi đua yêu nước” ngày 11/6/1948 của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Vùng kháng chiến “thay áo mới”

Phát huy truyền thống cách mạng của quê hương, nhất là hào khí chiến thắng trận Mộc Hóa, Đảng bộ, quân và dân Mộc Hóa - Kiến Tường khắc phục khó khăn, thách thức, đạt nhiều thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực. Trong đó, các địa danh gắn liền với chiến thắng trận Mộc Hóa năm nào đã “khoác” lên mình “chiếc áo mới”. Gò Bắc Chiêng, bến Ông Tờn hay Bắc Chan từng là nơi đóng quân, huấn luyện của lực lượng vũ trang Khu 8 nay được xây dựng các bia tưởng niệm nhằm giáo dục truyền thống, lịch sử cho thế hệ trẻ.

Bia chiến thắng trận Mộc Hóa đặt tại phường 1, thị xã Kiến Tường

Nói về sự đổi thay của địa phương, Bí thư Đảng ủy xã Bình Hiệp, thị xã Kiến Tường - Lâm Hòa Đông cho biết: “Xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới năm 2014. Hiện nay, địa phương tiếp tục củng cố, nâng chất các tiêu chí, phấn đấu đạt xã nông thôn mới nâng cao. Toàn xã chỉ còn 25 hộ nghèo, chiếm 0,32%. Thu nhập bình quân đầu người trên 55 triệu đồng/năm. Đời sống nâng lên, người dân có điều kiện xây, sửa nhà, đóng góp xây dựng các công trình cộng đồng, làm thay đổi bộ mặt nông thôn”.

Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Tuyên Thạnh là căn cứ địa cách mạng ở Nam bộ và Trung Nam bộ, giữa trung tâm Đồng Tháp Mười. Năm 1946, Bộ Tư lệnh Quân khu 8 thành lập tại Bắc Chan (ấp Bình Tây, xã Tuyên Thạnh): Văn phòng Khu bộ, bệnh viện, binh công xưởng và các cơ quan khác phục vụ kháng chiến. “Người dân nơi đây với truyền thống cần cù, bất khuất và lòng yêu nước nồng nàn đã hết lòng ủng hộ, đùm bọc, nuôi giấu cán bộ cách mạng” - Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Tuyên Thạnh - Nguyễn Quang Nghiêu tự hào nói.

Dù bị bom đạn tàn phá nặng nề qua 2 cuộc kháng chiến nhưng thị xã Kiến Tường - huyện Mộc Hóa đã nỗ lực vươn lên, hàn gắn vết thương chiến tranh. Vùng đất nhiễm phèn nặng nay trở thành vùng sản xuất nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao. Nhiều công trình hạ tầng phục vụ cuộc sống người dân đều được nâng cấp, xây dựng đạt chuẩn quốc gia. Gia đình chính sách, hộ nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn đều được quan tâm, hỗ trợ kịp thời, tạo điều kiện phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống.

Gần 3/4 thế kỷ trôi qua, vùng đất Kiến Tường - Mộc Hóa có nhiều đổi thay nhưng chiến thắng trận Mộc Hóa cùng những thước phim tư liệu về trận đánh của Tiểu đoàn 307, quân và dân Khu 8 vẫn còn nguyên giá trị, trở thành dấu ấn không thể phai mờ trong tâm trí mỗi người dân hôm nay./.

Kỳ Nam

Chia sẻ bài viết