Tiếng Việt | English

31/10/2018 - 10:46

Chuyển biến từ chính sách “tam nông” - Bài 2: Nông thôn đổi mới

Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 05/8/2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X, về nông nghiệp, nông dân và nông thôn (nghị quyết “tam nông”), diện mạo nông thôn của tỉnh Long An có nhiều đổi mới, đời sống người dân không ngừng được cải thiện, sản xuất nông nghiệp có những bước phát triển nhảy vọt.

Đường giao thông nông thôn xã Phước Đông được tráng bêtông, lắp đèn chiếu sáng với sự góp sức của nhân dân

Đường giao thông nông thôn xã Phước Đông được tráng bêtông, lắp đèn chiếu sáng với sự góp sức của nhân dân

Những năm qua, từ các chính sách phát triển “tam nông”cùng các nguồn lực thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc giavề xây dựng nông thôn mới (XDNTM) đã mang lại cho khu vực nông thôn của tỉnh một diện mạo hoàn toàn mới.

Đổi thay toàn diện

Trở lại xã Phước Đông, huyện Cần Đước những ngày cuối tháng 10, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng bởi miền quê này đang thay da, đổi thịt từng ngày. Những con đường đất, đá đỏ nhỏ, hẹp, sình lầy trước kia nay được thay thế bằng đường nhựa, đường bêtông hoặc đá 0x4. Nhiều ngôi nhà tường, mái ngói mọc lên bên những đầm tôm và ruộng lúa xanh ngát. Bà Nguyễn Thị Phụng, ngụ ấp 2, xã Phước Đông, bộc bạch: “Được Nhà nước quan tâm đầu tư, người dân phấn khởi lắm! Người có đất thì hiến đất, người có tiền thì góp tiền, nhờ vậy mà bộ mặt địa phương mới được khang trang như bây giờ”.

Với nhận thức “Khó vạn lần dân liệu cũng xong”, Phước Đông đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân nâng cao nhận thức, xem đây là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị và nhân dân, từ đó chung tay, góp sức cùng địa phương thực hiện. “Qua 3 năm triển khai chương trình XDNTM, xã đã đạt 16/19 tiêu chí. Thu nhập bình quân đầu người đạt trên 45 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 1,02%. Hiện nay, xã tập trung hoàn thành 3 tiêu chí: Giao thông, trường học, môi trường và an toàn thực phẩm, phấn đấu “về đích” sớm vào cuối năm 2018” - Bí thư Đảng ủy xã Phước Đông - Huỳnh Văn Bánh vui mừng thông tin.

Cũng giống như Phước Đông, các chính sách từ Nghị quyết Trung ương 7 về “tam nông” và chương trình XDNTM trở thành “bệ đỡ” cho nhiều địa phương phát triển một cách toàn diện. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nguồn vốn ngân sách nhà nước đầu tư cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn giai đoạn 2009-2017 ước khoảng 1.945 tỉ đồng. Đặc biệt, thông qua triển khai chương trình XDNTM, hệ thống kết cấu hạ tầng KT-XH nông thôn được đầu tư phát triển ngày càng đồng bộ, tạo tiền đề quan trọng, thúc đẩy thực hiện mục tiêu tái cơ cấu nông nghiệp.

Cùng với đổi thay về diện mạo, đời sống của người dân cũng ngày càng nâng lên. Công tác dạy nghề, tạo việc làm cho lao động nông thôn tiếp tục được quan tâm thực hiện. Giai đoạn 2016-2018, toàn tỉnh đào tạo nghề cho trên 10.000 lao động nông thôn, góp phần tăng tỷ lệ lao động nông thôn có việc làm sau đào tạo đạt 89,7%. Mặt khác, các địa phương còn tuyên truyền, vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với quy hoạch từng vùng nhằm nâng cao năng suất, chất lượng nông sản, cải thiện thu nhập.

Nhận thấy điều kiện thổ nhưỡng của địa phương rất thích hợp để trồng cây ăn trái, năm 2017, bà Nguyễn Thị Mum, ngụ ấp Gò Vồ Nhỏ, xã Bình Thạnh, huyện Mộc Hóa, mạnh dạn vay vốn đầu tư, cải tạo 4ha đất trồng lúa để chuyển sang trồng ổi, dừa, chanh và bưởi da xanh. Ngoài ra, bà còn đào ao thả cá, nuôi dê và tận dụng ủ phân gia súc bón cho cây nhằm tiết kiệm chi phí. “Hiện nay, những cây trồng này đều phát triển rất tốt. Chỉ tính riêng thu nhập từ 700 gốc ổi, sau khi trừ chi phí, gia đình tôi lãi trên 20 triệu đồng/tháng” - bà Mum cho hay.

Chuyển đổi cây trồng hiệu quả, mang lại thu nhập cao cho gia đình bà Nguyễn Thị Mum

Chuyển đổi cây trồng hiệu quả, mang lại thu nhập cao cho gia đình bà Nguyễn Thị Mum

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Lê Văn Hoàng cho biết: “10 năm qua, việc triển khai thực hiện các dự án hỗ trợ sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo trên địa bàn tỉnh mang lại hiệu quả tích cực. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 10,5% năm 2008 xuống còn 2,92% vào đầu năm 2018. Tỷ lệ hộ cận nghèo giảm từ 5,63% năm 2011 xuống còn 3,7% vào đầu năm 2018. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn năm 2017 đạt 39 triệu đồng, tăng 26,8 triệu đồng so năm 2008”.

Sức mạnh từ dân

Theo đánh giá của Hội Nông dân tỉnh, đổi thay rõ nét và quan trọng nhất sau 10 năm thực hiện nghị quyết “tam nông” chính là sự thay đổi trong cách nghĩ, cách làm của hầu hết nông dân. Phần lớn các hộ đã chủ động, tích cực áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, từng bước đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng, phát huy những tiềm năng, thế mạnh của địa phương trong phát triển kinh tế, mang lại thu nhập cao cho gia đình. Đặc biệt, với việc chuyển đổi cây trồng, vật nuôi hiệu quả, nhiều hộ có thu nhập từ vài trăm triệu đến vài tỉ đồng/năm.

Về xã Hiệp Thạnh, huyện Châu Thành, hỏi thăm gia đình ông Nguyễn Vạn Thành, có lẽ không ai là không biết. Bởi ông Thành luôn là nông dân dám nghĩ, dám làm, một người kinh doanh giỏi và có nhiều đóng góp ở địa phương. Với những thành tích nổi bật trong sản xuất và phong trào XDNTM, nhiều năm liền, ông đều được công nhận danh hiệu Nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi cấp tỉnh. Vừa qua, ông vinh dự được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba và danh hiệu Nông dân Việt Nam tiêu biểu xuất sắc năm 2017.

Bên cạnh sản xuất, kinh doanh giỏi, với vai trò Chi hội phó Chi hội Nông dân ấp 7, ông cùng ban ấp vận động hội viên, nông dân tham gia xây dựng kết cấu hạ tầng tại địa phương. Gần đây nhất là vận động xây dựng và mở rộng 3 tuyến đường giao thông nông thôn có chiều dài trên 3km theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, với tổng kinh phí trên 3 tỉ đồng. Hay vận động nhân dân thực hiện mô hình Xanh, sạch, đẹp, an toàn, góp phần nâng chất tiêu chí môi trường. Để người dân tin tưởng và làm theo, bản thân ông và gia đình luôn tiên phong, gương mẫu trong mọi phong trào, hoạt động.

Được biết, hàng năm, gia đình ông Thành đóng góp hàng chục triệu đồng hỗ trợ các hoạt động của xã và công tác an sinh xã hội trên địa bàn. Ông Thành chia sẻ: “XDNTM không chỉ tạo nên diện mạo mới cho địa phương mà người dân cũng được hưởng lợi. Nhất là việc mở rộng, bêtông hóa các tuyến đường giao thông nông thôn, vừa tạo thuận lợi trong đi lại, sản xuất, vừa giảm chi phí vận chuyển nông sản, vật tư nông nghiệp cho nông dân”.

Hệ thống trường học ngày càng khang trang từ chương trình xây dựng nông thôn mới

Hệ thống trường học ngày càng khang trang từ chương trình xây dựng nông thôn mới

Không riêng ông Thành mà rất nhiều nông dân khác cũng có cùng suy nghĩ đó và họ đã tham gia đóng góp xây dựng quê hương mình bằng những việc làm thiết thực. Theo thống kê của Ban Dân vận Tỉnh ủy, những năm qua, có những công trình huy động sự đóng góp của nhân dân và các doanh nghiệp lên đến hàng chục tỉ đồng như các công trình giao thông tại xã An Lục Long, huyện Châu Thành với số tiền đóng góp trên 12,5 tỉ đồng; công trình giao thông nông thôn tại xã Khánh Hưng, huyện Vĩnh Hưng, vận động nhân dân hiến 22ha đất;...

Từ những kết quả trên cho thấy, khi ý Đảng, lòng dân hòa quyện sẽ khơi dậy được nội lực tiềm tàng, mang lại sức sống mới cho mỗi vùng quê./.

Đến nay, Long An có 68 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm trên 40,3% tổng số xã trên địa bàn tỉnh; số tiêu chí (TC) đạt bình quân 14,2 TC/xã (tăng 8,2 TC so với năm 2010), không còn xã đạt dưới 7 TC. Phấn đấu đến năm 2020, toàn tỉnh có 82 xã và 1 huyện đạt chuẩn nông thôn mới, bình quân mỗi xã đạt 16,5 TC.

(còn tiếp)

Bài 3: Để "Tam nông" bứt phá

An Kỳ

Chia sẻ bài viết