Xu thế tất yếu
Trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang diễn ra mạnh mẽ, CĐS là xu thế tất yếu trên toàn cầu và là giải pháp quan trọng, cấp thiết, làm cơ sở xây dựng và triển khai, thực hiện các chương trình, kế hoạch phát triển KT - XH của mỗi địa phương, mỗi quốc gia. Để thích ứng với tình hình mới và tận dụng những cơ hội do CĐS mang lại, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình CĐS Quốc gia với 3 trụ cột chính: Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. Một trong những nhiệm vụ trọng tâm phát triển của lĩnh vực kinh tế số là thúc đẩy CĐS trong DN.
Doanh nghiệp vừa và nhỏ từng bước chuyển đổi số (Trong ảnh: Cty TNHH MTV Semitec Electronic Việt Nam (huyện Cần Giuộc) chủ động thay đổi, ứng dụng các khoa học - công nghệ, nền tảng số để phát triển sản xuất, kinh doanh)
Có thể nói, cùng với việc xác định kinh tế tư nhân trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế, việc hỗ trợ các DN vừa và nhỏ thực hiện CĐS nhằm tối ưu hóa hoạt động sản xuất, kinh doanh, nâng cao năng lực tiếp cận khách hàng và lợi thế cạnh tranh, tạo ra các sản phẩm, dịch vụ mới, góp phần tạo động lực mới thúc đẩy phát triển KT - XH trong cả nước nói chung và ở từng địa phương nói riêng.
Long An có vị trí địa lý thuận lợi, vừa thuộc Vùng Đồng bằng sông Cửu Long, vừa thuộc Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, được xác định là vùng kinh tế động lực có vai trò đặc biệt quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế Việt Nam. Tỉnh có hoạt động kinh tế sôi động với hơn 14.300 DN trong nước đăng ký hoạt động, phần lớn trong đó là DN vừa và nhỏ. Thời gian qua, tỉnh triển khai đồng bộ, hiệu quả các chính sách hỗ trợ DN vừa và nhỏ theo quy định, tạo môi trường đầu tư và kinh doanh thuận lợi, nâng cao năng lực cạnh tranh cho DN vừa và nhỏ. Trên địa bàn tỉnh, một bộ phận DN vừa và nhỏ từng bước thực hiện CĐS như một nhu cầu tự nhiên nhằm đáp ứng nhu cầu đang thay đổi của khách hàng, gia tăng hiệu quả hoạt động cũng như tiết kiệm chi phí, đặc biệt nhằm ứng phó với những khó khăn do dịch bệnh Covid-19 gây ra.
Tổng Giám đốc Công ty (Cty) Cổ phần Dược phẩm Việt (huyện Thủ Thừa) - Phạm Quốc Vinh cho biết: Những ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 bắt buộc DN phải thay đổi, thích ứng mới có thể sản xuất, kinh doanh an toàn, ổn định và hiệu quả. Cty tổ chức nhiều hoạt động chăm sóc khách hàng, khảo sát thị trường, đơn hàng để chủ động sản xuất. Cty nghiên cứu, chuyển đổi mô hình sản xuất, từng bước CĐS trong hoạt động. Trong đó, Cty tăng cường tham gia, quảng bá sản phẩm trên các kênh, sàn thương mại điện tử, mạng xã hội, ưu tiên sử dụng các thiết bị hiện đại và tự động hóa để hạn chế phụ thuộc vào nhân sự. Để phù hợp, tránh những rủi ro, trong năm 2022 và những năm tiếp theo, Cty tăng cường đầu tư thêm một số máy móc, thiết bị tự động hóa để phục vụ sản xuất.
Tương tự, Phó Giám đốc Sản xuất Cty TNHH MTV Semitec Electronic Việt Nam (huyện Cần Giuộc) - Quách Đăng Trung chia sẻ: CĐS trong hoạt động sản xuất là một xu thế tất yếu và thật sự cần thiết trong giai đoạn hiện nay. DN phải chủ động thay đổi, thích ứng cho phù hợp. Tuy nhiên, DN rất cần các cơ quan nhà nước hỗ trợ, hướng dẫn phương pháp chuyển đổi và xây dựng mục tiêu, kế hoạch cụ thể để CĐS phát huy được hiệu quả đề ra, tránh việc kêu gọi nhưng không đi vào thực chất, gây lãng phí về nguồn lực. Tại Cty, một số bộ phận từng bước thực hiện CĐS, ứng dụng các khoa học - công nghệ, nền tảng số để phát triển sản xuất, kinh doanh.
Để chuyển đổi số hiệu quả
Mặc dù hiện nay, DN vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh đã bắt đầu làm quen, áp dụng nhưng việc CĐS còn nhiều khó khăn, hạn chế, mới chỉ dừng ở mức cơ bản như tiếp thị, bán hàng trực tuyến, sử dụng phần mềm kế toán, hóa đơn điện tử, khai báo thuế, bảo hiểm trực tuyến, giao tiếp nội bộ qua các ứng dụng mạng xã hội,... rất ít DN vừa và nhỏ thực hiện CĐS toàn diện trong quản trị DN. Quá trình CĐS, DN lo ngại chi phí CĐS cao, phải thay đổi thói quen và tập quán kinh doanh, thiếu nhân lực nội bộ và hạ tầng số. Bên cạnh đó, nhiều DN không biết bắt đầu từ đâu, CĐS như thế nào cũng như không biết lựa chọn đối tác nào để triển khai CĐS.
Nhiều đơn vị tiên phong hướng dẫn, hỗ trợ các giải pháp để doanh nghiệp vừa và nhỏ chuyển đổi số
Theo Phó Giám đốc Sản phẩm Trung tâm SME Viettel - Nguyễn Hoàng Quốc Tuấn, đơn vị xây dựng hệ sinh thái giải pháp viễn thông - công nghệ thông tin nhằm hỗ trợ CĐS cho DN vừa và nhỏ. Trong đó, hạ tầng số, Viettel đẩy mạnh hạ tầng kết nối di động băng rộng 4G/5G, cố định băng rộng và hạ tầng Clouds; nền tảng số hướng dẫn quản trị DN hợp nhất (kế toán - nhân sự - văn phòng số,...), đẩy mạnh thanh toán điện tử, thương mại điện tử và quảng cáo số; đối với dịch vụ số trong từng lĩnh vực, Viettel có giải pháp phù hợp (lĩnh vực giao thông vận tải: Có chương trình giám sát hành trình, quản trị vận tải; phần mềm quản lý nhà hàng, quán ăn; buôn bán lẻ sẽ có phần mềm quản lý bán hàng; lĩnh vực nông nghiệp có truy xuất nguồn gốc; lĩnh vực tài chính - ngân hàng có định danh khách hàng, chữ ký số cá nhân, hợp đồng điện tử; các dịch vụ đại trà có chữ ký số, hóa đơn điện tử, hợp đồng điện tử, tổng đài chăm sóc khách hàng đa kênh,...). Viettel có chương trình tiếp sức cho DN vừa và nhỏ khôi phục sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ tăng trưởng.
Đồng thời, đơn vị đề xuất địa phương có chương trình hỗ trợ DN vừa và nhỏ thành lập mới CĐS, đặc biệt trong năm đầu tiên. Hiệp hội DN tăng cường tổ chức một số hoạt động để các nhà cung cấp giải pháp CĐS chia sẻ, hướng dẫn các DN ứng dụng các giải pháp. Tỉnh tăng cường tổ chức hội chợ trực tuyến để quảng bá sản phẩm dịch vụ cho hộ gia đình, DN vừa và nhỏ trên các sàn thương mại điện tử.
Theo đại diện Tập đoàn Bưu chính Viễn thông (VNPT), đơn vị cam kết cung cấp, hỗ trợ giải pháp nền tảng CĐS cho DN vừa và nhỏ với các dịch vụ viễn thông - công nghệ thông tin. Trong vấn đề hạ tầng số, VNPT có giải pháp cho thuê máy chủ ảo trên nền điện toán đám mây VNPT Cloud, tổng đài số, dịch vụ Internet băng rộng, dịch vụ tên miền - website thiết kế theo yêu cầu, dịch vụ an toàn thông tin cho DN. Bên cạnh đó, VNPT có nhiều nội dung, chương trình đáp ứng các yêu cầu khác về CĐS cho DN.
Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông - Nguyễn Bá Luân thông tin: Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có rất nhiều DN đứng trước cơ hội CĐS tập trung vào các lĩnh vực: Tài chính, ngân hàng, y tế, nông nghiệp, giao thông - vận tải. Thông qua CĐS, DN sẽ kiến tạo các sản phẩm và dịch vụ mới, tích hợp đa chức năng các giải pháp quản lý từ kế hoạch sản xuất, nguồn nhân lực đến phân tích thị trường, khách hàng,... Trình độ công nghệ của DN sẽ được tăng lên, hoạt động quản trị DN sẽ hiệu quả và minh bạch hơn, tối ưu hóa các nguồn lực để tạo ra sự phát triển đột phá.
Tỉnh phối hợp các đơn vị tăng cường nhiều giải pháp để hỗ trợ, hướng dẫn DN tiếp cận các dịch vụ, giải pháp sử dụng nền tảng số để CĐS. UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 856/KH-UBND, ngày 21/3/2022 về thực hiện Chương trình hỗ trợ DN vừa và nhỏ CĐS trên địa bàn tỉnh, tổ chức hội thảo “Giải pháp CĐS cho DN vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh Long An”. Tỉnh kết nối để một số DN tiên phong, chuyên gia hướng dẫn, hỗ trợ DN vừa và nhỏ từng bước thực hiện CĐS phù hợp với đơn vị.
Thời gian tới, để thực hiện đạt hiệu quả, Sở đề nghị các đơn vị tiếp tục phối hợp triển khai các nhiệm vụ của Chương trình hỗ trợ DN vừa và nhỏ CĐS trên địa bàn tỉnh. Trong đó, tập trung hướng dẫn, thúc đẩy các DN trên địa bàn tỉnh tích cực triển khai CĐS, chủ động tham gia để đẩy nhanh CĐS, tối ưu hóa hoạt động sản xuất, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, thúc đẩy phát triển kinh tế số của tỉnh./.
Thanh Mỹ