Tiếng Việt | English

09/08/2023 - 09:09

Chủ trương hợp lòng dân

Chưa đầy 1 tháng nữa sẽ tới ngày khai giảng năm học mới. Thông tin Chính phủ yêu cầu không tăng học phí năm học 2023-2024 khiến không ít phụ huynh, học sinh phấn khởi vì được giảm “gánh nặng” sau thời gian lo lắng học phí năm học tới tăng cao.

Văn phòng Chính phủ vừa ban hành Thông báo số 300/TB-VPCP: Kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ - Trần Hồng Hà tại cuộc họp về dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 81/2021/NĐ-CP, ngày 27/8/2021 của Chính phủ quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo.

Tại thông báo trên, Phó Thủ tướng Chính phủ - Trần Hồng Hà yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo khẩn trương tiếp thu ý kiến các đại biểu dự họp, thống nhất với các bộ có liên quan để hoàn thiện dự thảo nghị định theo hướng quy định rõ một số điều, khoản về việc chưa triển khai, chưa áp dụng lộ trình cơ chế thu, quản lý học phí quy định tại Nghị định số 81/2021/NĐ-CP và không tăng học phí năm học 2023-2024.

Chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ rất kịp thời, hợp tình, hợp lý nên được đông đảo phụ huynh, học sinh đồng tình trong bối cảnh thu nhập và đời sống của đại bộ phận người dân đang đối mặt với nhiều khó khăn. Kinh tế hậu dịch Covid-19 tăng trưởng chậm. Nhiều doanh nghiệp không có đơn hàng kéo theo nhiều người lao động bị mất việc, giảm giờ làm, dẫn đến giảm thu nhập hoặc mất thu nhập. Việc tăng học phí theo lộ trình quy định tại Nghị định số 81/2021/NĐ-CP sẽ gây áp lực lớn lên đời sống của nhiều người dân và sẽ khiến “con đường đến trường” của nhiều học sinh thêm gập ghềnh.

Với những gia đình có thu nhập và kinh tế khá giả, mức đóng học phí vài trăm ngàn đồng/tháng không phải là vấn đề lớn. Tuy nhiên, với công nhân, lao động hay những người buôn bán nhỏ, làm việc thời vụ thì đây là một khoản tiền lớn cần phải tính toán khi cho con đi học. Bởi lẽ, ngoài học phí, phụ huynh còn phải lo nhiều khoản đóng góp, chi tiêu cho con đến trường: Sách giáo khoa, đồ dùng học tập, đồng phục, tiền cơ sở vật chất, quỹ lớp, học thêm,... Theo tính toán sơ bộ, các khoản đóng góp, mua sắm đầu năm của một gia đình lao động có 2 người con học phổ thông cũng lên đến hàng chục triệu đồng, bằng hoặc hơn cả tháng lương của cha/mẹ.

Bên cạnh chính sách chung của Chính phủ, nhiều địa phương trong cả nước cũng đã ban hành chính sách hỗ trợ học phí cho học sinh phổ thông theo hướng miễn học phí hoặc cấp bù 100% mức học phí tăng theo lộ trình quy định tại Nghị định số 81/2021/NĐ-CP.

Đảng, Nhà nước ta đã xác định quan điểm: Giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu; đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho tương lai. Chính sách hỗ trợ học phí của Chính phủ là một trong những giải pháp nhằm cụ thể hóa quan điểm đó. Đây cũng là một chính sách nhân văn, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, tạo cơ hội cho mọi trẻ em đều được đến trường, nhất là trẻ em nghèo, có hoàn cảnh khó khăn không phải bỏ học vì gánh nặng chi phí học tập./.

Thanh Tuyền

Chia sẻ bài viết