Quy trình sản xuất chao của hộ kinh doanh Nguyễn Thị Hoa
Được ưa chuộng
Hộ kinh doanh Nguyễn Thị Hoa có xuất phát điểm là cơ sở sản xuất chao với quy mô nhỏ tại ấp 9, xã Lương Hòa, huyện Bến Lức. Qua hơn 5 năm hoạt động, cơ sở đã nỗ lực tìm kiếm khách hàng, mở rộng kênh tiêu thụ và đầu tư trang thiết bị hiện đại phục vụ sản xuất. Nhờ vậy, sản lượng sản xuất tăng đều qua từng năm. Hiện tại, cơ sở sản xuất nhiều loại chao như môn, bơ, dừa, đậu,... Bình quân mỗi tháng, cơ sở cần khoảng 100 tấn đậu nành và một số nguyên liệu khác để sản xuất 4.000-5.000 thùng chao các loại (1 thùng 10kg). Chao do cơ sở sản xuất hiện phục vụ thị trường các tỉnh Tây Nam bộ, miền Trung, Tây Nguyên,... thông qua đại lý. Để phục vụ phát triển lâu dài, cơ sở đã hoàn thành xây dựng nhà xưởng, kho chứa cũng như đầu tư hoàn chỉnh dây chuyền sản xuất.
Chị Nguyễn Thị Hoa - chủ hộ kinh doanh, cho biết, sản xuất chao không đơn giản mà phải tuân thủ nghiêm ngặt về vệ sinh, an toàn thực phẩm mới cho ra sản phẩm ngon, chất lượng. Để thành công như hiện nay, cơ sở trải qua nhiều lần thất bại, nhất là khâu ủ chao lên men theo cách tự nhiên. Sau nhiều lần thất bại, đúc kết kinh nghiệm, sản phẩm chao của cơ sở được ưa chuộng trên thị trường bởi đa dạng về nguyên liệu.
Trồng nấm rơm là nghề không mới do người trồng tận dụng rơm sau thu hoạch lúa nhưng đa phần đều làm theo cách truyền thống, đơn giản là lấy công làm lời, dễ rủi ro khi gặp thời tiết không thuận lợi. Để khắc phục tình trạng này, thời gian gần đây, anh Lê Văn Thuận - chủ Cơ sở sản xuất nấm Phù Sa (ấp 5, xã Vĩnh Châu B, huyện Tân Hưng), ứng dụng công nghệ sản xuất meo nấm lỏng vào trồng nấm rơm. Sản xuất theo công nghệ mới phải qua nhiều công đoạn: Nguyên liệu đưa vào máy nghiền xong đưa qua phối trộn, hấp tiệt trùng nguyên liệu, cấy vi sinh chống nấm mốc, lên men và cho ra thành phẩm meo nấm. Theo anh Lê Văn Thuận, với công nghệ mới, rút ngắn thời gian sinh trưởng, giá thành sản xuất thấp, độ thuần cao, chất lượng tốt, tỷ lệ nhiễm khuẩn thấp, ít rủi ro. Công nghệ này có thể áp dụng sản xuất theo quy mô công nghiệp với số lượng lớn.
Anh Lê Văn Thuận cho biết thêm, với công nghệ sản xuất mới này, nấm sau thu hoạch đạt các tiêu chuẩn về vệ sinh, an toàn thực phẩm, khách hàng tin tưởng, ưa chuộng và đầu ra luôn ổn định. Hiện nay, bình quân mỗi tháng, cơ sở sản xuất khoảng 2 tấn nấm và được phân phối qua hệ thống các nhà hàng tại TP.HCM. Do chất lượng nấm tốt, đáp ứng các tiêu chí về an toàn thực phẩm nên giá bán luôn ở mức cao hơn nấm trồng theo cách truyền thống 10.000 đồng/kg. Thành công trong việc trồng nấm rơm, hiện cơ sở chuẩn bị các công đoạn để tạo ra sản phẩm nấm mối đen để tiếp tục phân phối ra thị trường.
Nấm rơm do cơ sở Phù Sa sản xuất
Trợ lực cho doanh nghiệp
Anh Nguyễn Tiến Lĩnh quê ở thị trấn Tầm Vu, huyện Châu Thành, từng học ngành thiết kế đồ họa và làm quen với công việc này vài năm tại TP.HCM. Thời gian gần đây, anh Lĩnh quyết định về quê, làm chủ công việc thông qua thành lập Công ty (Cty) TNHH SX-XD-TM Đại Lâm Mộc tại phường 4, TP.Tân An. Theo anh Lĩnh, trước đây, sản phẩm điêu khắc ít chất liệu, kiểu dáng nhưng thời gian gần đây, sản phẩm điêu khắc khá đa dạng, từ gỗ, mica, alu, nhựa,... dùng cho việc trang trí, sự kiện, đám tiệc.
Anh Lĩnh chia sẻ, thời điểm này, Việt Nam đã kiểm soát tốt dịch bệnh Covid-19 nên các sự kiện, nhất là tiệc cưới diễn ra nhiều hơn. Vì vậy, sản phẩm điêu khắc phục vụ sự kiện, tiệc do Cty sản xuất được tiêu thụ khá nhiều, đôi lúc không kịp đáp ứng nhu cầu khách hàng. Để hỗ trợ Cty phát triển ổn định, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn Phát triển công nghiệp tỉnh (TTKC) đã tìm hiểu quá trình hoạt động, quy trình sản xuất cũng như nhu cầu khách hàng về sản phẩm. Qua đó, TTKC quyết định dùng nguồn kinh phí khuyến công địa phương hỗ trợ Cty thông qua thực hiện đề án “Hỗ trợ ứng dụng máy khắc tự động trong sản xuất - gia công gỗ mỹ nghệ”. Đề án được xây dựng với kinh phí gần 200 triệu đồng, giúp Cty mua 1 máy khắc tự động hỗ trợ cho công việc. Thực hiện đề án trên, nguồn kinh phí khuyến công địa phương hỗ trợ Cty 94 triệu đồng, phần còn lại là vốn đối ứng từ Cty.
Anh Lĩnh chia sẻ thêm, trước đây, Cty có 1 máy khắc, nay được hỗ trợ kinh phí đầu tư thêm máy khắc mới giúp việc sản xuất đẩy nhanh tiến độ, bảo đảm nguồn hàng cung cấp ra thị trường. Sản phẩm làm ra từ máy khắc tự động có chất lượng đồng đều, giảm hao hụt so với làm thủ công, giúp Cty giảm chi phí sản xuất, tăng tính cạnh tranh. Đặc biệt hơn, sau thời gian dài ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, nguồn vốn hỗ trợ từ chương trình khuyến công như nguồn gió mới “trợ lực” thêm cho doanh nghiệp sức mạnh. Qua đó, hỗ trợ doanh nghiệp sớm phục hồi hoạt động sản xuất sau thời gian dài ảnh hưởng dịch bệnh.
Giống như Cty Đại Lâm Mộc, sau dịch bệnh Covid-19, hoạt động kinh doanh, sản xuất đồ gỗ, thủ công mỹ nghệ của hộ kinh doanh Phạm Văn Chính, ngụ ấp 2, xã Thủy Tây, huyện Thạnh Hóa, khởi sắc hơn. Ông Phạm Văn Chính - chủ hộ kinh doanh, cho biết, hiện nay, đơn đặt hàng bình ổn trở lại. Khách hàng ngày càng có yêu cầu cao về mẫu mã hàng hóa, nhất là đồ trang trí nội thất có chạm trổ. Trong khi đó, lao động phục vụ nghề mộc chạm khắc ngày càng khan hiếm, ít người theo nghề. Việc đầu tư máy khắc tự động là nhu cầu tất yếu, giúp cơ sở rút ngắn thời gian hoàn thành sản phẩm, hạn chế lỗi. Để khuyến khích cơ sở ứng dụng trang thiết bị hiện đại vào sản xuất, TTKC phối hợp cơ sở xây dựng đề án “Hỗ trợ ứng dụng máy khắc tự động trong sản xuất - gia công gỗ mỹ nghệ” bằng nguồn kinh phí khuyến công địa phương. Tổng kinh phí thực hiện đề án 208 triệu đồng, trong đó nguồn kinh phí khuyến công địa phương hỗ trợ 98 triệu đồng, phần còn lại là vốn đối ứng từ hộ kinh doanh.
Giám đốc TTKC - Phạm Văn Hường cho rằng, hiện nay, các cơ sở công nghiệp nông thôn tham gia sâu vào chuỗi phân phối sản phẩm ra thị trường, phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân. Các cơ sở này còn tham gia đào tạo, truyền nghề cũng như tạo việc làm ổn định cho một lượng lớn lao động với mức thu nhập ổn định. Việc hỗ trợ kinh phí để các cơ sở này đầu tư trang thiết bị là tất yếu, mở rộng đầu tư sản xuất, xây dựng thương hiệu, nâng cao giá trị sản phẩm. Điều này góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy ngành công nghiệp ở nông thôn từng bước phát triển, thúc đẩy kinh tế của tỉnh phát triển./.
Mai Hương