Vấn đề này càng nghiêm trọng hơn khi nhiều vùng, miền trong cả nước phải đối diện với hạn kéo dài, còn Đồng bằng sông Cửu Long thì “song trùng” nỗi lo thiếu nước ngọt trong sản xuất và sinh hoạt. Nguyên nhân được xác định là do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino.
Sau nhiều năm tập trung sức người, sức của đối phó với vấn nạn lũ lụt ở các huyện phía Bắc (khu vực Đồng Tháp Mười) thì nay, Long An phải đối mặt với hạn, thiếu nước ngọt, xâm nhập mặn ở các huyện phía Nam. Vùng hạ đã có trên 10.500ha lúa bị thiệt hại, ảnh hưởng bởi xâm nhập mặn và thiếu nước ngọt, trải dài ở nhiều địa phương như: Cần Giuộc, Cần Đước, Tân Trụ, Thủ Thừa, Bến Lức. Ngoài cây lúa, một số diện tích cây trồng khác như: Chanh, thanh long cùng chung số phận.
Nhiều nơi, năng suất giảm mạnh hoặc nông dân bỏ vụ không sản xuất. Tình hình sẽ xấu hơn khi Trung tâm Khí tượng Thủy văn Trung ương dự báo, độ mặn sẽ tăng cao và kéo dài đến tháng 5, tháng 6. Tỉnh Long An đã chính thức công bố tình trạng thiên tai do xâm nhập mặn cấp độ 2.
Trước tình trạng trên, chính quyền đưa ra nhiều phương án: Trước mắt, các địa phương phải thường xuyên kiểm tra chất lượng nguồn nước, diễn biến của xâm nhập mặn nhằm điều tiết nước kịp thời phục vụ sản xuất; xác định khu vực nào tiếp tục sản xuất, khu vực nào ngưng sản xuất; rà soát hệ thống thủy lợi để chuẩn bị nước tưới cho vụ mùa sắp tới; tranh thủ sự ủng hộ của Trung ương để đầu tư các công trình cấp bách phòng, chống hạn, xâm nhập mặn, bảo đảm phục vụ sản xuất vụ Đông Xuân 2015-2016, Hè Thu 2016 và các năm tiếp theo; có kế hoạch lấy nước ngọt từ thượng nguồn các con sông,...
Bên cạnh đó, cần rà soát thiệt hại của nông dân để có phương án hỗ trợ; tăng cường tuyên truyền, khuyến cáo người dân về lịch thời vụ trong vụ mùa tới, sử dụng giống chịu mặn để sản xuất hiệu quả. Về lâu dài, cần phải nghiên cứu giống lúa chịu mặn, thực hiện chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, ứng dụng khoa học-kỹ thuật vào tưới tiêu để sử dụng nước tưới phù hợp, hiệu quả,...
“Nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống” - nước là điều kiện quan trọng nhất trong sản xuất nông nghiệp ở Việt Nam. Sản xuất nông nghiệp còn đầy tính may rủi và phụ thuộc vào thiên nhiên. Đã đến lúc mọi người cần phải thay đổi suy nghĩ, thói quen về sử dụng nước một cách tiết kiệm, hiệu quả. Bên cạnh “tư duy ngăn lũ”, phải có kế hoạch xây dựng hệ thống thủy lợi, ao, hồ để tích trữ nguồn nước ngọt, ngăn mặn, chủ động đối phó hạn, phục vụ sản xuất. Không để tình trạng “sáng chắn bão giông, chiều ngăn nắng lửa” trong nông nghiệp thành điệp khúc, khi những dự báo về biến đổi khí hậu tiếp tục hoành hành./.
Kim Quy