Tiếng Việt | English

17/07/2015 - 09:28

Chuyên gia tội phạm học nói gì về vụ thảm sát ở Bình Phước?

Sự chuẩn bị tâm lý vững vàng đã giúp Nguyễn Hải Dương chủ động trong việc xử lý các tình huống trong quá trình gây ra vụ thảm sát ở Bình Phước.

Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Phước đã ra quyết định khởi tố bị can, bắt giam Nguyễn Hải Dương (SN 1991 trú tại An Giang) và Vũ Văn Tiến (SN 1991, trú tại Bình Phước) để điều tra hành vi “Giết người” và “Cướp tài sản” trong vụ thảm sát ở Bình Phước khiến 6 người trong một gia đình thiệt mạng.

Hơn một tuần sau khi xảy ra vụ thảm sát, song dư luận vẫn chưa hết bàng hoàng, phẫn nộ khi Nguyễn Hải Dương chưa hề có tiền án tiền sự, thân nhân tốt, qua lời khai lại có thể giết người một cách tàn độc. Liên quan đến vấn đề này, phóng viên VOV.VN phỏng vấn Trung tá, TS Hà Thị Hồng Lan-Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu tội phạm học và điều tra tội phạm (Học viện Cảnh sát nhân dân).

Trung tá, TS Hà Thị Hồng Lan

Thói quen tiêu xài, hưởng thụ của giới trẻ

PV: Thưa bà, vì lý do và động cơ gì khiến một thanh niên chưa hề có tiền án, tiền sự, có nhân thân tốt có thể ra tay tàn độc đến vậy?

TS Hà Thị Hồng Lan: Như cơ quan điều tra đã cung cấp thông tin, việc Dương ra tay giết hại cả gia đình ông Mỹ xuất phát từ lý do và động cơ chính sau:

Một là vì hận tình: Đây là lý do chính dẫn đến hành động tàn sát hết sức dã man của hung thủ. Vốn được gia đình nạn nhân chiều chuộng và đã quen với cuộc sống trong nhung lụa, nên Dương quá kỳ vọng vào cơ hội “đổi đời” nếu có được tình yêu với Ánh Linh. Đến khi bị gia đình người yêu ngăn cấm, bị người yêu chia tay và nhất là khi biết tin Ánh Linh đã có người yêu mới thì Dương đã bị “sốc nặng”, lòng hận thù đã khiến Dương lên kế hoạch trả thù cả gia đình người yêu.

Hai là để chiếm đoạt tài sản: Biết gia đình ông Mỹ giàu có, trong khi bản thân Dương đang quen với cuộc sống hưởng thụ nên nhu cầu cần tiền để tiêu xài lại càng nung nấu, thúc đẩy Dương ra tay.

Dương đã có sự chuẩn bị khá kỹ càng về tâm lý để lên kế hoạch sát hại gia đình ông Mỹ một cách lạnh lùng, không thương tiếc và sau đó là sự chuẩn bị tâm lý vững vàng để đối mặt với lực lượng Công an.

PV: Dưới góc độ nghiên cứu về tội phạm, bà nhận định thế nào về tính chất, phương thức, thủ đoạn của hung thủ?

TS Hà Thị Hồng Lan: Dưới góc độ của người nghiên cứu về tội phạm, tôi cho rằng đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng, dã man và tàn độc nhất so với các vụ án giết người, cướp tài sản nghiêm trọng đã xảy ra trong thời gian qua.

Vụ án xảy ra với tính chất dã man, tàn độc và rất chuyên nghiệp. Cùng với động cơ đê hèn, hung thủ đã dùng phương thức, thủ đoạn hết sức tinh vi, xảo quyệt trong việc thực hiện hành vi phạm tội cũng như che giấu tội phạm. Hung thủ biết lợi dụng triệt để những mối quan hệ sẵn có với nạn nhân để thực hiện hành vi phạm tội một cách thuận lợi; sử dụng công cụ phương tiện gây án cực kỳ nguy hiểm; chuẩn bị tâm lý khá vững vàng để đối phó với cơ quan Công an.... Và cuối cùng là hậu quả mà hung thủ gây ra vô cùng lớn khi 6 người bị sát hại, gây tổn thất lớn về tinh thần cho thân nhân người bị hại, gây hoang mang trong dư luận xã hội và gây bất ổn cho tình hình an ninh trật tự tại địa phương...

Hai bị can Nguyễn Hải Dương và Vũ Văn Tiến

PV: Bà có thể phân tích về diễn biến tâm lý của Nguyễn Hải Dương-đối tượng khai nhận gây ra vụ thảm sát?

TS Hà Thị Hồng Lan: Thủ phạm đã có sự chuẩn bị khá vững vàng khi thực hiện kế hoạch phạm tội của mình. Quá trình thực hiện tội phạm và hậu quả tội phạm gây ra hoàn toàn thỏa mãn với mong muốn của thủ phạm. Sự chuẩn bị tâm lý vững vàng đã giúp cho thủ phạm chủ động trong việc xử lý các tình huống phát sinh trong quá trình thực hiện hành vi phạm tội cũng như tạo ra tình huống ngoại phạm để che mắt cơ quan Công an.

Có thể tóm tắt quá trình diễn biến tâm lý của thủ phạm như sau:

- Bị “sốc” (do thất tình, bị gia đình người yêu ngăn cản, không được hưởng cuộc sống sung sướng như trước đây, tương lai mù mịt, người yêu đã có người khác...) dẫn đến buồn chán, thất vọng và thù hận.

- Nung nấu ý định trả thù (lên kế hoạch gây án, chuẩn bị công cụ, phương tiện, lựa chọn thời điểm phạm tội, lôi kéo người khác cùng thực hiện hành vi phạm tội...).

- Thực hiện ý định trả thù dã man, không thương tiếc, bất chấp mọi thủ đoạn để đối phó.

- Kết thúc thù hận bằng việc tự sát (nhưng chưa kịp thực hiện thì bị bắt).

Nhìn nhận lại trách nhiệm hình sự đối với vị thành niên

PV: Những vụ án đặc biệt nghiêm trọng xảy ra liên tiếp trong thời gian qua, điển hình như vụ thảm sát ở Bình Phước là do đâu? Đâu là nguyên nhân cốt lõi, thưa bà?

TS Hà Thị Hồng Lan: Có rất nhiều nguyên nhân, nhưng theo tôi có một số nguyên nhân chính sau đây: Do thiếu sự tu dưỡng, rèn luyện nhân cách của một bộ phận giới trẻ hiện nay. Trong đó, nhiều em thích đua đòi, hưởng thụ, lười lao động, tham lam, ích kỷ....

Do sự quan tâm, giáo dục của gia đình, người thân chưa đúng mực khi quá tin tưởng, quá nuông chiều, ít quan tâm đến đời sống tinh thần của con em mình...

Bên cạnh đó, những hình ảnh bạo lực, phim xã hội đen; lối sống nặng về tranh đoạt vật chất, ăn chơi sa đọa, lười biếng, thích hưởng thụ, chạy theo đồng tiền bằng mọi giá… lan tràn trên sách báo, phim ảnh, internet, mạng xã hội đang hàng ngày, hàng giờ tác động, “thẩm thấu” vào nhận thức, lối sống, hành vi của không ít người, nhất là những người trẻ tuổi chưa có nhiều kinh nghiệm sống và kỹ năng sống.

Ngoài ra, chính sách pháp luật, nhất là pháp luật hình sự còn bộc lộ những bất cập, dễ bị lợi dụng để phạm tội. Cụ thể về chính sách hình sự đối với người chưa thành niên như Lê Văn Luyện (thời điểm gây án Luyện chưa đủ 18 tuổi), thủ phạm gây ra vụ thảm sát ở Bắc Giang thì hình phạt nghiêm khắc nhất là tù có thời hạn với mức cao nhất là 18 năm tù. Với mức phạt tù có thời hạn này vô tình là kẽ hở để đối tượng chưa thành niên lợi dụng phạm tội, nên tình trạng trẻ hóa tội phạm ngày càng có xu hướng gia tăng.

Lâu nay, chính sách hình sự của Nhà nước ta đối với việc truy cứu trách nhiệm hình sự người chưa thành niên là nhằm giúp đỡ, cải tạo, giáo dục để họ nhận ra sai lầm từ đó sửa chữa, tạo điều kiện để các em có khả năng tái hòa nhập cuộc sống. Vì thế, việc áp dụng trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội chưa thành niên đòi hỏi phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện. Tuy nhiên, với thực trạng gia tăng tội phạm vị thành niên với tính chất, mức độ ngày càng nghiêm trọng như hiện nay, chính sách hình sự như vậy đã thực sự hợp lý?

Vì vậy, luật nên quy định theo hướng mở, nghĩa là đối với những vụ án dã man, đặc biệt nghiêm trọng, người chưa thành niên gây cái chết với nhiều người thì quy định mức hình phạt cụ thể cho trường hợp đó, mà không theo quy định chung để đủ sức răn đe.

PV: Làm thế nào để hạn chế và ngăn ngừa mầm mống tội phạm, thưa bà?

TS Hà Thị Hồng Lan: Để hạn chế, phòng ngừa tình trạng này, cần phải tiến hành đồng bộ nhiều giải pháp, đòi hỏi nỗ lực của các cơ quan chức năng cũng như toàn xã hội. Cụ thể, tăng cường bồi dưỡng kỹ năng sống cho giới trẻ bằng nhiều phương pháp và hình thức khác nhau, đặc biệt là kỹ năng yêu và kỹ năng chia tay với tình yêu.

Một số gia đình cần thay đổi cách thức quan tâm, giáo dục đối với con trẻ: Không quá nuông chiều, không tạo cho con thói quen thích hưởng thụ, lười lao động...; cần quan tâm hơn nữa đến đời sống tinh thần của giới trẻ.

Quản lý chặt chẽ nguồn phim ảnh bạo lực, có nội dung không lành mạnh vốn được coi là một trong những nguyên nhân nảy sinh tội phạm hiện nay.

Bên cạnh đó, cần làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục về kiến thức pháp luật cũng như ý thức chấp hành pháp luật cho giới trẻ; Xử lý nghiêm minh hành vi vi phạm bằng các chính sách pháp luật, đặc biệt là pháp luật hình sự./.

Kim Anh/VOV.VN (thực hiện)

 

 

Chia sẻ bài viết