Khám sàng lọc trước khi tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em. (Ảnh: Trung Kiên/TTXVN)
Theo số liệu thống kê của Bộ Y tế, trong thời gian vừa qua, trẻ em dưới 18 tuổi mắc COVID-19 với tỷ lệ không nhỏ hơn so với người lớn, chiếm 19,3%. Tuy nhiên, riêng lứa tuổi từ 5 đến 11 tuổi lại chiếm tỷ lệ lên đến 8%.
Vì vậy, Bộ Y tế ngày 21/2 đã có công điện gửi Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố về việc tiếp tục triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19; đặc biệt là chuẩn bị mọi công tác để sẵn sàng tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 5-11 tuổi ngay khi Bộ Y tế có hướng dẫn.
Gần 10 triệu trẻ em từ 5 đến 11 tuổi
Theo Bộ Y tế, đại dịch COVID-19 trên thế giới vẫn tiếp tục diễn biến khó lường tại nhiều quốc gia. Tại Việt Nam, với tỷ lệ bao phủ vaccine phòng COVID-19 cao trên toàn quốc, đến nay dịch COVID-19 cơ bản đang được kiểm soát, tuy nhiên trong thời gian gần đây, số trường hợp mắc, kể cả số trường hợp tăng nặng và nguy kịch đang có xu hướng gia tăng.
Bộ Y tế dự báo trong thời gian tới, với nhu cầu đi lại vào mùa lễ hội năm 2022, có thể tiếp tục ghi nhận chuỗi lây nhiễm và tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch trong cộng đồng, trong bối cảnh dần mở cửa các hoạt động xã hội, phát triển kinh tế trở lại sẽ làm gia tăng số nhập viện, tạo áp lực lớn lên hệ thống chăm sóc y tế, đặc biệt tác động đến nhóm đối tượng nguy cơ cao (người già, người có bệnh nền).
Bộ Y tế yêu cầu các địa phương tiếp tục triển khai tiêm chủng phòng COVID-19 "thần tốc hơn nữa" để đảm bảo bao phủ liều bổ sung, liều nhắc lại cho các đối tượng từ 18 tuổi trở lên và đủ liều cơ bản cho các đối tượng từ 12-17 tuổi. Đặc biệt, các địa phương chuẩn bị sẵn sàng các nguồn lực để tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 5-11 tuổi ngay khi Bộ Y tế có hướng dẫn.
Theo thống kê, hiện nay có khoảng gần 10 triệu trẻ em từ 5 đến 11 tuổi.
Phó giáo sư Dương Thị Hồng - Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ trung ương cho hay tiếp theo tiêm chủng cho trẻ em từ 12 tuổi trở lên, trên thế giới hiện nay đang tiêm vaccine cho trẻ em từ 5 đến 11 tuổi. Theo thông tin của nhà sản xuất và Tổ chức Y tế Thế giới, có tới hơn 60 quốc gia triển khai tiêm vaccine cho trẻ từ 5 đến 11 tuổi. Hầu hết các quốc gia đã chấp thuận vaccine này từ tháng 11/2021 và nhiều quốc gia cho đến tận tháng 2/2022 đã chấp thuận vaccine để tiêm cho trẻ từ 5 đến 11 tuổi.
Cũng theo Phó giáo sư Dương Thị Hồng, hiện nay, đã có 80 triệu liều của hãng Pfizer/BioNTech được phân bổ cho các quốc gia, với tổng số là 64 quốc gia đã cho phép sử dụng vaccine cho trẻ từ 5 đến 11 tuổi. Các quốc gia châu Á như Nhật Bản, Philippines, Singapore, Malaysia cũng đã chấp thuận sử dụng vaccine cho trẻ từ 5 đến 11 tuổi. Việc sử dụng vaccine cho trẻ ở độ tuổi này theo khuyến cáo, số liệu của Tổ chức Y tế Thế giới và của nhà sản xuất thì tính an toàn của vaccine cũng tương tự như đối với vaccine sử dụng cho người lớn và trẻ lớn từ 12 tuổi cho đến dưới 18 tuổi. Do đó, Việt Nam triển khai như các quốc gia trên thế giới.
Số ca nhập viện sau tiêm chủng thấp
Phó giáo sư Nguyễn Thanh Hùng - Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1 (Thành phố Hồ Chí Minh), cho hay số ca nhập viện ở trẻ em từ 12-18 tuổi đã tiêm chủng của TP.Hồ Chí Minh thấp. Chẳng hạn như tháng 12/2021 chỉ nhận 3 ca trẻ em từ 12-18 tuổi. Tháng 1/2022 chỉ có 1 ca và ca này chưa được tiêm vaccine, bị tổn thương đa cơ quan mặc dù được hồi sức và cứu chữa tích cực nhưng không qua khỏi.
Trong khi đó, trước kia, ghi nhận tại Bệnh viện Nhi đồng 1 từ tháng 7/2021, điều trị hơn 2.000 ca COVID-19, trong đó trẻ em từ sơ sinh đến dưới 18 tuổi là 1.100 trường hợp. Sau tiêm cho trẻ từ 12-18 tuổi từ tháng 11/2021, số nhập viện giảm hẳn. Đơn cử như tháng 11/2021, có 163 trường hợp trẻ nhập viện; tháng 12/2021: 150 trường hợp. Đến tháng 1/2022 chỉ có 75 trường hợp.
Phân tích về vấn đề tiêm vaccine cho trẻ em từ 5-11 tuổi, tiến sỹ Trần Minh Điển - Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương nhấn mạnh trẻ em được quyền hưởng những thành quả của khoa học cũng như các nghiên cứu, xuất phát từ thực tế. Do vậy, các phụ huynh nên cho trẻ có cơ hội để phòng chống dịch bệnh và nếu không may mắc, thì sẽ không chuyển nặng và đặc biệt là không dẫn đến tình trạng tử vong.
Phó giáo sư Trần Minh Điển nhấn mạnh sự an toàn của loại vaccine này cũng đã được nghiên cứu bởi nhà sản xuất. Sau khi bảo đảm được an toàn và hiệu quả, Hoa Kỳ dù rất khắt khe trong việc cấp phép vaccine cũng đã cấp phép khẩn cấp vaccine cho nhóm tuổi này. Hiện đã có 60 quốc gia chỉ định vaccine này cho trẻ em.
Trước những nghi ngại của không ít phụ hunh về ảnh hưởng của vaccine về lâu dài, nhất là tới sinh sản, di truyền. Phó giáo sư Trần Minh Điển chỉ rõ: “Chúng ta cần hiểu rằng Vaccine Pfizer lấy vật liệu chính là các ARN thông tin (mRNA) đi vào trong bào tương tế bào miễn dịch; phối hợp cùng các ribosom tạo ra các protein S. Các protein S ra ngoài cùng các tế bào miễn dịch khác tạo các kháng thể chống đỡ vaccine. Các ARN thông tin này chỉ vào bào tương của tế bào; không xâm nhập vào nhân tế bào, nơi chứa các vật liệu di truyền của cơ thể con người. Đây là một cơ chế khoa học rất rõ ràng. Những ảnh hưởng ngay lập tức 5-7-10 ngày sau tiêm chúng ta cũng không nên lo ngại vì cũng giống như các loại vaccine tiêm chủng cho trẻ lớn hơn và người lớn.”
Phó giáo sư Dương Thị Hồng phân tích dưới góc độ người làm công tác tiêm chủng, việc tiêm vaccine đã giảm được gánh nặng bệnh tật rất rõ rệt, giảm hàng trăm đến hàng nghìn lần các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm ở trẻ em so với không tiêm chủng.
“Chúng tôi cũng khuyến cáo là cần phải tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em, vì COVID-19 cũng như các bệnh do virus, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu nên chúng ta cần phải đưa trẻ em đi tiêm vaccine phòng COVID-19 để chủ động phòng, chống bệnh truyền nhiễm.
Bởi trong quá khứ, có vaccine nhưng trẻ không được tiếp cận tiêm chủng và đã xảy ra những hậu quả đáng tiếc, đó là dịch sởi cách đây vài năm, rất thương tâm. Trẻ chưa được tiêm chủng mắc sởi và các cháu đã có những biến chứng rất trầm trọng dẫn đến tử vong. Trong khi đó, chúng ta có nguồn vaccine dồi dào và tỉ lệ tiêm chủng sởi rất cao, trên 90%; nhưng có những gia đình nhất định chưa đưa con mình đi tiêm chủng và hệ luỵ đã xảy ra,” Phó giáo sư Hồng dẫn chứng.
Về vaccine tiêm cho trẻ em từ 5 cho đến 11 tuổi, Việt Nam sử dụng vaccine do hãng Pfizer Biontech sản xuất, tuy nhiên hàm lượng kháng nguyên hoàn toàn khác với vaccine đã tiêm cho lứa tuổi trẻ từ 12 cho tới 17 tuổi, tương đương như người lớn. Hàm lượng vaccine ở trẻ 5-11 tuổi chỉ bằng 1/3 hàm lượng kháng nguyên so với lứa tuổi lớn hơn và cách thức triển khai, pha vaccine, đóng lọ và số liều vaccine trong một lọ sắp tới ngành y tế sẽ tập huấn rất kỹ lưỡng, có sự khác so với lọ vaccine cho trẻ lớn./.
Tổng số liều vaccine phòng COVID-19 đã được tiêm là 191.667.067 liều, trong đó:
+ Số liều tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên là 174.905.728 liều: Mũi 1 là 70.875.480 liều; Mũi 2 là 67.285.487 liều; Mũi 3 là 1.444.496 liều; Mũi bổ sung là 13.400.975 liều; Mũi nhắc lại là 21.899.290 liều.
+ Số liều tiêm cho trẻ từ 12-17 tuổi là 16.761.339 liều: Mũi 1 là 8.610.021 liều; Mũi 2 là 8.151.318 liều.
|
Theo TTXVN