Minh họa: Hữu Phương
1. Nhà anh chị lớn đi học hết trơn; chỉ còn mỗi nó là chưa đủ tuổi nên phải lẩn quẩn ở nhà với mấy con gà, vịt, “bác Cún” và “thằng Mướp”. Hết thẩn thơ sân vườn, rồi ra tới cổng ngõ lại quay vào.
Chị Hai, anh Ba, mỗi lúc tan trường về lại chí chóe, tranh nhau kể biết bao điều thú vị ở trường, lớp. Từ chuyện lên lớp được cô tuyên dương vở sạch, chữ đẹp, chuyện nhảy dây, đá cầu trong giờ ra chơi đến cô giáo có sáng kiến ưu tiên học sinh “thấp bé nhẹ cân” lên ngồi bàn đầu (cho dễ nhìn bảng) mà có đứa khóc do sợ phải lên ngồi gần cô, lý do… học dốt!
Mình thì đừng hòng “học dốt” nhé! Nó nghĩ bụng.
- Chị Hai ơi, chừng nào em mới được đi học?
Chị Hai vênh mặt:
- Mày hả? Còn lâu lắm. Đợi đi cưng!
Nghe cái giọng gai hông? Làm như mình chị biết đi học không bằng! Nó chạy theo níu áo anh Ba: Anh Ba ơi! Sang năm em vô lớp 1 được chưa?
- Chưa đâu, Út! Anh Ba cười hiền.
- Nhưng em muốn đi học! Nó phụng phịu, nói như sắp khóc.
Anh Ba dỗ:
- Út nín, ngoan. Út phải chờ lớn thêm cho đủ tuổi đi học mẫu giáo. Học xong mẫu giáo rồi mới được vào lớp 1…
- Vậy khi nào em mới đủ tuổi đi học mẫu giáo?
- À, vụ này thì anh… anh… - anh Ba ngắc ngứ, gãi đầu, gãi tai cười. Thôi, em đi hỏi ba cho chắc, vụ này anh Ba hổng rành.
2. Thì ra, nó phải còn 1 năm nữa mới được đi mẫu giáo!
Lâu gì mà lâu dữ. Đáng ra, mẹ phải đẻ mình sớm hơn. Ở nhà lẩn quẩn miết, chán lắm rồi! Dạo này, nó có thêm đứa bạn mới dọn về gần nhà. Con bé Nhi - cháu ông Tăng hàng xóm, cũng chưa tới tuổi đi học. Ba mẹ Nhi bận đi làm xa, gửi bé cho ông, bà ngoại trông nom. Vậy là, cuộc hành trình “từ nhà ra ngõ” của nó nhờ có bé Nhi đồng hành mà bớt đi rất nhiều chán ngán.
Nhưng mà, bớt không có nghĩa là hết. Cầm tay dung dăng dung dẻ; chúi mũi vẽ vời trên nền gạch hay xúm lại săn ve rận trên mình “bác Cún” rồi cũng phải tới lúc… hết chuyện. Phải nghĩ được trò gì khác. Nó sực nhớ ra: À! Bữa trước nghe mẹ bảo Nhi lớn hơn nó 1 tuổi. Mẹ chỉ dặn: Không được ra khỏi ngõ nếu không có người lớn đi cùng. Mà con Nhi hơn tuổi, “người lớn” đứt đuôi so với nó còn gì. Phát hiện hay ho kia khiến nó sướng không kìm được, nhảy tưng lên.
Nhà vắng hoe, ráng sức lôi cánh cổng rào nặng trịch cho hở ra một khe nhỏ, nó kéo con Nhi thử lách người qua. “Bác Cún” đập đập đuôi, miệng “gâu, gâu”. Gâu cái gì mà gâu; nó giơ nắm tay dứ dứ, miệng suỵt suỵt đe dọa. Mau, đi mau… Đi đâu? Cứ đi, đừng hỏi…. Bốn cái chân ngắn cũn lúp xúp ù chạy. Nó dẫn đường, đương nhiên biết rõ mình định đi đâu.
Kia rồi…
3. Chỗ ấy là trường mẫu giáo.
Trường chỉ cách đâu 3-4 cái nhà trong xóm. Nó biết, do có lần đã được chị Hai dắt lên chơi.
Sân trường, phượng tỏa bóng mát rượi. Vọng ra từ lớp là tiếng cô giáo nhắc nhở, tiếng hát, tiếng vỗ tay. Hai đứa lò dò tiến sát hành lang, nép mình sau cửa sổ hóng mắt nhìn vô. Lần đầu tiên, nó được tận mắt quan sát một lớp học mẫu giáo. Hai hàng ghế gỗ nhỏ xíu xếp vòng cung trước chỗ dành cho cô giáo. Học sinh mặc đẹp, chỉnh tề, mỗi bạn nghiêm túc ngồi trên một ghế. Ngồi ngay ngắn, bỏ hai tay lên đùi, nghe cô hát mẫu rồi cả lớp hát theo.
Mấy mươi cái miệng tròn vo đồng uốn lưỡi, cong môi, cố phát âm cho giống giọng cô, nhìn rất ngộ! Em sẽ là mùa xuân của mẹ/ Em sẽ là màu nắng của cha,… Nó không biết ngoài này, nó cũng đang cong môi uốn lưỡi, miệng lại còn mấp máy tính hát theo.
Cái bộ dạng tức cười tới mức Nhi quay lại trợn mắt, đưa chân giẫm lên chân nó một phát đau điếng, ý nhắc không được để cô giáo bắt quả tang 2 đứa đang rình lớp học! Sau phần hát tập thể kèm bắt nhịp vỗ tay, cô mời đứng dậy đơn ca. Hát xong được cô giáo khen, được cả lớp rào rào vỗ tay tán thưởng.
Cô dặn: Bạn nào chưa thuộc thì về hát thêm cho thuộc để mai lớp mình tập múa. Các con có thích không? Thích ạ! Cả lớp đồng thanh. Thi…, nó xém chút cũng gào to theo mấy đứa bên trong nếu Nhi không kịp thời đưa tay bụm miệng nó. Hú hồn!…
Mẹ ban đầu rất bực nhưng ba hài hước thêm vô: Thôi, từ nay bé Út luôn có “người lớn” đi kèm, lệnh cấm của mẹ hết thời rồi nhé! Anh Ba thì kêu: Trường mẫu giáo sát bên nhà, cho Út qua chơi cho lanh người mẹ ơi! Người một tiếng. Kết cục, mẹ đành nhượng bộ, điều kiện có Nhi đi kèm.
Mấy tháng “sổ lồng” trôi qua nhanh ghê. Ngày nào cơm nước xong, 2 đứa cũng dắt nhau lên trường. Nhảy lò cò, chơi ô,… nhưng thích nhất vẫn là trò nép mình bên cửa sổ hóng chuyện học hành đang diễn ra trong lớp. Chú bảo vệ quen mặt, cho tự do vô cổng bởi biết 2 đứa chơi rất ngoan. Có điều, thời gian sắp hết, trường sắp đóng cửa, nghỉ hè. Chú bảo vệ hỏi: Hai đứa đủ tuổi chưa, sang năm kêu ba, mẹ xin cho vào học?
- Dạ, cháu đủ rồi. Ngoại cháu nói khai giảng… Nhi lật đật cướp lời, cái giọng hớn hở nghe phát ghét.
Nó im lặng. Buồn!
- Ba ơi, con muốn đi học. Khai giảng này, Nhi cũng đi học, mình con ở nhà buồn thiu. Ba xin cô giáo cho con đi học nghen ba.
Năn nỉ hết lời, ba cứ nhất định không. Hết lý do đi học sớm, còn nhỏ không theo kịp bạn, rồi tới: Nhà trường không cho phép học trước tuổi. Chờ sang năm… Chờ, chờ, chờ, lúc nào cũng chờ! Chán ba quá chừng!
Nó quyết định tự nghĩ cách, không cần nhờ ba.
Hôm qua, Nhi khoe với nó bộ váy áo mới tinh, bảo của mẹ mua chuẩn bị cho ngày khai giảng. Chắc thấy nó im lặng, buồn xo nên Nhi ái ngại: Hay… khai giảng, mày cũng đi học với tao luôn?
- Nhưng tao chưa đủ tuổi.
- Kệ, cứ đi đi, cô giáo không biết đâu. Mặc đẹp vào, cho giống mấy đứa tao là được!
- Ô la la, ý này hay.
Tức khắc, trong đầu nó vẽ ra kế hoạch hoàn hảo “hết nấc”.
4. Khai giảng.
Sáng sớm, anh, chị lên trường. Ba, mẹ đi làm sớm. Nó ngoan ngoãn dạ dạ nhưng mắt cứ lom lom, thầm vái trời cho ba, mẹ đi mau.
Đợi cả 2 vừa khuất bóng, nó phi nhanh vô buồng, thay chiếc áo mới tinh mà mẹ mua hôm tết. Soi gương, nó tự chải tóc. Giày cũng tự mang.
Con Nhi thò đầu qua rào, sốt ruột vẫy vẫy, ý chờ lâu quá!
Hai đứa dắt nhau vừa chạy, vừa thở. Tới trường vừa kịp lúc bắt đầu vào lớp. Cô Mai cho xếp hàng. Nó tự tin đứng dõng dạc vào hàng đằng trước con Nhi. Cái áo đẹp cùng đôi giày mới khiến nó thấy mình cũng… “người lớn” chẳng kém cạnh ai. Vậy mà, ba cứ nhất định bảo rằng nó còn nhỏ lắm!
Giờ các con nghe cô đọc tên. Tới tên con nào thì con đó đáp “có” thật to rồi đi vào lớp, rõ chưa? - tiếng cô Mai dặn. Rõ rồi, dễ ợt mà. Lần lượt từng bạn hô “có”, xong tách khỏi hàng đi vào lớp. Hai hàng học sinh trước cửa lớp cứ thưa dần, thưa dần… Con Nhi chậm nhất cũng đã được gọi vào trong, bỏ duy nhất mình nó đứng ngoài. Tới lúc sắp gập sổ, cô Mai mới ngạc nhiên nhận ra còn nó.
- Ủa, sao con chưa vô lớp mà còn đứng đây?
- Dạ, cô chưa gọi tên con.
- Vậy con tên gì?
- Dạ, con tên Út.
Cô Mai lại dở sổ, cắm cúi rà danh sách học sinh từ trên xuống dưới, rồi từ dưới lên trên. Mồ hôi trên trán cô lấm tấm.
- Danh sách không thấy tên con. Hay con về, hỏi ba mẹ có đăng ký nhập học cho con chưa?
- Không, con không về. Con muốn học! Nó bắt đầu mếu máo, thút thít. Cô Mai khổ sở vò đầu bứt tóc…
Có tiếng xe đậu trước cổng, một người đàn ông đi như chạy vào trong cùng bác bảo vệ. Kia rồi, con tôi…
Là ba.
- Xin lỗi cô, để cháu tự tới trường làm phiền cô là lỗi ở tôi.
- Không sao đâu anh, cháu nó ham đi học quá thôi mà… Cô Mai với ba đồng nở nụ cười tươi, nhẹ lòng vì rắc rối đã được giải quyết xong.
Riêng nó đột ngột òa khóc.
Tiếng khóc nức nở khiến nụ cười của 2 người lớn vụt tắt ngấm. Ba khom người bồng nó lên, ra sức dỗ:
- Thôi nào, nín, ngoan, rồi ba nghĩ cách…
Cái cách ấy ba với cô Mai phải vào trao đổi với nhau lâu lắm nhưng cuối cùng cũng ngã ngũ. Ba bước ra, miệng cười tươi. Nó ngước nhìn ba, nhìn cô, hồi hộp…
- Ba xin cô rồi, sẽ cho con đi học nhưng chỉ là “học theo”, không có tên trong danh sách lớp, con chịu không?
Trời! Nó nhảy tưng lên, ôm lấy cổ ba cười như nắc nẻ, rồi tụt xuống, quay sang vòng tay cúi đầu: Con cám ơn cô ạ! Cô Mai gật đầu mỉm cười, nắm tay, dắt nó vào lớp./.
Nguyễn Văn Danh