Người có các triệu chứng nghi của bệnh đậu mùa khỉ, hoặc tiếp xúc với người mắc bệnh đậu khỉ mùa cần chủ động liên lạc hoặc tới cơ sở y tế để được thăm khám và tư vấn kịp thời (ảnh: Internet)
Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh – Cố vấn Khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM), đậu mùa khỉ là bệnh truyền nhiễm từ động vật do vi rút đậu mùa khỉ gây ra. Bệnh có thể lây truyền từ động vật sang người và từ người sang người. Triệu chứng điển hình của bệnh đậu mùa khỉ bao gồm sốt, đau đầu dữ dội, đau cơ, đau lưng, suy nhược cơ thể, sưng hạch bạch huyết.
Sau đó xuất hiện phát ban hoặc đi kèm phát ban, và có thể kéo dài 2 - 3 tuần. Các nốt ban có xu hướng tập trung ở mặt, lòng bàn tay và lòng bàn chân, mắt, miệng, họng, bẹn và cơ quan sinh dục hoặc quanh vùng hậu môn. Các tổn thương ngoài da có thể dao động từ một cho đến vài ngàn. Giai đoạn đầu, các tổn thương phẳng sau đó hình thành mụn nước, mụn mủ trước khi đóng vảy, khô lại và bong vảy và hình thành một lớp da mới.
Người sống cùng hoặc tiếp xúc gần (bao gồm quan hệ tình dục) với người bị mắc bệnh đậu mùa khỉ, hoặc người tiếp xúc thường xuyên với động vật bị bệnh có nguy cơ cao nhất mắc bệnh. Trẻ sơ sinh, trẻ em và người có bệnh nền là suy giảm miễn dịch có thể có nguy cơ mắc triệu chứng nghiêm trọng hơn và tử vong do bệnh đậu mùa khỉ.
Tổ chức Y tế thế giới đánh giá nguy cơ lây nhiễm toàn cầu ở mức trung bình, khu vực châu Âu và châu Mỹ ở mức cao, khu vực Tây Thái Bình Dương (trong đó có Việt Nam) ở mức thấp đến trung bình, các khu vực khác ở mức trung bình. Ngay sau khi Tổ chức Y tế thế giới công bố dịch bệnh đậu mùa khỉ là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng quốc tế vào ngày 23/7/2022, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế đã quyết liệt chỉ đạo các Bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố, các cơ quan chuyên môn đẩy mạnh triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh đậu mùa khỉ. UBND tỉnh Long An đã ban hành Công văn số 7095/UBND-VHXH về việc tăng cường công tác phòng, chống bệnh đậu mùa khỉ trên địa bàn tỉnh.
Để chủ động phòng, chống dịch bệnh đậu mùa khỉ, Bộ Y tế khuyến cáo người dân thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn tay
Tại Việt Nam, chiều 03/10, Bộ Y tế xác nhận ca mắc đậu mùa khỉ đầu tiên là bệnh nhân nữ 35 tuổi, mắc bệnh ở nước ngoài và đã được giám sát chủ động. Hiện bệnh nhân sức khỏe ổn định, không sốt, đang được tiếp tục cách ly, điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Các trường hợp tiếp xúc gần với bệnh nhân tại Việt Nam (kể từ khi về nước) đều được giám sát, theo dõi theo quy định và hiện chưa phát hiện trường hợp nghi nhiễm.
Thông tin từ Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, ngay trong ngày 25/9/2022, khi nhận được thông tin về ca bệnh nghi ngờ mắc bệnh đậu mùa khỉ tại TP.HCM, Bộ Y tế đã tổ chức họp khẩn các cơ quan chuyên môn để thảo luận, thống nhất các biện pháp đáp ứng chống dịch; gửi công văn khẩn đề nghị UBND TP.HCM tăng cường các biện pháp ứng phó và xử lý ổ dịch; công văn gửi UBND các tỉnh, thành phố đề nghị tăng cường phòng, chống bệnh đậu mùa khỉ; thành lập 6 đoàn công tác của Bộ Y tế đi kiểm tra công tác phòng, chống dịch bệnh đậu mùa khỉ tại các địa phương.
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh đậu mùa khỉ trên thế giới và tại một số nước khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị trên địa bàn thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác phòng, chống bệnh đậu mùa khỉ và các hướng dẫn của Bộ Y tế./.
Huỳnh Hương