Tiếng Việt | English

30/10/2018 - 09:22

Chuyển biến từ chính sách “tam nông” - Bài 1: Nông nghiệp khởi sắc

Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 05/8/2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X, về nông nghiệp, nông dân và nông thôn (nghị quyết “tam nông”), diện mạo nông thôn của tỉnh Long An có nhiều đổi mới, đời sống người dân không ngừng được cải thiện, sản xuất nông nghiệp có những bước phát triển nhảy vọt.

Nông dân ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất lúa

Nông dân ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất lúa 

Với nhiều chính sách đồng bộ, nghị quyết “tam nông” đã “chắp cánh” cho nông nghiệp của tỉnh từng bước phát triển theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, thúc đẩy nông dân thi đua sản xuất, làm giàu trên mảnh đất quê hương.

Đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Lê Văn Hoàng cho biết: “Những năm qua, trên cơ sở nhu cầu thị trường, lợi thế của từng vùng và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả đất nông nghiệp, ngành đã tham mưu UBND tỉnh phê duyệt và triển khai thực hiện các quy hoạch, đề án quan trọng, làm cơ sở để tập trung đầu tư đồng bộ kết cấu hạ tầng vùng sản xuất (hệ thống thủy lợi, đường giao thông, điện,...) và chuyển giao khoa học - kỹ thuật cho nông dân”.

Trong lĩnh vực trồng trọt, tỉnh tập trung triển khai thực hiện tái cơ cấu theo hướng chuyển đổi cây trồng có năng suất, chất lượng cao, phù hợp với thị trường tiêu thụ, đặc biệt là triển khai thực hiện Đề án Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (ƯDCNC) gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Nhiều mô hình sản xuất được thực hiện theo hướng liên kết “4 nhà”: Mô hình Cánh đồng lớn; 3 giảm, 3 tăng; 1 phải, 5 giảm; Cộng đồng quản lý rầy nâu;... mang lại lợi nhuận cao cho nông dân.

Ông Lưu Văn E, ngụ ấp Hưng Tân, xã Hưng Thạnh, huyện Tân Hưng, bộc bạch: “So với 10 năm trước, nông dân bây giờ đỡ vất vả hơn nhiều. Tham gia vào cánh đồng lớn, nông dân không chỉ được hỗ trợ về kỹ thuật mà giống, vật tư nông nghiệp được doanh nghiệp liên kết với hợp tác xã đầu tư đến cuối vụ mới thu hồi vốn. Nông sản cũng được bao tiêu với giá cao hơn thị trường, lợi nhuận tăng thêm từ 4-5 triệu đồng/ha/vụ. Thấy được hiệu quả của mô hình, nhiều hộ nông dân đã chủ động đăng ký tham gia”.

Tăng cường ứng dụng công nghệ cao

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã hình thành các vùng sản xuất hàng hóa nông sản tập trung theo lợi thế của từng vùng sinh thái: Vùng chuyên sản xuất lúa chất lượng cao (gồm các huyện thuộc vùng Đồng Tháp Mười với diện tích khoảng 198.000ha); vùng phát triển cây công nghiệp, cây ăn quả (diện tích khoảng 103.000ha); vùng nông nghiệp ven đô (diện tích khoảng 40.000ha);... Bên cạnh đó, các mô hình sản xuất ƯDCNC giúp nông dân tiết kiệm được chi phí, tăng lợi nhuận từ 1,5-7 triệu đồng so với ngoài mô hình.

Ông Nguyễn Văn Năm, ngụ ấp Trong, xã Phước Hậu, huyện Cần Giuộc, gắn bó với nghề trồng rau mấy chục năm nay, phấn khởi nói: “Dù vốn đầu tư sản xuất ban đầu khá cao nhưng khi trồng rau ƯDCNC, nông dân được nhiều cái lợi. Không những tiết kiệm được chi phí công lao động, nước tưới, thuốc bảo vệ thực vật, hạn chế sâu, bệnh gây hại mà năng suất, chất lượng nông sản cũng tăng lên. Lợi nhuận so với phương pháp canh tác truyền thống cao hơn khoảng 5 triệu đồng/1.000m2”.

Theo ông Lê Văn Hoàng, từ năm 2014, tình hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa diễn ra mạnh mẽ, có trên 23.500ha đất lúa chuyển sang trồng thanh long, chanh, rau màu các loại, nuôi thủy sản,... mang lại hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên, cây lúa vẫn chiếm ưu thế cả về năng suất và chất lượng. Năm 2017, diện tích lúa gieo sạ 526.718ha (tăng 70.431ha), năng suất bình quân đạt 50,3 tạ/ha (tăng 2,63 tạ/ha ), sản lượng lúa đạt 2,64 triệu tấn (tăng 465.000 tấn so với năm 2008).

Trong đó, lúa chất lượng cao ngày càng tăng trong tổng sản lượng lúa toàn tỉnh. Năm 2017, sản lượng lúa chất lượng cao toàn tỉnh đạt 1,2 triệu tấn, chiếm 45% tổng sản lượng lúa; dự kiến năm 2018 đạt 1,3 triệu tấn, chiếm 48% tổng sản lượng lúa của tỉnh. Đến nay, có trên 70% diện tích gieo trồng sử dụng giống xác nhận; đã hình thành vùng sản xuất lúa ƯDCNC ở các huyện vùng Đồng Tháp Mười với tổng diện tích khoảng 20.000ha, vùng rau 2.000ha, vùng thanh long 2.000ha,...

Chắp cánh cho nông nghiệp phát triển

Nông dân chủ yếu sản xuất manh mún, nhỏ, lẻ theo hộ gia đình. Để tổ chức lại sản xuất, tỉnh ban hành và triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, củng cố, phát triển hợp tác xã, tổ hợp tác trong vùng sản xuất nông nghiệp ƯDCNC gắn với xây dựng nông thôn mới. Toàn tỉnh hiện có 2 liên hiệp hợp tác xã và 107 hợp tác xã đang hoạt động với 2.567 thành viên, tổng vốn điều lệ trên 134 tỉ đồng và 1.270 tổ hợp tác nông nghiệp với 15.720 thành viên.

Về chăn nuôi, trên địa bàn tỉnh đã hình thành vùng chăn nuôi bò thịt ƯDCNC tại huyện Đức Hòa, Đức Huệ và đã vận động thành lập 2 hợp tác xã, 6 tổ hợp tác để triển khai thực hiện các hoạt động hỗ trợ người chăn nuôi bò ƯDCNC. Song song đó, để phát triển đàn bò sữa, ngành nông nghiệp triển khai Dự án phát triển giống bò sữa bằng phương án sử dụng tinh phân biệt giới tính giai đoạn 2014-2016. Hiện số lượng bò sữa tăng 10.892 con so với năm 2008.

Qua 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X) về “tam nông”, tình hình nuôi trồng thủy sản cũng có nhiều chuyển biến rõ rệt, nhất là sau khi triển khai thực hiện Chính sách khuyến khích phát triển thủy sản vùng Đồng Tháp Mười (năm 2012), Chính sách hỗ trợ mô hình đầu tư xây dựng ao lắng trong nuôi tôm nước lợ trên địa bàn tỉnh (năm 2014),... Nhờ đó, tăng trưởng lĩnh vực thủy sản giai đoạn 2008-2010 từ -1,78% tăng lên 4,21% năm 2017.

Trồng rau ứng dụng công nghệ cao giúp nông dân tiết kiệm nhiều chi phí sản xuất

Trồng rau ứng dụng công nghệ cao giúp nông dân tiết kiệm nhiều chi phí sản xuất

Những năm gần đây, nuôi thủy sản nước ngọt vùng Đồng Tháp Mười đang phát triển mạnh diện tích ươm cá tra bột giống, bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế vượt trội. Tổng diện tích ao ươm cá tra trên địa bàn toàn tỉnh trên 1.000ha, chủ yếu tập trung ở các huyện: Tân Hưng, Vĩnh Hưng, Tân Thạnh. Hiện nay, trên 80% diện tích ươm cá cho lợi nhuận rất cao, từ 330-400 triệu đồng/ha; cá biệt, có hộ đạt 600-800 triệu đồng/ha. Ông Phạm Văn Cường, ngụ khu phố Rọc Chanh A, thị trấn Tân Hưng, huyện Tân Hưng, vui mừng chia sẻ: “Với 1ha cá, nếu trúng giá, lợi nhuận cao gấp 10 lần so với trồng lúa. Vụ vừa rồi, gia đình tôi bán cá với giá 70.000 đồng/kg (loại 30 con/kg), lợi nhuận trên 400 triệu đồng/ha”.

Có thể khẳng định, 10 năm qua, Nghị quyết Trung ương 7 về “tam nông” đạt nhiều kết quả tích cực, trở thành “đòn bẩy” đưa nông nghiệp của tỉnh phát triển lên một tầm cao mới.

(còn tiếp)

Bài 2: Nông thôn đổi mới

An Kỳ

Chia sẻ bài viết