Kiểm tra độ mặn trên các tuyến sông, rạch
Năm 2020, thiên tai gây thiệt hại hơn 70 tỉ đồng
Mùa khô 2019-2020, hạn, xâm nhập mặn xảy ra hết sức gay gắt, phức tạp. Mặc dù có những giải pháp chủ động ứng phó nhưng với mức độ nghiêm trọng của hạn, xâm nhập mặn, nhiều diện tích cây trồng như lúa, rau màu,… bị mất trắng, giảm năng suất.
Thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), năm 2020, các loại hình thiên tai như hạn, thiếu nước, xâm nhập mặn, mưa, dông lốc, sét, triều cường, sạt lở đất,... xảy ra và có chiều hướng diễn biến tương đối phức tạp, khó dự đoán, gây thiệt hại đáng kể trong sản xuất nông nghiệp, có nguy cơ đe dọa đến tính mạng, tài sản, cơ sở vật chất của người dân.
Cụ thể, thiệt hại về sản xuất do hạn, thiếu nước, xâm nhập mặn, 856,5ha lúa thiệt hại mất trắng (>70%); 1.890ha thiệt hại giảm năng suất từ 30%-70% tại các huyện: Thủ Thừa, Tân Trụ và TP.Tân An. Diện tích rau màu bị thiệt hại 7,65ha, trong đó 2ha mất trắng (>70%); 5,65ha giảm năng suất từ 30%-70% tại huyện Thủ Thừa và TP.Tân An. Thiệt hại do mưa, lũ, triều cường, ngập úng, dông lốc, sét, làm sập 22 căn nhà (các huyện: Tân Hưng, Mộc Hóa, Tân Thạnh, Thạnh Hóa, Đức Huệ, Đức Hòa, Bến Lức, Cần Giuộc và thị xã Kiến Tường); tốc mái 234 căn (Tân Hưng, Mộc Hóa, thị xã Kiến Tường, Tân Thạnh, Thạnh Hóa, Đức Huệ, Bến Lức, Thủ Thừa, Cần Giuộc, Tân Trụ, Châu Thành và TP.Tân An), làm ngã 15 trụ điện (Đức Huệ).
Thiên tai xảy ra gây thiệt hại về tài sản của người dân
Ngoài ra, ảnh hưởng của nhiều loại hình thiên tai đã gây ra 12 trường hợp sạt lở, sụp lún đất tổng chiều dài khoảng 1km (Cần Giuộc, Cần Đước, Tân Trụ, Thủ Thừa, Thạnh Hóa và Đức Huệ) làm ảnh hưởng đến đời sống và sự an toàn của người dân. Thiệt hại về người, 2 người chết do sét đánh và bị đuối nước. Ước tổng thiệt hại do thiên tai năm 2020 hơn 70 tỉ đồng.
Chủ tịch UBND, Trưởng ban Chỉ huy PCTT&TKCN huyện Tân Hưng - Huỳnh Thanh Hiền cho biết, năm 2020, công tác PCTT&TKCN được các cấp, các ngành tập trung thực hiện, xây dựng kế hoạch, phương án để phòng, chống và ứng phó với mưa, lũ nên hạn chế thiệt hại do thiên tai gây ra. Phương tiện vận chuyển, dụng cụ cứu hộ được bảo đảm. Công tác thông tin, tuyên truyền cho người dân về bảo quản tài sản, chằng chống nhà cửa được thực hiện thường xuyên. Công tác dự đoán, dự báo tình hình khí tượng - thủy văn tương đối chính xác, góp phần giảm thiệt hại xảy ra,... Tuy nhiên, mùa mưa, lũ năm 2020 đã làm sập và tốc mái 37 căn nhà, ước thiệt hại hơn 500 triệu đồng.
Đóng các miệng cống ngăn mặn, trữ ngọt
“Năm 2020, mưa đến muộn và kết thúc sớm, kết hợp ảnh hưởng của nắng nóng, xâm nhập mặn xuất hiện sớm và kéo dài, lượng nước thượng lưu đổ về ít. Cùng với đó, hệ thống kênh, rạch bị bồi lắng không bảo đảm khả năng dẫn nước và trữ nước nên đã xảy ra hạn, mặn gay gắt và thiếu nước trầm trọng. Không có nguồn nước bổ sung để tưới nên hơn 720ha lúa bị thiệt hại mất trắng hơn 70%, hơn 290ha lúa thiệt hại từ 30% - 70%,... Tổng thiệt hại do thiên tai gây ra trên địa bàn huyện năm 2020 gần 24 tỉ đồng. Năm 2020, tỉnh đầu tư xử lý, gia cố 38/44 điểm sạt lở, kinh phí 15 tỉ đồng; huyện, xã đầu tư nạo vét 33 hạng mục công trình kênh, rạch nội đồng với tổng kinh phí gần 9 tỉ đồng nhằm bảo đảm tưới, tiêu, ngăn mặn, phòng, chống thiên tai phục vụ sản xuất, nước sinh hoạt cho người dân” - Trưởng phòng NN&PTNT, Phó Trưởng ban Chỉ huy PCTT&TKCN huyện Tân Trụ - Đặng Văn Tây Lo cho biết.
Thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ”, “3 sẵn sàng”
Tại huyện Tân Hưng, từ đầu năm đến nay xuất hiện một số cơn mưa lớn kèm theo dông lốc làm sập 4 căn nhà, tốc mái 13 căn, ước tính thiệt hại khoảng 60 triệu đồng. Để chủ động PCTT&TKCN, năm 2021, huyện đề ra kế hoạch cùng nhiều biện pháp nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về sản xuất, kết cấu hạ tầng, bảo vệ tính mạng, tài sản của Nhà nước và người dân, không để xảy ra chết người do chủ quan, thiếu ý thức trong phòng tránh thiên tai, thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ”; tổ chức tốt khâu phòng là chính, chuẩn bị đối phó trước thiên tai là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng.
Còn tại huyện Vĩnh Hưng, mưa giông đã làm sập và tốc mái 11 căn nhà từ đầu năm đến nay. Theo Trưởng phòng NN&PTNT, Phó Trưởng ban Chỉ huy PCTT&TKCN huyện Vĩnh Hưng - Huỳnh Văn Lâm, để chủ động giảm thiệt hại do thiên tai gây ra, Ban Chỉ huy từ huyện đến cơ sở xây dựng các kịch bản phòng ngừa, ứng phó phù hợp; tổ chức diễn tập các phương án đối phó với lụt bão, thiên tai. Nâng cao chất lượng dự báo, cảnh báo khí tượng - thủy văn, củng cố hệ thống thông tin liên lạc bảo đảm chỉ đạo thông suốt. Tăng cường thông tin, truyền thông, nâng cao nhận thức cộng đồng để làm tốt phương châm “4 tại chỗ”, phát huy vai trò và hiệu quả hoạt động của lực lượng xung kích. Tuyên truyền, giúp đỡ người dân tu sửa, chằng chống lại nhà cửa, hạn chế sập đổ do mưa giông. Ngoài việc tổ chức tốt công tác PCTT&TKCN nội bộ cơ quan, đơn vị cần có phương án hỗ trợ, giúp đỡ đơn vị bạn, đồng bào trong việc phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai,…”.
Năm 2020, 856,5ha lúa trên địa bàn tỉnh bị thiệt hại mất trắng hơn 70% (Ảnh tư liệu)
Giám đốc Sở NN&PTNT, Phó Trưởng ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh - Nguyễn Thanh Truyền cho biết, trước tình hình diễn biến phức tạp của thiên tai, để giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, cảnh báo, hướng dẫn các biện pháp phòng, tránh, ứng phó kịp thời đến cộng đồng dân cư, qua đó, góp phần nâng cao nhận thức, phát huy ý thức tự giác, chủ động trong công tác phòng tránh, ứng phó thiên tai và TKCN trong toàn dân. Thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ) và “3 sẵn sàng” (chủ động phòng tránh, đối phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và hiệu quả).
Theo đó, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các huyện, thị xã Kiến Tường, TP.Tân An theo dõi các thông tin về tình hình chất lượng nước, hạn, xâm nhập mặn, mưa, lũ, triều cường, sạt lở đất,… và tình hình thời tiết, thiên tai khác; thông báo, cảnh báo kịp thời trong sản xuất, khuyến cáo lịch thời vụ và quy hoạch vùng nuôi trồng thủy sản thích hợp bảo đảm theo hướng phát triển bền vững. Các huyện, thị xã vùng Đồng Tháp Mười tăng cường công tác kiểm tra hệ thống đê bao, bờ bao chống lũ sớm, chủ động gia cố, tu bổ các tuyến đê nhằm bảo vệ lúa Hè Thu. Các huyện phía Nam cần tập trung gia cố và nâng cấp hệ thống đê bao ngăn triều cường, ngăn mặn, trữ ngọt và quản lý chặt chẽ việc vận hành các cống đầu mối; vận động người dân sống ở khu vực nguy hiểm như khu vực sạt lở, ngập lũ sâu,... di dời đến nơi an toàn.
Bên cạnh đó, để phát huy tính chủ động và thực hiện tốt hơn công tác PCTT&TKCN, Trung ương tiếp tục hỗ trợ kinh phí để tỉnh đầu tư các dự án sạt lở ven sông, kênh, rạch nhằm bảo đảm ổn định đời sống của người dân; trong đó, cấp bách là các điểm sạt lở ở địa bàn các huyện: Thủ Thừa, Cần Đước, Cần Giuộc và TP.Tân An. Ngoài ra, tỉnh xem xét phê duyệt kinh phí từ nguồn Quỹ PCTT tỉnh để kịp thời hỗ trợ các địa phương khắc phục hậu quả thiệt hại do thiên tai năm 2020 và bảo đảm phục vụ công tác PCTT năm 2021; hỗ trợ kinh phí đầu tư xây dựng và trang bị thiết bị cho các trạm quan trắc chất lượng nước, mực nước tự động trên địa bàn tỉnh;…./.
Văn Đát