Tiếng Việt | English

07/08/2019 - 14:15

Chuyển đổi số làm nền tảng xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết chuyển đổi số, xã hội số là trọng tâm của Việt Nam trong nhiều thập kỷ tới.

Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)
Sự chuyển đổi số được đánh giá là yếu tố hàng đầu thúc đẩy tăng trưởng, phát triển nền kinh tế số của một quốc gia, cũng như hướng tới phát triển Chính phủ điện tử một cách bền vững.

Trong phiên đối thoại trực tiếp với các doanh nghiệp tại Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam 2019, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định năm 2019, Chính phủ sẽ phê duyệt Đề án chuyển đổi số quốc gia. Đây là căn cứ quan trọng để tất cả các đơn vị nhà nước, các doanh nghiệp và cá nhân cùng góp sức cho công cuộc chuyển đổi số quốc gia.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết chuyển đổi số, xã hội số là trọng tâm của Việt Nam trong nhiều thập kỷ tới.

Chuyển đổi số là tất yếu

Số hóa là bước đầu tiên, quan trọng nhất của việc chuyển đổi số. Việc thay đổi từ một chiếc điện thoại thông thường sang sử dụng điện thoại thông minh có kết nối Internet được gọi là số hóa trang thiết bị.

Việc người dùng sử dụng được mọi tính năng, liên kết từ điện thoại thông minh đến các hoạt động của đời sống được coi là chuyển đổi số trong phương thức sống.

Trong thời gian qua, quá trình chuyển đổi số diễn ra trong nhiều lĩnh vực ở Việt Nam như tài chính, giao thông, du lịch... Chính phủ, chính quyền các cấp đang nỗ lực xây dựng Chính phủ điện tử. Hiện tại cả nước có hơn 30 tỉnh, thành phố xây dựng thành phố thông minh với các nền tảng công nghệ mới.

Liên quan đến việc chuẩn bị hạ tầng cho chuyển đổi số quốc gia, trong thời gian tới, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ cùng các đơn vị liên quan, các nhà mạng viễn thông... đẩy mạnh phát triển 4G và chuẩn bị triển khai thử nghiệm 5G.

Mục tiêu đặt ra là đến năm 2020, muộn nhất là năm 2022, mỗi người Việt Nam đều có một điện thoại thông minh, mỗi hộ gia đình Việt Nam có đường cáp quang đến tận nhà.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết: “Chuyển đổi số mở ra cơ hội rất lớn cho Việt Nam. Đây là sự thay đổi mang tính toàn diện của các tổ chức, doanh nghiệp. Hạt nhân của quá trình chuyển đổi số tại Việt Nam là các doanh nghiệp công nghệ thông tin. Việc chuyển đổi số không cần nhiều cơ sở vật chất bởi cái chính là sự thay đổi tư duy."

Theo khảo sát của Công ty Cổ phần Tập đoàn IDC, năm 2018, có 90% các doanh nghiệp được khảo sát đã bắt đầu thực hiện chuyển đổi số với các bước khác nhau từ tìm hiểu, nghiên cứu cho tới triển khai thục hiện. Hơn 30% lãnh đạo các doanh nghiệp được khảo sát xem xét chuyển đổi số là vấn đề sống còn của doanh nghiệp.

Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA), chia sẻ: “Chuyển đổi số mang lại nhiều lợi ích như cắt giảm chi phí vận hành, tiếp cận được nhiều khách hàng hơn nữa trong thời gian dài hơn, lãnh đạo ra quyết định nhanh chóng và chính xác hơn nhờ hệ thống báo cáo thông suốt kịp thời qua đó nâng hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp, tăng tính cạnh tranh của tổ chức."

Ông Trương Gia Bình cũng khẳng định trong thời đại công nghệ thông tin, để các doanh nghiệp tăng trưởng, có khách hàng, có lợi nhuận thì một phần rất lớn phụ thuộc vào sự chuyển đối số của các doanh nghiệp.

Nếu không chuyển đổi số, sức cạnh tranh của doanh nghiệp sẽ thua về thứ bậc và sớm muộn gì, những doanh nghiệp không bắt kịp trào lưu, xu hướng chuyển đổ số sẽ phải ra đi. Điều này đồng nghĩa với việc trong cách mạng công nghệ lần thứ tư, chuyển đổi số không chỉ mang đến sự hội nhập, phát triển của doanh nghiệp mà còn là yếu tố việc sống còn của mọi doanh nghiệp.

Nỗ lực thực hiện số hóa

Theo dự thảo Đề án số hóa, mục tiêu đặt ra là đến năm 2025, Việt Nam nằm trong Top 4 ASEAN về xếp hạng số hóa quốc gia với 80.000 doanh nghiệp công nghệ số.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh: “Việt Nam muốn đi đầu trong cuộc cách mạng số thì đầu tiên phải phổ cập điện thoại thông minh (smart phone) để đưa các ứng dụng đến người dân; cấp phép 4G, thử nghiệm 5G để tăng dung lượng; tăng sử dụng dữ liệu trên mỗi người dân; tăng chất lượng mạng di động băng rộng; thí điểm tiền trên di động (mobile money) cho phép khách hàng chuyển tiền, mua sắm thông qua tài khoản viễn thông sẽ giúp thanh toán điện tử đến được với mọi người dân, kích thích kinh tế để tăng trưởng."

Để thực hiện được mục tiêu đề ra, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng kiến nghị: "Để đẩy nhanh việc ứng dụng công nghệ thông tin từ Chính phủ đến các địa phương, phải đẩy nhanh phân bố ngân sách phải có hạng mục chi cho công nghệ thông tin. Hạt nhân triển khai công nghệ thông tin tại các địa phương phải giao cho Sở Thông tin và Truyền thông. Các doanh nghiệp viễn thông lớn sẽ đầu tư vào các dự án công nghệ thông tin nền tảng và chính phủ sẽ thuê lại dịch vụ."

Theo dự kiến, Đề án chuyển đổi số quốc gia sẽ được công bố vào tháng 8/2019. Hiện tại, đã có nhiều bộ, ngành, địa phương cùng các chuyên gia công nghệ thông tin đề xuất những giải pháp để Việt Nam có thể chuyển đổi số thành công.

Các giải pháp được nêu ra tập trung đầu tiên vào việc xây dựng nền tảng thể chế cho các mô hình kinh doanh kinh tế số; việc sửa đổi, bổ sung quy định pháp luật cho các ngành đang có nhiều mô hình kinh doanh mới như thương mại điện tử, tài chính số, ngân hàng số...

Cải cách thể chế để thu hút đầu tư cho các công nghệ số trong các lĩnh vực đầu tư mạo hiểm, đầu tư thiên thần theo hướng tạo thuận lợi tối đa cho các hoạt động góp vốn, mua cổ phần, mua bán sáp nhập doanh nghiệp công nghệ số.

Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)
Thứ hai, Việt Nam cần phát triển hạ tầng kết nối Internet bằng việc khuyến khích doanh nghiệp nhanh chóng phát triển dịch vụ Internet di động 5G, đầu tư mở rộng mạng lưới cáp quang tốc độ cao và tăng băng thông Internet quốc tế với việc xây dựng “xa lộ Internet” cho các dịch vụ nhiều người dùng (ví dụ dịch vụ hành chính công, dịch vụ y tế, giáo dục…).

Vấn đề tiếp theo là cần xây dựng các cơ sở dữ liệu quốc gia và các cơ sở dữ liệu khác; xây dựng chính sách, thể chế cho hoạt động thu thập, quản lý, kết nối, chia sẻ và thương mại hóa các cơ sở dữ liệu quốc gia trên cơ sở bảo đảm an toàn dữ liệu, bảo vệ dữ liệu cá nhân...

Về vấn đề kết nối dữ liệu, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thành Hưng cho biết dữ liệu hiện nay được coi là “dầu mỏ” nhưng nguồn dầu mỏ này chỉ phát huy tác dụng trong xây dựng Chính phủ số khi nguồn dữ liệu được xây dựng bài bản và quan trọng hơn là có kết nối với nhau.

Cuối cùng, yếu tố quan trọng để thúc đẩy quá trình chuyển đổi số, xây dựng Chính phủ điện tử thành công là cần chuẩn bị nguồn nhân lực các chuyên ngành an ninh mạng, công nghệ thông tin, truyền thông, giải trí... để sẵn sàng cho quá trình chuyển đổi sản xuất và việc làm gắn với ứng dụng công nghệ thông tin.

Sự vào cuộc của các doanh nghiệp

Nằm trong xu hướng chuyển đổi số toàn cầu, nhiều doanh nghiệp Việt Nam ở hầu hết các lĩnh vực (thương mại, tài chính ngân hàng, giáo dục, y tế, du lịch, logistics, công nghiệp chế tác,…) đã bắt tay vào công cuộc cải tổ chính mình theo xu hướng chuyển đổi số.

FPT là một trong những tập đoàn công nghệ thông tin hàng đầu tại Việt Nam. Đại diện của Tập đoàn công nghệ FPT chia sẻ FPT là đơn vị tiên phong trong chuyển đổi số với việc cung cấp giải pháp cho Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số, tham gia xây dựng thành phố thông minh, giao thông thông minh, y tế thông minh, giáo dục thông minh.

Nhằm chuẩn bị hạ tầng cho cuộc chuyển đổi số quốc gia, mới đây, Tập đoàn Công nghệ CMC đã giới thiệu hệ sinh thái hạ tầng mở C.OPEN cho doanh nghiệp nhằm tạo nền tảng kết nối, chia sẻ tài nguyên dữ liệu trên môi trường số.

Các hệ sinh thái hạ tầng mở đều hướng đến việc tạo ra nền tảng (platform) để liên kết các phần cứng kỹ thuật, phần mềm trên nền tảng Internet, hệ điều hành và các ứng dụng chạy trên các phần cứng đó.

Với hệ sinh thái hạ tầng mở C.OPEN, Tập đoàn CMC tin tưởng có thể giúp các doanh nghiệp kết nối với nhau, tạo thành hệ sinh thái khai thác và chia sẻ dữ liệu.

Trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Việt Nam cần nhiều hơn nữa các hệ sinh thái hạ tầng mở như thế, để tạo thành Digital Hub (tạm dịch là Trung tâm lưu trữ dữ liệu) cho các cơ quan, doanh nghiệp...

Trong mảng Fintech, Công ty ty tài chính FE CREDIT Việt Nam của Ngân hàng Thương mại cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng (VP Bank) đã ứng dụng nền tảng cho vay kỹ thuật số $NAP hoàn toàn tự động. Khách hàng được cung cấp quy trình cho vay hoàn chỉnh và khép kín, không cần đến sự can thiệp của con người, rút ngắn toàn bộ quá trình vay chỉ còn 10-15 phút và khách hàng được giải ngân tiền trong vòng vài giờ.

Ngoài ra, rất nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn như Viettel, Vietcombank, EVN… đều đã có những động thái tham gia tích cực công cuộc chuyển đổi số.

Trong tháng 8 này, Hiệp hội phần mềm và Dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA) sẽ tổ chức sự kiện Diễn đàn cấp cao Công nghệ thông tin, truyền thông (Vietnam ICT Summit 2019) để các chuyên gia quan sát hay đang tham gia thực hiện chuyển đổi số trong các tổ chức, doanh nghiệp tại Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm.

Tất cả những động thái của các cơ quan, tổ chức doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ thông tin đều hướng tới mục tiêu góp phần thúc đẩy chuyển đổi số tại Việt Nam và xây dựng nền kinh tế số vì một Việt Nam hùng cường trong tương lai không xa./.

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết