Người dân qua lại biên giới làm các thủ tục tại trạm kiểm soát
Thắm tình bằng hữu
Hàng ngày, cầu Hữu Nghị 2 bắc qua kênh Cái Cỏ nối liền xã Hưng Điền, huyện Tân Hưng, tỉnh Long An và xã Chàm, huyện Kampong Trabaek, tỉnh Prey Veng, có nhiều người qua lại thăm thân, trao đổi hàng hóa. Cầu được khởi công trong tháng 6/2014 do Sở Giao thông Vận tải làm chủ đầu tư và khánh thành, đưa vào sử dụng từ tháng 7/2015 đến nay.
Bà Nguyễn Thị Ánh (xã Hưng Điền) chia sẻ: “Trước đây, đi đò phải mất hơn 15 phút nhưng giờ qua cầu chỉ 1 phút. Ngoài thời gian được rút ngắn, cầu Hữu Nghị 2 còn kết nối thông thương, thúc đẩy phát triển kinh tế biên mậu”.
Cách cầu Hữu Nghị 2 vài kilômét cũng có cây cầu Hữu Nghị 1 nối liền xã Khánh Hưng, huyện Vĩnh Hưng, tỉnh Long An với xã Crua, huyện Svay Chrum, tỉnh Svay Rieng được đưa vào sử dụng từ năm 2012. Gặp chúng tôi ngay tại dốc cầu, chị Khon nhà ở xã Chàm nói khá rành tiếng Việt: “Cầu mang tên Hữu Nghị cũng chính là biểu tượng về mối quan hệ hợp tác, sinh sống đoàn kết, hòa bình giữa nhân dân 2 bên biên giới. Qua đó, nhắc nhở chúng tôi phải có trách nhiệm làm nhiều việc tốt, hữu ích để bồi đắp thêm mối đoàn kết bền chặt, hữu nghị, xây dựng tuyến biên giới bình yên, ngày càng phát triển”.
Cũng như nhiều nơi khác trên vùng biên giới của tỉnh, điểm dân cư ở xã Hưng Điền A, huyện Vĩnh Hưng có nhiều căn nhà mới được xây dựng, tô thắm thêm bức tranh của biên giới đang ngày càng khởi sắc.
Trò chuyện với chúng tôi, ông Phạm Văn Trường sinh sống tại đây nhiều lần nói lời cảm ơn Đảng, Nhà nước đã giúp đỡ, hỗ trợ gia đình xây căn nhà mới. Ông Trường hứa sẽ gương mẫu chấp hành nghiêm pháp luật, chí thú lao động, sản xuất; sống đoàn kết, nghĩa tình với hàng xóm, láng giềng và những người bạn, người dân Campuchia. “Chủ quyền lãnh thổ quốc gia đã có đường biên, cột mốc phân định. Cho nên trong quá trình sinh sống, làm ruộng, người dân 2 bên không bao giờ có hành vi lấn chiếm đất của nhau” - ông Trường tâm sự.
Tại khu vực Cửa khẩu Quốc tế Bình Hiệp (thị xã Kiến Tường), các hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa diễn ra khá sôi nổi. Chúng tôi gặp ông Lê Văn Nam, người dân xã Bình Hiệp và được nghe kể về việc người dân tích cực tham gia bảo vệ đường biên, cột mốc, giữ gìn an ninh, trật tự (ANTT) địa bàn, xây dựng tuyến biên giới hòa bình, hữu nghị, phát triển. “Ở bên Campuchia, tôi có mấy người bạn. Nhà ai có đám tiệc đều sang dự; có bệnh, tang sự là đến thăm hỏi, động viên. Vào dịp lễ, tết, chúng tôi cũng sang chúc mừng nhau” - ông Nam chia sẻ.
Chỉ tay về những cửa hàng buôn bán gần chợ Bình Hiệp, ông Nam nói, bảng hiệu cửa hàng thường có 2 ngôn ngữ Việt Nam, Campuchia. Tại những cửa hàng đó, có những trường hợp người dân 2 bên biên giới sẵn sàng bán hàng thiếu cho nhau. Khi thu hoạch mùa vụ xong là đến thanh toán nợ rất sòng phẳng nên không khi nào thấy xảy ra cự cãi, tranh chấp.
Luôn nêu cao ý thức, trách nhiệm
Người dân biên giới luôn nêu cao trách nhiệm bảo vệ đường biên, cột mốc
Gia đình chị Phạm Thị Hoa là một trong những hộ lên ở cách đây chưa lâu tại Điểm dân cư liền kề chốt dân quân biên giới Gò Dồ Nhỏ, xã Bình Thạnh, huyện Mộc Hóa. Gia đình hiện có 5.000m2 đất đang trồng mít Thái và nuôi đàn bò 20 con. “Tôi luôn tích cực hưởng ứng, tham gia các phong trào bảo đảm ANTT, giữ gìn đường biên, cột mốc. Nếu phát hiện những nguy cơ ảnh hưởng đến ANTT biên giới, chúng tôi đều báo ngay cho chính quyền và lực lượng chức năng để kịp thời giải quyết” - chị Hoa nói.
Cũng như nhiều hộ dân khác, anh Phan Minh Chí sinh sống trên khu vực biên giới tại ấp 3, xã Tân Hiệp, huyện Thạnh Hóa kể cho chúng tôi nghe nhiều câu chuyện về làm nông nghiệp, việc học hành của con em, sự thay đổi của biên giới. Trong đó, anh nói nhiều về trách nhiệm của bản thân, gia đình trong bảo vệ, giữ gìn ANTT, chủ quyền lãnh thổ quốc gia. Anh Chí cho biết, bản thân luôn nêu cao tinh thần cảnh giác, tuyệt đối không nghe theo những lời rủ rê, lôi kéo, xúi giục của kẻ xấu làm ảnh hưởng đến mối quan hệ tốt đẹp giữa người dân 2 bên biên giới.
Tại xã biên giới Mỹ Quý Tây, huyện Đức Huệ những ngày này, tại các quán giải khát ven đường dễ dàng nhìn thấy người dân 2 bên biên giới Campuchia và Việt Nam ngồi uống trà, cà phê, nói chuyện rôm rả. Từ chuyện gia đình, cuộc sống, chia sẻ kiến thức sản xuất nông nghiệp thì những người bạn xuyên quốc gia vẫn thường nhắc nhau giữ gìn sự đoàn kết, chung sức bảo vệ đường biên, cột mốc, chủ quyền lãnh thổ quốc gia.
Ông Võ Thành Sơn (xã Mỹ Quý Tây) bộc bạch: “Là cư dân sống ở miền biên viễn của Tổ quốc, chúng tôi càng phải đoàn kết, phát huy trách nhiệm để góp phần giữ gìn, xây đắp tình đoàn kết, hữu nghị giữa 2 nước".
Thời gian qua, các cấp, các ngành, nhất là đơn vị, lực lượng đứng chân trên địa bàn biên giới luôn xây dựng kế hoạch và triển khai, thực hiện đồng bộ các biện pháp công tác bảo đảm ANTT địa bàn biên giới, bảo vệ đường biên, cột mốc, chủ quyền lãnh thổ quốc gia, phòng, chống dịch bệnh, tăng cường công tác đối ngoại giữa các lực lượng, chính quyền và nhân dân 2 bên biên giới,...
Nhờ sự chủ động, phối hợp chặt chẽ giữa người dân và các cấp chính quyền, các lực lượng nên nhiều vụ trộm cắp, buôn lậu, xâm nhập biên giới trái phép đã được phát hiện, ngăn chặn kịp thời, bắt giữ được đối tượng, góp phần bảo đảm ANTT tại địa bàn.
Người dân và bộ đội biên phòng phát quang, vệ sinh cột mốc
“Bộ đội biên phòng thường xuyên phối hợp các cấp, các ngành đẩy mạnh công tác tuyên truyền trong nhân dân, nhất là ở địa bàn biên giới về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia để cùng tham gia bảo vệ, giữ gìn” - Đại tá Đoàn Văn An - Chính ủy Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, cho biết./.
Lê Đức