Tiếng Việt | English

06/06/2022 - 11:11

Chú ý theo dõi sức khỏe, phòng bệnh viêm gan cấp tính không rõ nguyên nhân

Thời gian qua, bệnh viêm gan cấp tính không rõ nguyên nhân xảy ra đối với trẻ em tại một số quốc gia trên thế giới. Để hạn chế nguy cơ mắc và tử vong, phóng viên (PV) Báo Long An có cuộc phỏng vấn Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh - bác sĩ (BS) CKII Huỳnh Hữu Dũng về những khuyến cáo các biện pháp phòng bệnh.

Phụ huynh cần chú ý đưa trẻ sơ sinh, trẻ dưới 1 tuổi đi tiêm chủng vắc-xin viêm gan B đầy đủ, đúng lịch

PV: Thưa BS, bệnh viêm gan cấp tính không rõ nguyên nhân có những biểu hiện gì?

BS CKII Huỳnh Hữu Dũng: Bệnh viêm gan cấp tính không rõ nguyên nhân xảy ra ở trẻ từ 1 tháng tuổi đến 16 tuổi, hầu hết bệnh nhi hồi phục hoàn toàn, tuy nhiên có một số trường hợp chuyển nặng, gần 10% trường hợp phải ghép gan. Theo Tổ chức Y tế Thế giới, ca bệnh (ca bệnh giám sát) có thể là những trẻ dưới 16 tuổi có biểu hiện viêm gan cấp tính (không do virút viêm gan A, B, C, D, E) với men gan tăng trên 500 IU/l (SGOT hoặc SGPT) và thời gian xuất hiện triệu chứng bắt đầu từ ngày 01-10-2021 đến nay. Các trường hợp được xác định là viêm gan cấp tính có biểu hiện như đau bụng, tiêu chảy, nôn mửa và men gan tăng cao rõ rệt.

Tổ chức Y tế Thế giới, Trung tâm Phòng, chống và kiểm soát dịch bệnh châu Âu cho biết, hiện nguyên nhân chính xác gây viêm gan ở những bệnh nhi này vẫn chưa được tìm ra, các cuộc điều tra vẫn đang được tiến hành. Tuy nhiên, các trường hợp mắc xảy ra ở những nơi lưu hành cao virút Adeno.

PV: Ngành Y tế tỉnh có những biện pháp gì để chủ động phòng bệnh, thưa BS?

BS CKII Huỳnh Hữu Dũng: Ngày 20/5/2022, Sở Y tế có Công văn 3199/SYT-NV
về việc tăng cường giám sát viêm gan chưa rõ nguyên nhân. Theo đó, Sở đề nghị Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, các cơ sở y tế tùy theo chức năng, nhiệm vụ theo dõi chặt chẽ, điều tra dịch tễ và báo cáo các trường hợp viêm gan cấp tính không rõ nguyên nhân, đặc biệt là nhóm trẻ dưới 16 tuổi trên địa bàn; triển khai hoạt động phòng, chống viêm gan virút theo Quyết định 4531/QĐ-BYT, ngày 24/9/2021 của Bộ Y tế, tăng cường tiến độ bao phủ
vắc-xin viêm gan B cho trẻ em trong độ tuổi tiêm chủng đạt chỉ tiêu của Bộ Y tế, nhất là tỷ lệ tiêm chủng vắc-xin viêm gan B cho trẻ sơ sinh;...

Biện pháp hữu hiệu nhất để phòng bệnh, không chỉ riêng bệnh viêm gan cấp tính không rõ nguyên nhân mà cả các bệnh truyền nhiễm thường gặp khác là rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và các dung dịch sát khuẩn

Cơ sở khám, chữa bệnh tăng cường lấy mẫu xét nghiệm các trường hợp viêm gan cấp tính không rõ nguyên nhân để xác định căn nguyên; thực hiện tốt việc khám sàng lọc phát hiện sớm các trường hợp nhiễm viêm gan virút để điều trị, quản lý kịp thời, hạn chế biến chứng; thực hiện tốt các hướng dẫn về việc dự phòng, chẩn đoán, điều trị và chăm sóc bệnh nhân viêm gan virút.

Bên cạnh đó, các trường hợp nhập cảnh tại các cửa khẩu, cảng biển được giám sát chặt chẽ để phát hiện những triệu chứng nghi ngờ, kịp thời báo cáo về Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh để tham mưu chỉ đạo xử lý. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh sẽ theo dõi, cung cấp tài liệu truyền thông cho các đơn vị; đồng thời, theo dõi, báo cáo ngay cho Sở Y tế những trường hợp nghi ngờ để triển khai biện pháp phòng, chống dịch.

PV: BS có những khuyến cáo gì để phụ huynh chủ động phòng ngừa bệnh, bảo vệ sức khỏe của trẻ?

BS CKII Huỳnh Hữu Dũng: Hiện nay, Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp viêm gan cấp tính không rõ nguyên nhân. Do đó, người dân không nên quá hoang mang, lo lắng và cũng không được chủ quan, lơ là trước nguy cơ bệnh xâm nhập.

Ngành Y tế khuyến cáo người dân chủ động, tích cực thực hiện các biện pháp tạm thời để phòng bệnh. Trong đó, biện pháp hữu hiệu nhất là rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và các dung dịch sát khuẩn thông thường; che miệng khi ho, hắt hơi; bảo đảm vệ sinh phòng bệnh cá nhân. Đồng thời, các phụ huynh cần chú ý đưa trẻ sơ sinh, trẻ dưới 1 tuổi tiêm
vắc-xin phòng viêm gan B đầy đủ, đúng lịch; theo dõi sức khỏe của trẻ, phát hiện sớm các bất thường, đặc biệt khi trẻ sốt cao, rối loạn tri giác, nước tiểu vàng sậm, vàng mắt và da, ngứa da. Trẻ cảm thấy mệt mỏi bất thường, đau bụng, tiêu chảy, ói mửa,... cần đưa đến các cơ sở y tế để chẩn đoán, điều trị kịp thời.

PV: Xin cảm ơn BS!

Cát Tường (thực hiện)

Chia sẻ bài viết