Tiếng Việt | English

21/09/2018 - 11:12

Chủ động ứng phó với lũ

Trước tình hình diễn biến phức tạp của lũ, nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về sản xuất, tính mạng, tài sản, các địa phương vùng lũ của tỉnh Long An triển khai kế hoạch chủ động ứng phó.

Nỗ lực bảo vệ lúa Thu Đông

Mặc dù tỉnh không chủ trương gieo sạ lúa Thu Đông ở những vùng đê bao không bảo đảm an toàn nhưng ở nhiều địa phương, nông dân “xé rào” gieo sạ gần 23.000ha, tập trung ở các huyện: Thạnh Hóa, Tân Thạnh, Tân Hưng và thị xã Kiến Tường. Đến thời điểm này, nông dân thu hoạch khoảng 4.000ha, còn lại dự kiến thu hoạch dứt điểm vào giữa tháng 10/2018. Mực nước lũ tăng nhanh đe dọa diện tích lúa còn lại, các địa phương chủ động gia cố đê bao bảo vệ diện tích này.

Gia cố đê bao bảo vệ lúa Thu Đông

Gia cố đê bao bảo vệ lúa Thu Đông

Tại huyện Tân Thạnh, dự báo vụ Thu Đông gặp nhiều khó khăn do nông dân gieo sạ trễ, thời gian thu hoạch kéo dài, trùng vào thời điểm mưa nhiều và đỉnh lũ. Nông dân gieo sạ gần 17.000ha, đến nay thu hoạch hơn 2.000ha, số còn lại trong giai đoạn đòng trổ và chín. Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Thạnh - Nguyễn Trí Dũng cho biết: Đến nay, huyện chưa xảy ra thiệt hại, có khoảng 7.000ha có khả năng bị ảnh hưởng nếu nước lũ tiếp tục dâng cao trong thời gian tới, hiện mặt đê cao hơn mực nước từ 0,3-0,5m. Trước tình hình trên, nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại, huyện chỉ đạo các ngành chuyên môn phối hợp các xã thường xuyên kiểm tra hệ thống đê bao xung yếu, phân công thành viên phụ trách địa bàn chủ động kiểm tra, ứng phó kịp thời các tình huống phát sinh, vận động người dân góp kinh phí gia cố các tuyến đê bao.

Còn tại huyện Tân Hưng, nông dân tự phát gieo sạ gần 2.900ha. Do lũ về sớm và cao hơn trung bình nhiều năm nên có một số diện tích lúa Thu Đông bị ảnh hưởng, địa phương đang nỗ lực bảo vệ số diện tích này. Mực nước tăng nhanh khiến vỡ ô đê bao tại xã Vĩnh Châu A, làm 22ha lúa bị thiệt hại hoàn toàn.

Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Hưng - Trần Tấn Tài cho biết: Để bảo vệ số diện tích lúa vụ này, huyện gia cố 26 tuyến đê, nâng cao trình đê từ 2,5m lên 3,2m, kết hợp mở rộng mặt đê bình quân khoảng 1m, chiều dài hơn 63km, kinh phí thực hiện gần 18 tỉ đồng, bảo vệ được khoảng 2.677ha. Đến thời điểm này, nông dân thu hoạch được khoảng 2.000/2.885ha. Bảo vệ số diện tích còn lại, UBND huyện chỉ đạo các xã có diện tích lúa Thu Đông vận động người dân hiến đất gia cố nâng cao bờ đê và tiếp tục theo dõi diễn biến lũ, ứng phó kịp thời các tình huống phát sinh, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại; vận động người dân thay phiên tuần tra đê và chuẩn bị cây, bao tải để sẵn sàng xử lý khi nước rò rỉ gây vỡ đê. Riêng đối với diện tích lúa trong giai đoạn chín, người dân tập trung thu hoạch với phương châm lúa chín đến đâu thu hoạch đến đó.

Chủ động phòng, chống

Hiện nước lũ tiếp tục dâng cao, để hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do lũ gây ra, các địa phương vùng ngập lũ triển khai các biện pháp ứng phó.

Tại huyện Vĩnh Hưng, nước lũ làm ngập, sạt lở đường giao thông nông thôn, một số nhà dân bị ngập. Ông Nguyễn Văn Dân, ngụ xã Vĩnh Trị, huyện Vĩnh Hưng, chia sẻ: “Lũ năm nay về sớm, nước lên nhanh làm căn nhà của gia đình bị ngập sâu trong nước hơn 10 ngày qua, chúng tôi phải kê kích nhà cửa, đồ đạc để bảo đảm cuộc sống”.

Nông dân Tân Thạnh đóng góp công sức, tiền của bảo vệ lúa Thu Đông

Nông dân Tân Thạnh đóng góp công sức, tiền của bảo vệ lúa Thu Đông

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Hưng - Nguyễn Hữu Hồng, chủ động ứng phó với lũ năm 2018, huyện chỉ đạo các thành viên Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm, cứu nạn huyện tùy theo chức năng, nhiệm vụ chủ động phối hợp chặt chẽ, có biện pháp ứng phó kịp thời khi có tình huống xấu xảy ra. Các xã, thị trấn theo dõi diễn biến lũ, tăng cường kiểm tra, rà soát các tuyến đê bao, đường giao thông nông thôn, chủ động gia cố các tuyến đê xung yếu, các tuyến đường có nguy cơ sạt lở và ngập nước, bảo đảm phục vụ tốt nhu cầu sinh hoạt, sản xuất của người dân.

Hiện trên địa bàn huyện có gần 10km đường giao thông bị sạt lở, địa phương huy động lực lượng, phương tiện gia cố nhằm bảo đảm việc đi lại của người dân; chỉ đạo các xã, thị trấn đẩy mạnh tuyên truyền để những hộ dân sinh sống ngoài đồng trống di dời về nơi an toàn, những hộ có trẻ nhỏ cần trông coi cẩn thận.

Tại một số xã vùng thấp của huyện Tân Hưng như Vĩnh Đại, Vĩnh Bửu, Vĩnh Thạnh, Thạnh Hưng,... một số tuyến đường giao thông nông thôn, trường học bị ngập. “Nhằm bảo đảm tính mạng, tài sản của Nhà nước và người dân, huyện củng cố Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm, cứu nạn từ huyện đến cơ sở phân công thành viên phụ trách địa bàn, thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ), thành lập các tổ xung kích sẵn sàng ứng cứu, chuẩn bị các loại phương tiện, vật tư thiết yếu để kịp thời giúp dân, nâng cao chất lượng dự báo, cảnh báo khí tượng - thủy văn, củng cố hệ thống thông tin liên lạc bảo đảm cho công tác chỉ đạo thông suốt” - quyền Chủ tịch UBND huyện Tân Hưng - Hoàng Văn Sinh cho biết.

Bảo vệ an toàn tính mạng trẻ em

Vào mùa nước nổi, nhiều người dân thường đi giăng câu, thả lưới kiếm thêm thu nhập. Một số gia đình có trẻ nhỏ, người lớn thường mang các em theo, nhiều hộ sống rải rác ven các bờ kênh, nhà lại thiếu các rào chắn bảo vệ trẻ. Ngoài ra, trẻ tắm sông thiếu sự quan sát của người lớn cũng là một trong những nguy cơ dẫn đến tình trạng đuối nước trong mùa lũ.

Trẻ em cần được trông coi cẩn thận trong mùa lũ, tránh sự cố đáng tiếc có thể xảy ra

Trẻ em cần được trông coi cẩn thận trong mùa lũ, tránh sự cố đáng tiếc có thể xảy ra

Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Hưng - Võ Chí Hùng cho biết: “Nhằm bảo đảm an toàn tuyệt đối cho trẻ trong mùa lũ, địa phương huy động tất cả trẻ em vùng ngập lũ trên địa bàn các xã, thị trấn đến học tập, vui chơi tại những điểm giữ trẻ an toàn, tạo điều kiện cho cha mẹ trẻ an tâm mưu sinh trong mùa lũ. Huyện tập trung điều tra, rà soát số trẻ trên địa bàn ngập lũ, số trẻ thuộc gia đình khó khăn, neo đơn, cha mẹ lao động kiếm sống thường xuyên vắng nhà, đồng thời bố trí các điểm giữ trẻ ở những cụm, tuyến dân cư vượt lũ hoặc tại những gia đình có bảo đảm an toàn cho trẻ như nhà cửa cao ráo, có hàng rào bảo vệ trẻ,... Tùy điều kiện các xã, thị trấn, bố trí các điểm giữ trẻ phù hợp, mỗi điểm có từ 15-30 trẻ và có 2-3 người giữ trẻ.

“Để bảo đảm công tác phòng, chống đuối nước cho trẻ em, huyện tăng cường tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức bảo vệ tính mạng cho trẻ em, không chủ quan, lơ là để trẻ tắm sông, kênh, vui chơi ở khu ngập nước mà không có sự giám sát của người lớn. Đối với các gia đình có trẻ mà không an toàn, phải đưa trẻ đến điểm giữ trẻ tập trung. Ngành giáo dục và đào tạo chủ động theo dõi tình hình lũ, đề xuất cho học sinh nghỉ lũ. Các trường mầm non lập phương án tiếp nhận giữ trẻ tại nhà trường nếu người dân có nhu cầu gửi trẻ trong mùa lũ (ngoài số trẻ đang theo học tại trường)” - Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Hưng - Huỳnh Thanh Hiền cho biết.

Trước tình hình lũ năm 2018 còn diễn biến phức tạp, để giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản, các địa phương vùng ngập lũ cần phát huy hơn nữa những kinh nghiệm, đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân trong chủ động phòng tránh./.

Văn Đát

Chia sẻ bài viết