Tiếng Việt | English

04/11/2023 - 08:55

Cơn bão đi qua

Minh họa: Internet

Đêm. Mưa vẫn rào rạt rơi trên mái nhà. Mẹ lấy tấm nylon che quanh chiếc mùng để mưa không rớt xuống người những đứa trẻ. Chúng đang say giấc nồng sau vài tiếng đồng hồ vật lộn với mớ bài tập ở trường, dưới ánh đèn leo lét. Hai ngày nay, thời tiết mưa bão, điện cúp, ngoài ngọn đèn dầu và một chiếc đèn sạc điện dự trữ thì không còn dụng cụ nào có ánh sáng để phục vụ nữa.

Mưa lớn, con đường đến trường cũng ngập sâu trong biển nước. Dẫu vậy, buổi sáng, lũ trẻ vẫn mang áo mưa, đi bộ đến trường. Ngôi trường nằm giữa cánh đồng mênh mông lúa. Bây giờ, lúa cũng ngả như rạ, theo chiều nước cuốn. Bà con trong xóm gọi nhau ra cắt, thậm chí cắt cả đêm để cứu vớt những gì còn sót lại.

Năm thứ 3 chứng kiến mưa bão kéo đến, lòng Châu không khỏi xa xót. Nó mới học lớp 6, lứa tuổi mà giống như những đứa trẻ trong xóm, chỉ biết chơi và học cho giỏi, cho ngoan là được. Nhưng cứ tới mùa bão, nó lại thấy ba mẹ tất bật ôm đồ bỏ lên gác cao để nước mưa không tràn vào, hỏng hóc rồi lại lo vụ mùa ngoài đồng, chạy đôn chạy đáo nhốt mấy con gà, con vịt vào chuồng.

Mấy chị em Châu thường chạy lăng xăng, lúc ngoài sân, lúc trong nhà để phụ ba mẹ những việc lặt vặt. Lúc mọi thứ đồ đạc được xếp lên gác, chúng theo ba mẹ trèo lên, ngồi thu lu trên đó đợi nước rút rồi lại trèo xuống.

Châu nhớ lúc mình còn nhỏ xíu, tới mùa mưa bão, nước cũng không dâng ào ạt như bây giờ. Nhà không có gác lửng, nước chỉ mấp mé ở cửa rồi từ từ rút. Những ngày như thế, ba anh em sẽ được ngồi trong chiếc chăn ấm trên giường, anh ngồi trước, Châu ngồi ở giữa, phía sau là em út. Cả ba làm chiếc thuyền, la hét om sòm trên giường. Bao giờ có tia sét xẹt qua, kèm theo tiếng sấm đùng một cái, thì ba anh em lại giành nhau chui vào chăn, cười rúc rích. Ba mẹ ở ngoài sân lo vườn rau, quét dọn.

Những ngày bão hồi đó không ồ ạt như bây giờ, nếu có gió, nó chỉ xô đổ mấy cây mía ngoài vườn. Lúc đó, anh em Châu lại được ba mang vào cho mấy cây, ngồi lấy dao róc ăn ngon lành. Mía trắng, cây to, bụ bẫm và ngọt lịm. Ba thường trồng dịp tết cho anh em Châu mang ra chợ bán, kiếm tiền đi chợ tết. Ở quê Châu, lúc nào người ta cũng đặt hai bên bàn thờ mấy cây mía, nghe bảo để cho ông bà làm đòn gánh gánh gạo, gánh lúa đi.

Khi cỗ bàn đã hết, hai chiếc thúng được đặt trước hiên nhà, có gạo, bánh tét, các thứ đồ ăn để ông bà mang đi. Đó là quan niệm, tục lệ ở xóm nên vì thế, năm nào anh em Châu cũng bán được nhiều cây mía to. Đất nhà gần sông nên mấy mùa mưa bão được hưởng hết phần đất phù sa bồi đắp. Mía nhà Châu, chẳng có nhà ai trong xóm bì kịp. Cuối năm, trong cái bịch vải treo ở hông, anh em Châu có đầy tiền để đi chợ, mua những thứ đồ lặt vặt, tha hồ lựa chọn.

Năm nay bão tới, gió rít qua hàng mía, nghe cái ào. Châu ngồi bên cửa sổ nhìn ra, thấy một loạt cây mía đổ rạp. Ngả nghiêng. Những cây đó, ba đã buộc kỹ bằng dây lạt, nhưng tránh sao được gió trời. Chỉ đợi mưa tan, ba ra vườn chặt hết vào. Anh em trong nhà ăn không hết, ba gọt sạch vỏ, ép lấy nước để mẹ nấu mật mía, dùng dần trong năm. Mật mía kho cá, nấu thịt, các món ăn đều được. Nhưng anh em Châu không muốn thế, chỉ muốn có những cây mía tốt tươi để cuối năm bán kiếm tiền xài tết.

Có tiếng hô hào ngoài ngõ làm Châu giật mình.

- Có ai không, cứu với, gỗ đè chết người rồi!

Ba nghe, chạy huỳnh huỵch ra phía tiếng kêu. Mẹ đang mải mê dọn mớ rác cây mía cũng bỏ dở chạy ra. Giữa dòng sông cuồn cuộn nước chảy xiết, Châu thấy bác Lý đang ôm một cây gỗ lớn, vật vờ trên sông. Tiếng bác Hạnh đứng trên bờ hô lớn:

- Thả cái cây ra đi, đồ ngu! Nước chảy như thế mày kéo không được đâu. Nó dìm chết bây giờ.

Mặc cho những lời hô hào trên bờ, bác Lý vẫn gan lì ôm một gốc cây cổ thụ. Hình như trời mưa lớn, đất sạt lở nên cây từ trên phía vùng núi đã bị trôi dạt về đây. Chắc tiếc tiền, tiếc của, thấy cái cây to, có thể dùng để đóng bàn, đóng tủ nên bác Lý cứ thế nhào đến, ôm cho bằng được. Nhưng con người, sức yếu, làm sao có thể đánh bại được mẹ thiên nhiên, khi những cơn thịnh nộ của dòng nước đang ồ ạt tới.

Châu chạy băng băng vào nhà. Nó vội vàng cầm một chiếc sào dài chạy ra. Lúc này, bác Lý và khúc gỗ to đã trôi đi một đoạn khá xa. Sự lì lợm và một chút tham lam của bác Lý khiến mọi người bực mình. Lỡ cái cây xoay một vòng, nước xoáy sâu, bác Lý sẽ bị cuốn lúc nào không hay. Đừng nói tới chuyện biết bơi, biết bơi cũng đi vào cửa tử như chơi.

- Bỏ ra đi, bỏ ra đi - Tiếng bà con ầm ầm trên bờ.

Lúc này dường như vật lộn với cái cây không nổi, bác Lý bắt đầu đuối sức. Bác Hạnh, bác Hòa, chú Hậu và 3-4 người nữa chạy huỳnh huỵch trên bờ. Ba của Châu cũng chạy theo. Ông vớ lấy cây sào Châu vừa mang ra, cắm đầu chạy thục mạng. Một lúc, người ta đã không còn thấy bóng dáng bác Lý đâu nữa. Trên bờ, vợ bác Lý quỳ xuống bờ đê, khóc không thành tiếng.

- Trời ơi là trời, đi ôm cái của nợ đó làm gì mà chết hả trời... - Bác kêu gào trong tuyệt vọng.

Chừng 15 phút sau, khi bóng những người đàn ông trong xóm khuất dần phía bên chiếc cầu, người ta lại nghe ồn ào. Rồi một người, hai người, ba người. Tất cả đang túm tụm, ba Châu ngồi thụp xuống, hô hấp nhân tạo, cố gắng đẩy, ép tim cho nước ra ngoài. Xung quanh, người khóc, người la, người hối vang cả một quãng sông.

Châu đứng lặng phía xa. Nó chắp hai tay lên ngực nguyện cầu. Bất giác nó nghĩ về lòng tham của con người. Về những gì mà con người đã bạc đãi với thiên nhiên. Chặt cây, phá rừng, đốt nương, đốt rẫy nhưng không cải tạo rừng. Mưa bão ngày một nặng hơn. Đến năm nay thì sức chịu đựng của bà con dường như khánh kiệt. Cứ mỗi mùa bão tới, lòng họ lại lo âu không ngừng.

Tiếng ai đó hét lên làm Châu giật mình:

- Ôi, tỉnh lại rồi, tỉnh lại rồi kìa!

Châu nhìn theo tiếng hét. Nó thấy mọi người dạt ra. Ba Châu đang nằm trên bờ, thở dốc. Bác Lý đã được vớt lên, tỉnh lại sau một hồi được hô hấp nhân tạo. Tiếng bác Bình trưởng ấp nghe rổn rảng:

- Ổn chưa? Tham chi mấy cây gỗ. Đã không trồng được thì chớ lo mà đu theo, ôm ôm cái gì.

Mọi người lần lượt ra về, ai cũng trong bộ dạng ướt sũng. Bước chân nặng nề của bác Lý vừa qua cửa tử. Lê lết trên con đường mòn.../.

Thụy

Chia sẻ bài viết