Người dân xã Bình Thành, huyện Đức Huệ vui mừng đi trên cầu mới
Vùng biên đổi mới
Có mặt tại buổi khánh thành cầu Bò Cạp 2 hôm giáp Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018, ông Lại Hồng Dự (ngụ ấp 4, xã Bình Thành, huyện Đức Huệ, tỉnh Long An) xúc động: “Suốt 4 tháng thi công cầu, ngày nào, tôi cũng ra xem, phụ được gì cho anh em công nhân thì phụ. Không riêng tôi, tất cả người dân ấp 2 và ấp 4 đều mừng. Trước đây, lúc chưa có cầu, việc canh tác lúa ở bờ bên kia của người dân rất bất tiện vì phải vận chuyển vật tư đi đường vòng rất xa, mất nhiều chi phí. Chắc chắn, cầu thông thương, lúa bán sẽ có giá cao hơn bởi thương lái có thể đến tận ruộng thu mua”.
Bà Trương Thị Rành (85 tuổi), ngụ ấp 2, xã Bình Thành, huyện Đức Huệ, được mời đến dự khánh thành cầu Bò Cạp 2, rưng rưng nước mắt: “Người dân ở đây luôn ghi nhớ tấm lòng của Ban Tổ chức chương trình Cầu nông thôn, các nhà tài trợ, giúp chúng tôi có đường đi, lối về an toàn, thuận tiện hơn dù nắng hay mưa. Trước đây, chưa có cầu, học trò đi học vất vả lắm! Nay thì người dân, học trò hết sợ cảnh đi qua “cầu khỉ””.
Bí thư Huyện ủy Đức Huệ - Phạm Văn Trấn thông tin: Dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018, Đức Huệ được Ban Tổ chức chương trình Cầu nông thôn bàn giao 11 công trình giao thông với tổng vốn đầu tư hơn 4,8 tỉ đồng. Tính đến nay, Đức Huệ có 17 công trình được khánh thành và bàn giao từ chương trình này, với tổng vốn đầu tư hơn 7,8 tỉ đồng. Bình quân, mỗi cầu có chiều rộng 4,5m, tải trọng 3,5 tấn, dài 12,5-20m.
Cầu mới thay thế những cây cầu cũ nhỏ, hẹp, nối liền các tuyến đường giao thông nông thôn không chỉ tạo điều kiện phát triển về giao thông cho địa phương, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển nông nghiệp mà còn góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân. Từ đó, làm thay đổi bộ mặt nông thôn vùng biên giới.
Nguyên Chủ tịch nước - Trương Tấn Sang hòa cùng niềm vui của người dân khi rảo bước trên những cây cầu mới
"Việc xây dựng cầu nông thôn, đặc biệt là ở vùng khó khăn, biên giới chính là hoạt động tri ân. Bởi, trong thời kỳ kháng chiến, người dân nơi đây anh dũng chiến đấu, hy sinh và có nhiều gia đình che chở cho lực lượng cách mạng. Và trong hoạt động tri ân này, có nhiều nhà tài trợ, doanh nghiệp, doanh nhân là “những người bạn đồng hành”
Nguyên Chủ tịch nước - Trương Tấn Sang
|
Những người bạn đồng hành
Là người khởi xướng, quan tâm và theo sát chương trình Cầu nông thôn, nguyên Chủ tịch nước - Trương Tấn Sang hầu như có mặt trong tất cả chuyến khảo sát hay khánh thành các công trình. Nguyên Chủ tịch nước nói: “Chương trình xây dựng nông thôn mới là chương trình cấp quốc gia. Khi làm thành công chương trình Cầu nông thôn, đặc biệt là ở những vùng sâu, vùng xa và biên giới cũng có nghĩa là chúng ta giải quyết được một phần về nhiệm vụ phát triển KT-XH, công tác quốc phòng và an ninh quốc gia. Tôi hy vọng, giai đoạn tiếp theo, chương trình càng phát triển hơn nữa...”.
Nguyên Chủ tịch nước - Trương Tấn Sang nhấn mạnh: “Việc xây dựng cầu nông thôn, đặc biệt là ở vùng khó khăn, biên giới chính là hoạt động tri ân. Bởi, trong thời kỳ kháng chiến, người dân nơi đây anh dũng chiến đấu, hy sinh và có nhiều gia đình che chở cho lực lượng cách mạng. Và trong hoạt động tri ân này, có nhiều nhà tài trợ, doanh nghiệp, doanh nhân là “những người bạn đồng hành”.
Tổng Công ty Viễn thông MobiFone là 1 trong 12 “bạn đồng hành” cùng chương trình tại Long An từ những ngày đầu tiên được phát động. Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Viễn thông MobiFone - Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ: “Tháng 10-2016, MobiFone ký kết hợp tác với Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam tài trợ xây dựng 10 cây cầu cho các tỉnh vùng sâu, vùng xa, còn nhiều khó khăn của vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Ngay khi được UBND tỉnh và các ngành chức năng tỉnh Long An phê duyệt thiết kế, MobiFone triển khai thi công với tiến độ nhanh nhất để sớm đưa các cây cầu vào sử dụng, phục vụ sinh hoạt và sản xuất của người dân. Hiện, MobiFone hoàn tất dự án xây dựng và bàn giao 10 cây cầu nông thôn cho huyện biên giới Đức Huệ”.
Đến nay, các doanh nghiệp, mạnh thường quân tài trợ cho 6 huyện biên giới và huyện Đức Hòa 94 cầu, 4 cống với tổng số tiền khoảng 70 tỉ đồng. Hiện tại, tổng số cầu đưa vào sử dụng là 33 cây cầu và 3 cống. Những cây cầu còn lại đang khẩn trương triển khai để sớm đưa vào sử dụng. Các công trình hoàn thành tạo nên diện mạo mới cho vùng nông thôn, giúp việc đi lại, vận chuyển nông sản của người dân dễ dàng, thuận lợi hơn, góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH địa phương./.
Mai Hương