Tiếng Việt | English

29/10/2015 - 09:06

Chủ động phòng, chống bệnh cúm gia cầm ở người

Bệnh cúm gia cầm (cúm A H5N1) là bệnh do virus gây ra cho các loài chim và gia cầm. Nhưng virus này có thể gây bệnh ở người và một số động vật có vú khác. Hiện chưa có thuốc đặc trị, chỉ có thuốc kháng virus nhưng chỉ có hiệu quả khi được điều trị sớm. Vì vậy, cùng với công tác phòng, chống dịch bệnh của ngành Y tế, mọi người cần nâng cao ý thức trong thực hiện các giải pháp phòng, chống bệnh để tự bảo vệ bản thân và gia đình.


Kiểm soát dịch bệnh ở cửa khẩu quốc tế Bình Hiệp

Phòng, chống bệnh cúm gia cầm ở người - những kết quả thiết thực

Theo số liệu thống kê của ngành Y tế, tại Việt Nam, năm 2014 có 2 trường hợp nhiễm cúm A H5N1 (Bình Phước và Đồng Tháp). Cả 2 trường hợp đều tử vong và có tiền sử tiếp xúc với gia cầm mắc bệnh. Lũy kế từ đầu năm 2003 đến nay, Việt Nam ghi nhận 127 trường hợp mắc cúm A H5N1, trong đó có 64 trường hợp tử vong. Số mắc bệnh cao trong giai đoạn 2003-2010. Từ năm 2011 đến năm 2015, cả nước chỉ ghi nhận rải rác một số trường hợp mắc bệnh. Từ đầu năm 2015 đến nay, chưa ghi nhận trường hợp mắc mới.

Tại Long An, năm 2005 và năm 2013 xảy ra 2 trường hợp nhiễm cúm A H5N1 tại huyện Tân Thạnh và Tân Hưng, cả 2 trường hợp này đều có tiền sử tiếp xúc với gia cầm mắc bệnh, trong đó có 1 trường hợp tử vong. Từ đầu năm 2014 đến nay, chưa ghi nhận trường hợp mắc mới.

Có được kết quả đó là do công tác phòng bệnh của các cơ sở y tế trong toàn tỉnh ngày càng được chú trọng. Thị xã Kiến Tường giáp biên giớii Campuchia nên công tác phòng, chống bệnh cúm A H5N1 luôn được ngành Y tế địa phương quan tâm.

Giám đốc Trung tâm Y tế thị xã Kiến Tường - Bác sĩ chuyên khoa II Chung Văn Kiều cho biết: “Ngành Y tế huyện đã đẩy mạnh công tác tuyên truyềntrên các phương tiện thông tin đại chúng và công tác kiểm tra, giám sát dịch bệnh. Riêng tại Khoa kiểm dịch y tế Cửa khẩu quốc tế Bình Hiệp, công tác kiểm tra, giám sát dịch bệnh được các cán bộ y tế thực hiện nghiêm 24/24 giờ, với mục tiêu giám sát không chỉ bệnh A (H1N1, H5N1) mà còn giám sát các bệnh truyền nhiễm khác như: Ebola, MERS-CoV... Nếu phát hiện ca nghi ngờ nhiễm bệnh qua lại khu vực biên giới thì chúng tôi sẽ cử lực lượng đến hỗ trợ kiểm tra, giám sát, điều trị và cách ly nhằm phát hiện bệnh sớm, khoanh vùng, xử lý nhanh, tránh lây nhiễm trong cộng đồng”.

Kiểm soát dịch bệnh 

Không được chủ quan với bệnh cúm gia cầm ở người

Thời gian qua, thông qua công tác tuyên truyền, người dân ở các địa phương đã trang bị cho mình kiến thức cơ bản để phòng bệnh. Bà Nguyễn Thị Chương, ngụ khu phố 4, thị trấn Tân Thạnh, huyện Tân Thạnh chia sẻ: “Để phòng bệnh cúm A H5N1, gia đình tôi thực hiện ăn chín, uống chín, nhất là đối với thịt gia cầm. Không cho trẻ tiếp xúc với gia cầm hoặc chơi gần chuồng gia cầm. Đồng thời, thực hiện rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn và sau khi tiếp xúc với gia cầm”.

Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh - Bác sĩ chuyên khoa II - Huỳnh Hữu Dũng cho biết: “Để chủ động phòng lây nhiễm cúm A H5N1 từ gia cầm sang người, chúng ta cần thực hiện 4 biện pháp: Tăng cường vệ sinh ăn uống, chỉ ăn thịt, trứng và các sản phẩm khác của gia cầm được nấu chín kỹ; không làm thịt và ăn các loại gia cầm chết. Tăng cường sức khỏe và khả năng phòng bệnh. Cần hạn chế tiếp xúc với gia cầm kể cả khi chúng còn khỏe. Khi phát hiện gia cầm bệnh, chết, tuyệt đối không được giết mổ và sử dụng, mà phải thông báo ngay cho chính quyền địa phương; nếu sốt cao trên 38 độ C, ho, đau ngực, khó thở kèm theo đau đầu, đau cơ, mệt mỏi sau khi tiếp xúc với gia cầm cần đến ngay các cơ sở y tế gần nhất để được khám và điều trị kịp thời, không tự ý mua thuốc điều trị ở nhà."./.

Ngọc Mận

Chia sẻ bài viết