Ngành chức năng kiểm tra hệ thống cống gom nước thải trong một doanh nghiệp
Kiểm tra, kịp thời phát hiện, xử lý vi phạm
Cùng với quá trình phát triển KT-XH, trên địa bàn tỉnh Long An hình thành nhiều khu, cụm công nghiệp (K,CCN), tập trung ở các huyện giáp ranh TP.HCM: Đức Hòa, Bến Lức, Cần Đước, Cần Giuộc. Ngoài ra, còn nhiều doanh nghiệp (DN) nhỏ, lẻ, hộ kinh doanh cũng phát triển trên địa bàn tỉnh.
Trước thực trạng trên, môi trường ở tỉnh cũng bị áp lực lớn, đặc biệt là gia tăng một lượng lớn nước thải, khí thải và chất thải rắn từ hoạt động sản xuất công nghiệp, đe dọa gây ô nhiễm nguồn nước, không khí và môi trường đất.
Trước thực tế này, với vai trò, chức năng được giao, Sở Tài nguyên và Môi trường thực hiện nhiều nhiệm vụ, giải pháp về bảo vệ môi trường (BVMT) và kiểm soát ô nhiễm môi trường. Đặc biệt, công tác thanh, kiểm tra được tăng cường, đẩy mạnh. Thông thường, kế hoạch thanh, kiểm tra hàng năm về lĩnh vực BVMT trên địa bàn tỉnh chú trọng vào các K,CCN, các DN có tải lượng chất thải lớn hoặc thuộc ngành nghề gây ô nhiễm môi trường và các DN hay bị khiếu nại, tố cáo về môi trường. Đặc biệt, đối với các vụ việc phức tạp, Sở phối hợp các ngành, địa phương chủ động thành lập đoàn kiểm tra đột xuất. Thành phần đoàn ngoài Sở Tài nguyên và Môi trường còn có Ban Quản lý Khu kinh tế, Phòng Cảnh sát phòng, chống tội phạm môi trường và UBND cấp huyện. Qua đó, kịp thời phát hiện, xử lý vi phạm, hạn chế được hành vi né tránh, đối phó của các DN và giảm sự chồng chéo, trùng lắp trong quá trình thanh, kiểm tra về môi trường.
Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường - Nguyễn Tân Thuấn cho biết: "Việc nâng cao chất lượng các cuộc thanh, kiểm tra về BVMT, cùng với việc thanh, kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm đã có tác dụng tốt trong việc phòng ngừa sai phạm, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi chính sách, pháp luật về BVMT".
Thực tế, kết quả thanh, kiểm tra thì tỷ lệ các DN vi phạm trong lĩnh vực BVMT trên địa bàn tỉnh ngày càng giảm. Năm 2019, tổng số vụ vi phạm đề xuất xử lý 45 trường hợp với số tiền gần 6,5 tỉ đồng; năm 2020 giảm còn 31 trường hợp với số tiền gần 4,5 tỉ đồng.
Thực hiện tốt công tác thanh tra, kiểm tra
Qua rà soát, các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực BVMT mà thanh, kiểm tra phát hiện chủ yếu là không có kế hoạch BVMT; không có báo cáo đánh giá tác động môi trường; thực hiện không đúng một trong các nội dung kế hoạch BVMT; không có hệ thống thu gom nước mưa và nước thải riêng biệt; không xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung; không vận hành thường xuyên hoặc vận hành không đúng quy trình đối với công trình BVMT; để chất thải nguy hại lẫn với chất thải rắn công nghiệp thông thường; không báo cáo tình hình phát sinh và quản lý chất thải nguy hại theo quy định,...
Ông Nguyễn Tân Thuấn đánh giá, qua công tác thanh, kiểm tra đã góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về BVMT. Các điểm nóng về ô nhiễm môi trường cơ bản được kiểm soát, xử lý; tình trạng ô nhiễm môi trường kéo dài tại một số cơ sở sản xuất đã chấm dứt. Mặt khác, từ thanh, kiểm tra, ý thức chấp hành pháp luật về BVMT của DN, tổ chức, cá nhân từng bước được nâng cao. Các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ đã chú trọng đầu tư các công trình xử lý môi trường theo quy định.
Bên cạnh những kết quả đã đạt, vẫn còn một số DN chưa xây dựng hệ thống xử lý nước thải, hoặc có xây dựng nhưng không vận hành hoặc chỉ vận hành để đối phó với cơ quan chức năng khi có kiểm tra. Chẳng hạn, trên địa bàn huyện Đức Hòa, thời gian qua có 3 CCN phát triển không đồng bộ, gây ô nhiễm môi trường. Đó là CCN Hoàng Gia, CCN Đức Hòa Hạ, CCN Đức Hòa Đông. CCN Hoàng Gia hoạt động từ năm 2004 đến nay nhưng luôn là điểm “nóng” về ô nhiễm môi trường. Ngành chức năng tỉnh nhiều lần làm việc với chủ đầu tư nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện xong khu xử lý nước thải tập trung.
Ông Nguyễn Văn Trung, ngụ xã Mỹ Hạnh Nam, huyện Đức Hòa phản ánh: "Những DN thứ cấp trong CCN vẫn thường xuyên xả nước thải chưa qua xử lý hoặc đã xử lý nhưng chưa đạt quy chuẩn ra môi trường gây ô nhiễm, bức xúc trong người dân".
“Vi phạm pháp luật về môi trường từ việc xả thải là một trong những nguyên nhân chủ yếu gây ô nhiễm nguồn nước các dòng sông, kênh, rạch, ao, hồ, phát sinh dịch bệnh cho người và các loài vật nuôi, cây trồng” - ông Lê Văn Hiếu, ngụ xã Đức Hòa Đông, phản ánh.
Thời gian tới, Sở Tài nguyên và Môi trường tiếp tục tăng cường phối hợp các ngành, địa phương tuyên truyền, giáo dục pháp luật về BVMT cho người dân, DN. Thực hiện tốt công tác thanh, kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp cố tình gây ô nhiễm môi trường. Mặt khác, quan tâm bồi dưỡng, nâng cao năng lực chuyên môn cho đội ngũ cán bộ làm công tác BVMT, kể cả cấp huyện đến cấp xã để làm tốt nhiệm vụ, góp phần quan trọng trong việc phát hiện ô nhiễm, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về BVMT cho các địa phương./.
Việc nâng cao chất lượng các cuộc thanh, kiểm tra về bảo vệ môi trường, cùng với việc thanh, kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm đã có tác dụng tốt trong việc phòng ngừa sai phạm, nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong việc thực thi chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường. |
Lê Đức