Ứng dụng cơ giới hóa nông nghiệp
Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Nguyễn Chí Thiện, những năm qua, nông dân ứng dụng cơ giới hóa nông nghiệp mang lại hiệu quả cao hơn trong sản xuất; góp phần thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp có hiệu quả, giúp sản xuất chủ động hơn, giảm thất thoát, chi phí, nâng cao chất lượng nông sản và tăng lợi nhuận. Hiện nay, đối với cây lúa, làm đất cơ giới hóa 100%, thu hoạch 98% chủ yếu bằng máy gặt đập liên hợp; sấy khô hạt trên 70% sản lượng. Tuy nhiên, tỷ lệ cơ giới hóa ở một số khâu vẫn chưa được cải thiện như gieo cấy, chăm sóc, phun thuốc. Các cây trồng khác như thanh long, chanh, rau và chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản,... mức độ cơ giới hóa vẫn còn hạn chế.
Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Gò Gòn (huyện Tân Hưng) - Trương Hữu Trí cho biết: “Việc ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất góp phần giảm giá thành sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế. Cụ thể như, cải tiến máy sạ lúa kiêm luôn phun phân, giúp rút ngắn thời gian xuống giống từ 4-6 giờ/ha so với sạ bằng tay, tiết kiệm được công lao động và máy có thể điều tiết lượng giống, phân bón theo ý muốn. Bình quân mỗi người gieo sạ hoặc bón phân thủ công từ 1-2ha/ngày, nhưng sử dụng máy có thể mỗi người sạ lúa, phun phân được từ 3-4ha/ngày, giúp nông dân tiết kiệm chi phí sản xuất từ 500.000-1.000.000 đồng/ha”.
Sử dụng máy trong gieo sạ mang lại hiệu quả
“HTX hỗ trợ các hộ thành viên ứng dụng tia laser trong khâu làm đất, san phẳng mặt ruộng, áp dụng quy trình “1 phải, 6 giảm”,... để tiết kiệm chi phí, phân bón, giống. Việc đưa cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp đang phát triển mạnh. Nếu thu hoạch lúa thủ công, chi phí hiện nay lên đến hơn 4 triệu đồng/ha, nhưng nếu sử dụng máy gặt đập liên hợp, chi phí chỉ khoảng 2 triệu đồng/ha.
Đưa cơ giới hóa vào khâu thu hoạch lúa không chỉ giúp nông dân thu hoạch kịp thời, nhanh chóng mà còn hạn chế tác động đối với sức khỏe của nông dân. Khâu làm đất, thu hoạch bằng máy giúp tiết kiệm chi phí 4,3 triệu đồng/ha; khâu phơi sấy tiết kiệm 90.000 đồng/tấn lúa,...” - ông Trí cho biết thêm.
Những năm gần đây, đối phó với tình hình rầy nâu gây hại trên lúa, thực hiện chỉ đạo của tỉnh, xuống giống lúa đồng loạt để né rầy tạo nên áp lực thu hoạch tập trung trong thời gian ngắn, vấn đề này ảnh hưởng đến khâu cơ giới hóa trong sản xuất, đặc biệt là khâu thu hoạch trước tình hình lực lượng lao động nông thôn đang giảm dần. Thông qua các chương trình khuyến nông: Trình diễn, thao diễn các loại máy gặt lúa, tổ chức các hội thi máy gặt đập liên hợp giúp nông dân nhận định việc thu hoạch lúa bằng giải pháp cơ giới là hết sức cần thiết. Anh Vũ Tuấn - thành viên HTX Gò Gòn, cho biết: “Khi tham gia HTX, các loại máy móc được đẩy mạnh nhằm giảm công lao động, các tiêu chuẩn về vệ sinh, môi trường, an toàn lao động được nâng cao nên chi phí sản xuất giảm xuống dưới 1 triệu đồng/1.000m2, còn sản lượng đạt 950kg lúa tươi/1.000m2, bán với giá cao hơn thị trường vài trăm đồng/kg, tính ra lợi nhuận trên 3 triệu đồng/1.000m2. Trong khi đó, các hộ dân ở địa phương không liên kết, gieo sạ đại trà, bị sâu, bệnh gây hại nặng, chi phí phân, thuốc nhiều mà năng suất thấp hơn cả trăm ký lúa tươi/1.000m2, từ đó lợi nhuận thu về chừng 1-2 triệu đồng/1.000m2”.
Ông Lê Quang Dình (xã Bình Thạnh, huyện Mộc Hóa) đầu tư gần 1 tỉ đồng để sở hữu chiếc máy cày Kubota đa năng với công suất lớn, có thể gắn các dàn máy cuộn rơm, máy kéo, máy sạ hàng, máy xới đất,... Cứ đến mùa, tùy theo công việc mà ông thay đổi dàn máy cho phù hợp. Ông Dình chia sẻ: “Đầu tư cơ giới giảm rất nhiều thời gian, chi phí; trong khoảng 30 phút là máy gặt đập liên hợp đã thu hoạch xong 1.000m2 lúa, khi rơm khô là đến công đoạn của máy cuộn rơm, khoảng 20 phút là máy cuộn rơm đã dọn dẹp xong 1.000m2 ruộng và cho ra thành phẩm khoảng 20 cuộn, bảo quản rơm cũng gọn hơn, dễ vận chuyển, nên tôi có thể thu mua để bán lại cho các tỉnh khác”.
Chủ tịch Hội đồng Quản trị HTX An Long (huyện Đức Hòa) - Vương Trọng Nghĩa thông tin: “Vừa qua, HTX thử nghiệm phun thuốc bảo vệ thực vật bằng máy bay không người lái trên 8ha. Việc dùng máy bay không người lái phun thuốc trên đồng lúa nhằm tiết kiệm thời gian, công lao động, bảo vệ sức khỏe người sản xuất, giảm chi phí, tránh hư lúa, tránh lây lan bệnh,... Thời gian tới, HTX sẽ đầu tư thiết bị này để phục vụ sản xuất”.
Tạo nền tảng vững chắc
Để có được những kết quả khả quan trên, nhiều năm qua, UBND tỉnh chỉ đạo ngành nông nghiệp và các sở, ngành chức năng triển khai nhiều giải pháp, chương trình hỗ trợ đưa cơ giới hóa vào phục vụ sản xuất nông nghiệp như hỗ trợ kinh phí cho nông dân mua máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp; tổ chức cho các công ty sản xuất, cung cấp thiết bị tổ chức trình diễn ngay trên đồng ruộng giúp nông dân các địa phương tiếp cận những máy móc, thiết bị tốt, phù hợp với điều kiện sản xuất.
Sử dụng máy trong thu hoạch mang lại hiệu quả
Ông Nguyễn Chí Thiện cho biết: Có thể nói, cơ giới hóa nông nghiệp ở tỉnh chuyển biến tích cực, từng bước phục vụ hiệu quả cho sản xuất nông nghiệp. Đây là bước tạo nền tảng vững chắc cho nông nghiệp của tỉnh bảo đảm hướng sản xuất hàng hóa và thực hiện thành công mục tiêu phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Đối với cây lúa, năm 2019, mục tiêu tỉnh sẽ thực hiện 19 mô hình điểm sản xuất lúa ứng dụng công nghệ cao với diện tích 950ha và vận động nhân rộng mô hình nhằm đạt 1.650ha. Nội dung thực hiện mô hình: Sử dụng giống lúa xác nhận; khâu làm đất san phẳng mặt ruộng bằng công nghệ tia laser, máy cày,...; khâu gieo sạ sử dụng công cụ sạ kéo hàng, máy đeo vai,...; khâu chăm sóc, máy đeo vai,...; khâu thu hoạch sử dụng máy gặt đập liên hợp và sau đó thu rơm bằng máy cuộn rơm; sử dụng phân hữu cơ, hữu cơ vi sinh và chế phẩm sinh học; tập huấn, hướng dẫn canh tác theo quy trình “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm”, tiến tới quy trình “1 phải, 6 giảm”.
Để thực hiện hiệu quả, ngành cùng địa phương xác định lợi thế của từng vùng, từng địa phương lựa chọn loại hình máy móc, thiết bị phù hợp với cây, con, ngành nghề cụ thể; xây dựng kế hoạch, lộ trình phát triển số lượng, chủng loại máy phù hợp, từng bước đồng bộ quá trình cơ giới hóa theo từng khâu trong chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp hàng hóa; hình thành các tổ chức dịch vụ cơ giới ở nông thôn, phân công lại lao động để nâng cao hiệu quả của việc ứng dụng cơ giới hóa; tuyên truyền đến từng người dân các cơ chế, chính sách hỗ trợ liên quan của Nhà nước; tăng cường công tác chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật về cơ điện nông nghiệp thông qua các mô hình khuyến công nông nghiệp;... Do đó, vấn đề cơ giới hóa trong sản xuất lúa đang được chú trọng và cần có những giải pháp để đẩy mạnh trong thời gian tới. Theo đó, cần có chủ trương, chính sách quy hoạch phát triển tổng thể nông nghiệp nói chung, quy hoạch lại hệ thống giao thông thủy lợi nội đồng nói riêng để tạo điều kiện nâng cao tỷ lệ cơ giới hóa trong sản xuất; tiếp tục có những chủ trương, chính sách đầu tư trang bị máy móc phục vụ sản xuất lúa, đặc biệt là máy thu hoạch và máy sấy lúa nhằm tăng chất lượng hạt gạo; thực hiện tốt khâu trang bằng mặt ruộng, dồn điền cho thửa ruộng đủ lớn để máy xoay trở, vận hành hoạt động hiệu quả hơn./.
"Cơ giới hóa nông nghiệp ở tỉnh có chuyển biến tích cực, từng bước phục vụ hiệu quả cho sản xuất nông nghiệp. Đây là bước tạo nền tảng vững chắc cho nông nghiệp của tỉnh bảo đảm hướng sản xuất hàng hóa và thực hiện thành công mục tiêu phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp”.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Nguyễn Chí Thiện
|
Huỳnh Phong