Khắc phục hậu quả, tái thiết sau thiên tai
Thời gian qua, diễn biến bất thường của thời tiết, thiên tai do biến đổi khí hậu ngày càng cực đoan, gay gắt hơn và đang có xu hướng tăng về mức độ, phạm vi ảnh hưởng rộng hơn, gây ra nhiều hệ lụy và ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất và sinh hoạt của người dân. Từ đầu năm 2020 đến nay, trên địa bàn tỉnh xảy ra nhiều loại hình thiên tai: Hạn, xâm nhập mặn, sạt lở đất, mưa giông, lốc xoáy,… Đặc biệt, hạn hán và xâm nhập mặn diễn ra trên diện rộng gây thiệt hại lớn về cơ sở vật chất hạ tầng, tài sản và sản xuất của người dân. Cụ thể, xâm nhập mặn đã làm thiếu hụt nguồn nước sinh hoạt của khoảng 7.290 hộ dân và hơn 2.700ha lúa, rau màu vụ Đông Xuân bị ảnh hưởng; 7 vụ sạt lở đất tại các huyện: Tân Trụ, Thủ Thừa, Cần Giuộc, Cần Đước, Thạnh Hóa làm nhiều diện tích đất sạt xuống bờ sông, có nguy cơ uy hiếp đến nhiều nhà dân; mưa giông, sét, lốc xoáy làm sập 20 căn nhà, tốc mái 195 căn và làm 1 người chết tại huyện Bến Lức.
Các địa phương kịp thời gia cố, nâng cấp, duy tu bảo đảm cho các công trình thủy lợi
Theo Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn và Thủy lợi - Võ Kim Thuần, ngay từ đầu mùa khô, tỉnh đã khuyến cáo người dân các huyện phía Bắc kết thúc gieo sạ trong tháng 12-2019 và người dân các huyện phía Nam không gieo sạ lúa Đông Xuân trong tháng 12-2019, nên chuyển đổi sang trồng cây ngắn ngày nhằm hạn chế thiệt hại do hạn, mặn gây ra ở cuối vụ; chỉ đạo triển khai thực hiện các giải pháp phòng, chống hạn, thiếu nước, xâm nhập mặn trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, tỉnh hỗ trợ trên 2,1 tỉ đồng cho người dân thiệt hại do thiên tai.
Bên cạnh đó, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm, cứu nạn (PCTT&TKCN) tỉnh tổ chức kiểm tra, rà soát, khoanh vùng các khu vực khô hạn, thiếu nước, xâm nhập mặn, lắp đặt các trạm bơm dã chiến để kịp thời dẫn nước, trữ nước phục vụ sản xuất. Cụ thể như lắp đặt các trạm bơm dã chiến tại các cống đầu mối: Bà Phổ, Vàm Kênh, Cây Gáo (huyện Thủ Thừa) để bơm tạo nguồn nước cho hệ thống Nhật Tảo - Tân Trụ; hợp đồng với Công ty Cổ phần Nước DNP Long An bơm nước thô từ hệ thống thủy lợi Rạch Chanh - Nguyễn Văn Tiếp (có ống nước đi dưới đáy sông Vàm Cỏ Tây) xả nước thô vào các đầu kênh để người dân bơm nước vào ruộng, góp phần cứu gần 1.000ha lúa của huyện Tân Trụ và Nam Thủ Thừa. Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh còn tổ chức kiểm tra thực tế tại các địa phương để nắm bắt các thông tin về nguồn nước; đồng thời nhờ sự chi viện của tỉnh Tiền Giang cho mở các cống Rạch Gốc, Cầu Quán, Quản Thọ để dẫn nước ngọt từ hệ thống Rạch Chanh - Nguyễn Văn Tiếp về vùng Bảo Định, tạo nguồn nước tưới cho trên 10.000ha thanh long của huyện Châu Thành. Các huyện: Tân Hưng, Bến Lức, Cần Giuộc, Thủ Thừa,… Ban Chỉ huy PCTT&TKCN của địa phương đã khắc phục hậu quả do thiên tai giông lốc, sạt lở,… với số tiền hàng trăm triệu đồng. Đồng thời, các địa phương theo dõi thường xuyên diễn biến khu vực đã xảy ra sạt lở và khu vực có nguy cơ sạt lở cao để có biện pháp ứng phó kịp thời. Cần thiết phải tổ chức di dời ngay người dân đến khu vực an toàn nếu sạt lở tiếp tục xảy ra, có thể đe dọa đến nơi ở của người dân.
Theo Chủ tịch UBND huyện Thủ Thừa - Phan Văn Tới, trước tình hình thiên tai ngày càng phức tạp, huyện đang đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình PCTT, kịp thời gia cố, nâng cấp, duy tu, bảo đảm cho các công trình, hệ thống đê bao nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra; triển khai kiên cố các công trình công cộng bảo đảm đáp ứng chịu lực đối với tác động của thiên tai. Ngoài ra, huyện cũng có kế hoạch sửa chữa, nâng cấp các công trình giao thông theo định kỳ; nâng cấp và bảo vệ hệ thống, phương tiện thông tin liên lạc.
Chủ động ứng phó
Để thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ”; đồng thời nâng cao năng lực, chủ động PCTT thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm tổn thất về người và tài sản của nhân dân và Nhà nước, từng bước xây dựng cộng đồng, xã hội an toàn trước thiên tai, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố kiểm tra, đôn đốc việc triển khai xây dựng và củng cố đội xung kích PCTT cấp xã theo hướng dẫn của Ban Chỉ đạo Trung ương. Hiện đội xung kích có 19.338 người tham gia, gồm các lực lượng: Công an, quân đội, biên phòng, dân quân tự vệ, thanh niên xung kích và các lực lượng khác tại địa phương (cấp xã) nhằm bảo đảm thực hiện tốt theo phương châm “4 tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện vật tư tại chỗ, hậu cần tại chỗ) và “3 sẵn sàng” (phòng ngừa chủ động, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và hiệu quả).
Đội xung kích phòng, chống thiên tai giúp nhân dân ứng phó bão, lũ
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Nguyễn Thanh Truyền cho biết: “Để kịp thời theo dõi diễn biến thời tiết, thủy văn trên địa bàn tỉnh, chủ động các giải pháp phòng ngừa, ứng phó hiệu quả, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai, góp phần phát triển KT-XH của tỉnh, năm 2016, 2017 được sự hỗ trợ từ Dự án Rừng và Đồng bằng Việt Nam, tỉnh đã thực hiện lắp đặt 1 trạm quan trắc độ mặn và mực nước tự động tại cống Châu Phê (phường 5, TP.Tân An) và 10 trạm đo mực nước tự động tại Khu tưới Đức Hòa, huyện Đức Hòa. Riêng năm 2018, tỉnh sử dụng nguồn vốn sự nghiệp thủy lợi phối hợp Công ty TNHH Khai thác công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải đầu tư, trang bị, lắp đặt 9 trạm đo mực nước tự động tại các huyện Tân Hưng (1 trạm), Vĩnh Hưng (1 trạm), Đức Huệ (1 trạm), Đức Hòa (1 trạm), Cần Đuớc (2 trạm), Cần Giuộc (1 trạm), Châu Thành (2 trạm) và 1 trạm đo mưa tự động được lắp đặt tại Văn phòng thường trực - Chi cục Phát triển nông thôn và Thủy lợi. Hiện Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh quản lý 11 trạm đo mực nước tự động, 2 điểm đo mực nước, 12 điểm đo mưa và 1 trạm tiêu khí tượng nhằm bảo đảm công tác theo dõi quan trắc mực nước, độ mặn tại các hệ thống sông, rạch chính trên địa bàn tỉnh, phục vụ công tác quản lý, khai thác vận hành các công trình thủy lợi bảo đảm phục vụ sản xuất nông nghiệp và nhu cầu dân sinh”./.
Huỳnh Phong