Điều trị thoái hóa khớp gối bằng tế bào gốc mô mỡ tự thân là phương pháp mới lần đầu được các chuyên gia Nhật Bản giới thiệu tại miền Bắc, thông qua Hội thảo có chủ đề: "Những nghiên cứu mới về bệnh lý xương khớp và bệnh lý khớp gối" diễn ra mới đây tại Hà Nội.
Hội thảo Những nghiên cứu mới về bệnh lý xương khớp và bệnh lý khớp gối
Theo bác sĩ Yoshihisa Aida, Viện trưởng Tokyo International Clinic (Nhật Bản), ứng dụng tế bào gốc trong điều trị thoái hóa khớp gối đã được thử nghiệm thành công cách đây gần 10 năm tại Mỹ. Tại Nhật Bản tỷ lệ thành công của phương pháp này đạt tới 83% chỉ sau 1 lần tiêm tế bào gốc cho bệnh nhân.
Đây là phương pháp áp dụng tế bào gốc tự thân, lấy từ mô mỡ ở thắt lưng của chính người bệnh (mỗi lần lấy khoảng 50ml) để tách chiết lấy tế bào gốc rồi cấy để nhân lên; sau đó tiêm vào khớp gối nhằm điều trị triệu chứng thoái hóa.
Việc gây tê để hút mỡ tự thân không gây đau cho bệnh nhân. Tuy nhiên, tuổi càng cao thì tế bào gốc trong mô mỡ càng ít và việc nuôi cấy để nhân tế bào gốc lên càng chậm. Với người cao tuổi quá trình nuôi cấy nhân tế bào gốc lên có thể kéo dài tới 3 tuần hoặc lâu hơn.
Do vậy, tốt nhất là khi còn trẻ, hãy lưu trữ tế bào gốc tại cơ sở y tế để sau này phục vụ việc điều trị nếu bị thoái hóa khớp gối. Tuổi càng trẻ thì tế bào gốc trong mô mỡ càng nhiều và càng tốt.
Trước câu hỏi của bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai, vì sao lại hút mô mỡ từ lưng để chiết lấy tế bào gốc mà không lấy từ bụng, bác sĩ Yoshihisa Aida cho biết, lấy mô mỡ từ lưng sẽ an toàn hơn. Việc lấy mô mỡ từ bụng đôi khi có thể gây ảnh hưởng đến các bộ phận nội tạng.
Trả lời câu hỏi của bác sĩ Bệnh viện đa khoa Phú Thọ, thoái hóa khớp ở giai đoạn nào thì nên tiêm tế bào gốc, tiêm một lượng bao nhiêu là đủ, bác sĩ Yoshihisa Aida cho biết, việc tiêm tế bào gốc điều trị thoái hóa khớp gối càng sớm và càng nhiều thì càng tốt.
Hầu hết các bệnh nhân mà bác sĩ Yoshihisa Aida điều trị tại Nhật Bản trước đó đều có chỉ định phải mổ để thay khớp gối, nhưng vì lo ngại trước một cuộc phẫu thuật nên họ đã tìm đến phương pháp tiêm tế bào gốc.
Tế bào gốc khi được tiêm vào khớp gối sẽ làm hoạt hóa và hỗ trợ các tế bào khác trong sụn phát triển. Phương pháp điều trị mới này có hiệu quả trung bình kéo dài từ 3-4 năm/1 lần tiêm tế bào gốc. Tuy nhiên, tuổi càng cao thì thời gian phát huy hiệu quả càng ngắn. Trong khi đó, các phương pháp truyền thống như tiêm thuốc giảm đau chỉ có hiệu quả trong một thời gian ngắn.
Trả lời câu hỏi của bác sĩ Bệnh viện Hồng Ngọc, phương pháp tiêm tế bào gốc có hiệu quả trong điều trị thoái hóa khớp háng và khớp vai không, bác sĩ Yoshihisa Aida cho biết, tại Nhật Bản việc điều trị bằng phương pháp tế bào gốc đối với khớp háng và khớp vai đều được thực hiện và đều phát huy hiệu quả./.
Văn Hải/VOV.VN