Tiếng Việt | English

19/09/2022 - 08:22

Chủ động bảo vệ lúa Thu Đông

Vụ lúa Thu Đông (TĐ) 2022, diện tích gieo sạ toàn tỉnh Long An tăng so cùng kỳ. Hiện các trà lúa phát triển tốt, ít sâu, bệnh, một số diện tích xuống giống sớm nông dân đã thu hoạch xong. Mực nước lũ đang lên, ngành Nông nghiệp tỉnh tích cực triển khai các biện pháp phòng, chống mưa, bão, nước lũ dâng, chủ động bảo vệ lúa.

Nông dân chủ động phòng ngừa sâu, bệnh trên lúa Thu Đông 2022

Tập trung sản xuất

Đến nay, nông dân trên địa bàn tỉnh gieo sạ trên 53.040ha, đạt 117,9% kế hoạch, bằng 117,8% so cùng kỳ; trong đó, đã thu hoạch trên 32.760ha, năng suất ước đạt 53 tạ/ha, sản lượng 173.803 tấn. Vụ lúa TĐ năm nay, dịch hại thấp hơn năm trước, chủ yếu là bệnh đạo ôn, cháy bìa lá, rầy nâu xuất hiện với mật độ thấp do ngành Nông nghiệp và nông dân đã tích cực phòng trị từ đầu vụ.

Theo kế hoạch, vụ lúa TĐ 2022, toàn huyện Tân Trụ sẽ xuống giống 4.429ha, giảm 516ha so với vụ Hè Thu. Đến thời điểm này, huyện đã xuống giống được 4.170ha, đạt 95% kế hoạch. Hiện các trà lúa trong giai đoạn đẻ nhánh. Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Tân Trụ - Đặng Văn Tây Lo cho biết: Nhờ chủ động nguồn nước mưa, bảo đảm phục vụ tưới, tiêu nên nông dân gieo sạ trong khung lịch khuyến cáo của huyện, tập trung xuống giống đồng loạt theo từng khu vực, từng cánh đồng. Đa số nông dân sử dụng giống lúa ST24, RVT, Nàng Hoa 9, Đài thơm 8,... là những giống lúa thơm, gạo ngon, giá bán cao hơn các loại giống khác và được thương lái ưa chuộng. Nhìn chung, các trà lúa tại địa phương đang phát triển tốt, ít dịch hại. Ngành Nông nghiệp huyện cử cán bộ kỹ thuật thường xuyên thăm đồng, hướng dẫn nông dân các biện pháp chăm sóc lúa đúng kỹ thuật, phòng trừ dịch hại,...

Ông Nguyễn Văn Toản (xã Bình Lãng, huyện Tân Trụ) bộc bạch: “Vụ TĐ năm nay, tôi xuống giống 1,4ha lúa Đài thơm 8. Thời tiết từ đầu vụ đã không thuận lợi khi có nhiều cơn mưa lớn. Bên cạnh đó, chi phí sản xuất cũng tăng khoảng 20% so với vụ trước. Hy vọng giá lúa vụ này sẽ cao để nông dân chúng tôi sản xuất có lời”.

Trong tình hình giá vật tư nông nghiệp ở mức cao, để bảo đảm vụ mùa, nông dân tích cực chăm sóc, thực hiện nhiều giải pháp nhằm tiết kiệm chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận. Ông Trần Văn Đỏ (xã Vĩnh Châu A, huyện Tân Hưng) cho biết: “Do nằm trong vùng có đê bao khá bảo đảm, năm nay dự báo lũ về trễ và ở mức thấp so với mọi năm, tôi không lo lúa bị ảnh hưởng bởi lũ. Tuy nhiên, vụ TĐ thường có mưa, gió lớn, lúa dễ bị ngã đổ, ngập úng. Lúa đang thời kỳ trổ - chín, tôi thường xuyên thăm đồng, chủ động tiêu thoát nước để lúa cứng cây, chắc khỏe, hạn chế đổ ngã, giảm năng suất”.

Ông Lê Tấn Vũ (xã Vĩnh Châu A, huyện Tân Hưng) chia sẻ: “Vụ TĐ, tôi chọn giống lúa IR 50404 để gieo sạ, là giống ngắn ngày nên sau khi thu hoạch sẽ còn thời gian để đất nghỉ chuẩn bị cho vụ Đông Xuân. Hiện lúa gần đến ngày thu hoạch. Để giảm chi phí, tôi chủ động sạ thưa, kết hợp bón phân hữu cơ thay thế một phần phân hóa học, giúp hạn chế hơn 40% lượng phân bón hóa học, qua đó giảm được chi phí”.

Chủ động các giải pháp

Vụ TĐ năm nay, toàn huyện Tân Hưng xuống giống 8.500ha, tập trung ở các xã: Vĩnh Châu A, Vĩnh Châu B, Vĩnh Bửu và Vĩnh Đại. Thông tin từ Phòng NN&PTNT huyện Tân Hưng, diện tích lúa TĐ 2022 phần lớn nằm trong đê bao, nông dân xuống giống sớm nên khi lũ về, lúa đã thu hoạch xong. Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Tân Hưng - Phan Văn Nỉ cho biết, theo dự báo của ngành chuyên môn, lũ năm nay có khả năng cao hơn năm 2021. Để bảo vệ lúa TĐ, huyện đã rà soát, gia cố hệ thống đê bao, nhất là ở những đê bao còn thấp và đê bao có thể xảy ra sạt lở cục bộ khi nước lũ lên cao; đồng thời, chuẩn bị các phương án sẵn sàng phòng, chống lũ, bảo vệ lúa.

Nông dân chăm sóc lúa Thu Đông

Ngay từ đầu vụ lúa TĐ, ngành Nông nghiệp tỉnh khuyến cáo các địa phương sản xuất vụ tập trung, không xuống giống ở những vùng chưa có đê bao. Đến nay, hầu hết diện tích lúa TĐ của tỉnh đều nằm trong vùng đê bao. Tuy nhiên, mực nước lũ năm nay được dự báo ở mức cao, có thể đe dọa trà lúa ở những vùng xuống giống trễ và những huyện đầu nguồn lũ nên các địa phương đang tích cực chuẩn bị ứng phó.

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT - Nguyễn Chí Thiện thông tin: Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng Thủy văn tỉnh, mực nước lũ cao nhất rơi vào nửa cuối tháng 10/2022, ở mức xấp xỉ và cao hơn báo động 1 nhưng thấp hơn trung bình nhiều năm từ 0,2-0,4m. Với dự báo trên, khu vực các huyện Tân Hưng, thị xã Kiến Tường,... diện tích lúa TĐ tương đối an toàn, dự kiến thu hoạch trước khi lũ về (thu hoạch trong tháng 9 và đầu tháng 10). Riêng huyện Tân Thạnh, có khoảng 4.600ha lúa TĐ có khả năng sẽ bị ảnh hưởng. Ngành Nông nghiệp tỉnh đã đề nghị địa phương tăng cường gia cố hệ thống đê bao, chuẩn bị các phương tiện phòng, chống mưa, bão, lũ, bảo vệ lúa TĐ./.

Bùi Tùng

Chia sẻ bài viết